Tham gia tự bán hàng
ĐĂNG NHẬP





Quên mật khẩu?

THAM GIA TỰ BÁN HÀNG
THAM GIA

ĐĂNG NHẬP


Nhà cung cấp

Tổng sản phẩm

Tổng sản phẩm đã chọn

Tổng sản phẩm đã bán


Thương hiệu

Hàng độc

Đã sử dụng

Đồ cổ

Xả hàng ngày 25


Shop blogs


EVoucher


Tin của ILIXX



Tải App:


 TRANG CHỦ

 SHOP BLOGS

 TOP 99

 eVOUCHER

AI BIẾT?

Hôm nay : 23/10/2024 | 06:15:48AM


 

People: Chân dung 53 dân tộc thiểu số.

Tài khoản đăng : ILIXX ADMIN
Đăng : 06/03/2020 | 11:25:54 PM
Lượt xem : 940




Đến Việt Nam lần đầu tiên năm 2007 với tư cách là thành viên trong đoàn một tổ chức phi chính phủ của Pháp, Réhahn một nhiếp ảnh gia người Pháp, từng đi qua hơn 35 quốc gia, đã có cơ hội khám phá đất nước, con người và văn hóa Việt Nam qua ống kính của mình, ông đã chụp được hơn 50.000 bức ảnh trước khi đến Hội An, rồi chọn nơi đây là quê hương của mình từ năm 2011. Tháng 1 năm 2017, Réhahn đã khánh thành Bảo tàng Phòng trưng bày di sản vô giá của mình tại Hội An.

Lần lượt dưới đây là 53 bức ảnh chân dung mà hầu hết đều là người già, được xem là những khuôn mặt đại diện tiêu biểu cho 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam qua ống kính của nhiếp ảnh gia Rehahn, được chọn ra trong số những bức ảnh được chụp từ 2012 đến 2019, là một phần không thể thiếu trong một dự án mang trên <Precious Heritage Museum - Bảo tàng di sản vô giá>, kèm theo đây là phần tự thuật của ông, thật đáng để quan tâm.

1_Dân tộc Bahnar

“Tôi gặp người Ba Na lần đầu tiên vào năm 2013, trong một chuyến đi xe gắn máy khoảng giữa Hội An và Kon Tum. Dân tộc này nổi tiếng với kiến ​​trúc ngoạn mục của ngôi nhà chung thường được gọi là Nhà Rong, được xây dựng ở vị trí trung tâm trong bản làng. Ngôi nhà có đặc trưng bởi các cột của nó, xây cao cách mặt đất khoảng hai mét - để bảo vệ tránh khỏi hổ dữ! - mái nhà có chiều cao lên tới 20 mét, tượng trưng cho sự thịnh vượng của cộng đồng.
Phụ nữ của nhóm dân tộc Ba Na được công nhận là có nhiều tài năng, họ là thợ dệt, học kỹ thuật dệt bằng cách sử dụng máy dệt truyền thống ngay từ khi còn bé 13 hoặc 14 tuổi. Người Ba Na không còn mặc trang phục truyền thống hàng ngày nữa, đặc biệt là ở các cộng đồng gần khu vực thành thị, nhưng một số người vẫn tiếp tục công việc làm trang phục và mặc nó trong các lễ hội chào mừng năm mới.
Ảnh này chụp Lang Yen, 6 tuổi khi tôi gặp cô bé vào năm 2017. Lúc ấy cô bé không mặc trang phục truyền thống, nhưng khi chụp, cô bé lại mặc nó với niềm tự hào và tạo dáng. Tôi đã trở lại gặp cô ấy một lần nữa vào năm 2018 như một phần trong dự án Giving back của tôi, tôi hiện đang trợ cấp tài chính giúp cho cô ấy đi học”.

2_ Dân tộc Bo y

“Chuyến đi của tôi vào năm 2015 giống như một cuộc phiêu lưu. Tôi đã dành cả ngày để đi lòng vòng quanh một khu vực khá rộng mà luôn có cảm giác như mình đang bị mắc kẹt trong một mê cung vì mọi thứ trông đều giống nhau. Tôi đã phải nhờ một số người lạ giúp tôi tìm đường. Khu vực này gần Quản Bạ thuộc tỉnh Hà Giang. Khi vào đến làng, tôi thấy nhiều ngôi nhà được xây trải rộng ra xa. Từng người một, mọi người đã đến để giúp tôi khiến mọi thứ nhanh chóng trở nên thân thiện.

Người phụ nữ trong ảnh này là bà Lu Thị Phùng 73 tuổi. Khi tôi hỏi bà làm cách nào cho tôi nhìn thấy một bộ trang phục truyền thống của người Bo y thì bà bỗng trở nên rạng rỡ xen lẫn tự hào. Bà nói bà là người cuối cùng trong cộng đồng của mình có thể làm được bộ trang phục này. Khi thấy những mảnh chắp vá thêu ren phức tạp trên tay áo được làm một cách công phu đến như vậy, người ta không thể không cảm nhận rằng lịch sử của người Bo Y như từng chi tiết được khâu vào bộ trang phục truyền thống này vậy”.

3_ Dân tộc Brâu

“Vào tháng 5 năm 2016, tôi đã có cơ hội gặp người Brâu. Tôi phải mất 2 ngày để đến làng, đó là một trong những nơi nghèo nhất mà tôi biết. Hầu như không còn người đàn ông nào trong làng nên bọn trẻ không thể chia sẻ thông tin gì về văn hóa của họ với tôi. Theo truyền thống, người Brâu đeo đồ trang sức nặng làm căng đôi tai để tạo ra dái tai dài và lớn. Họ sử dụng ngà voi hoặc gỗ tùy theo khả năng thu nhập của họ. Theo phong tục của người Brâu, những thiếu niên trẻ đến tuổi dậy thì phải chà bốn răng cửa của hàm trên cho đều nhau. Đây được coi là một nghi thức sắp thành người lớn. Người Brâu cũng từng xăm hình trên cơ thể. Tôi được cho biết rằng tất cả những người có hình xăm trên mặt đều đã già chết hết. Thất vọng vì không ai trong làng làm trang phục được nữa. Tôi rời ngôi làng này mà cảm thấy khá buồn nhưng cũng có được cảm hứng để kể lại câu chuyện này về họ”.

Năm 2018, tôi đã trở lại đây để tặng cuốn sách ảnh có chụp Y An, 76 tuổi. Ngạc nhiên và hạnh phúc, bà ấy đã chia sẻ khoảnh khắc này với gia đình rồi tặng lại tôi một chiếc mũ truyền thống tuyệt đẹp mà bà ấy đã làm. Thật không may, hình như ở đây tình hình văn hóa đã trở nên buồn hơn, tôi nghĩ đó là điều không tốt cho người Brâu”.

4_ Dân tộc Bru Van Kieu

“Dịch ra tiếng Việt, Bru Vân Kiều có nghĩa là người dân sống trong rừng. Tôi đã may mắn đến thăm nhóm này ở tỉnh Quảng Trị vào đầu tháng 9 năm 2016. Khi đến nơi, tôi ngay lập tức bị mê hoặc bởi cảm giác yên bình và hạnh phúc của ngôi làng. Bọn trẻ con chạy về phía tôi cười khúc khích, chúng đi theo tôi từ nhà này sang nhà khác. Khi tôi hỏi về ngôn ngữ của họ, không có ai trong làng có thể viết được.

Về trang phục, họ nói với tôi rằng thường họ chỉ mặc váy, loại được sản xuất từ bên Lào rồi người ta đem bán ở chợ Lao Bảo nằm ở biên giới, thật đáng buồn vì không còn ai trong làng làm được trang phục truyền thống Bru Van Kieu nữa. Như hầu hết phụ nữ trên khắp thế giới, phụ nữ Bru Vân Kiều cũng thích đồ trang sức, vòng tay đính cườm và khăn lụa”.

5_ Dân tộc Cao lan

“Tôi gặp người Cao Lan, vào tháng 11 năm 2017, khi đang đi thám hiểm ở tỉnh miền núi Yên Bái, trên đường đi, tôi tình cờ gặp trưởng làng Tân Hương. Ông Lý Tiến Sinh, 85 tuổi, đã làm trưởng làng trong hơn 20 năm, ông có thể đọc, nói và viết được chữ Nôm, thư pháp Hán-Việt cho đến đọc bảng chữ cái Latinh. Sau khi xem bộ sưu tập bản thảo ảnh của tôi, ông ấy đã tặng tôi một bài thơ, một bài thơ về tình yêu, điều này xác nhận lại lời đồn rằng dân tộc Cao Lan lãng mạn. Thơ ca và những bài hát dân gian của người Cao Lan được truyền tụng trong những cuộc thi ca hát, đó là niềm tự hào của Cao Lan, nó đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Người phụ nữ trong bức chân dung này là vợ ông Sinh, bà đã 85 tuổi, vô cùng tốt bụng. Bà đang mặc bộ trang phục. Màu chàm thuở ban đầu bây giờ đã được thay thế bằng màu đỏ và đen, được trang trí thêm với đồ trang sức bạc đơn giản. Trông đơn giản, nhưng nhìn nó vẫn toát ra sự thanh lịch so với cái cổ áo đầy màu sắc của mấy người hàng xóm. Ngày nay, trang phục chỉ được mặc vào những dịp đặc biệt và chiếc khăn xếp trên đầu coi như đã hoàn toàn biến mất”.

6_ Dân tộc Chăm

“An Phước là tên một cô bé 7 tuổi thuộc cộng đồng người Chăm, được biết đến là cô gái có đôi mắt mèo ở trong xóm. Đôi mắt trông giống như hai viên bi xanh, khiến cô ấy khác biệt đáng kể so với những cô gái khác trong xóm. Tôi sớm phát hiện ra rằng cụ cố của cô bé này là một người Pháp, điều này có lẽ giải thích về đôi mắt độc đáo này. Cha cô cũng có đôi mắt xanh trong khi đôi mắt của người chị gái thì một bên xanh, một bên màu lục nhạt.

Trên chặng đường khám phá cộng đồng người Chăm, có một người trên Facebook đã kể cho tôi biết thêm về cô bé này. Lúc đầu, gia đình cô từng tỏ vẻ khó chịu do kinh nghiệm non nớt của một nhà báo trước đó, nhưng với tôi, bằng cách đặt máy ảnh và tôi thực lòng cũng muốn nghe câu chuyện của họ, nên dần dần họ tỏ ra thân thiện hơn. Tôi được họ mời trở lại để chụp ảnh và cuối cùng tôi ở lại trong hai ngày. Điều này khẳng định lại niềm tin của tôi rằng bạn phải kết nối với mọi người trước khi bạn chụp ảnh họ. Bức ảnh này và các bài báo liên quan, đã được đăng trên nhiều ấn phẩm của Việt Nam, cũng như các phương tiện truyền thông quốc tế như National Geographic, BBC, Business Insider, Independent UK và gần đây là trang bìa của tạp chí Globe-Trotters và Geo ở Pháp”.

7_ Dân tộc Cho Ro

“Khi tôi đến thăm nhóm này vào tháng 10 năm 2016, tôi đã dành ra 2 ngày với họ. Trong khi tôi hỏi dân làng về bộ trang phục truyền thống của họ, điều làm tôi ngạc nhiên hơn hết đó chính là khi được cho biết người Cho Ro không hiểu tại sao tôi lại quan tâm về điều này.

Sau nhiều cố gắng tôi được dẫn đến gặp người trưởng làng. Ông ta là người hút thuốc liên tục và lúc nào cũng muốn đưa cho tôi điếu thuốc, tôi phải luôn từ chối một cách lịch sự vì tôi không hút thuốc. Nhưng khi tôi mang xì gà ra tặng ông, ông ta ngây ngất thích thú hét lên từ Cuba và Fidel với tất cả niềm vui sướng! Ông ấy đã rất vui mời tôi quay lại vào ngày hôm sau. Trước sự ngạc nhiên của tôi, ông ấy tặng tôi bộ trang phục cuối cùng còn giữ lại trong làng và người vợ của ông cũng đã đề nghị tạo dáng cho tôi chụp bức ảnh này. Không còn ai trong làng làm được những trang phục này nữa, nó thực sự trở nên có giá trị, là một di sản quý giá”.

8_ Dân tộc Chu Ru

“Người Chu Ru được cho là có mối liên hệ với người Chăm. Điều này thể hiện rõ trong phong cách ăm mặc cùng trang phục của họ, nhìn bộ trang phục giống với Sari Ấn Độ. Khi tôi đến thăm người Chu Ru vào tháng 8 năm 2016, tôi đã gặp người phụ nữ đáng quý này, bà đã mời tôi đến thăm nhà, bà tự hào tạo dáng trong bộ trang phục của mình và kể cho tôi biết về nền văn hóa dân tộc của bà có ảnh hưởng mạnh đến mức nào.

Người Chu Ru cũng được biết đến với việc làm rượu gạo và làm bình, họ cũng giỏi nghệ thuật và âm nhạc. Tôi may mắn được chứng kiến một ông cụ 80 tuổi chơi nhạc cụ thủ công cho mấy cháu gái của mình. Tôi đã có một quãng thời gian đáng nhớ với nhóm người này vì đã dành cả một tuần với họ! Tôi tự hào có được nguyên một bộ trang phục, một nhạc cụ và một chiếc nhẫn, tất cả chúng là một phần của bộ sưu tập Chu Ru của tôi”.

9_ Dân tộc Ko Ho

“Người Cơ Ho cũng được biết đến với tên gọi KoiHo hay Koho, chủ yếu nói tiếng Môn-Khmer bản địa mặc dù thực tế là con cháu họ đi học bằng tiếng Việt. Người Lạch lại là một nhánh nhỏ của người Cơ Ho bản địa ở Lâm Đồng. Tên của thành phố Đà Lạt có nguồn gốc từ chữ Đà Lạch - có nghĩa đen là ‘dòng sông của người Lạch’. Người Cơ Ho được biết đến với việc canh tác cây cà phê.

Vào tháng 8 năm 2016 lần đầu tiên tôi gặp người Cơ Ho. Khi vào làng, tôi rất ngạc nhiên khi thấy những ngôi nhà đầy màu sắc của họ. Có những ngôi nhà được sơn màu xanh lam, xanh lá cây và màu hồng nóng bỏng, gợi nhớ đến Cuba và Nam Mỹ. Đáng buồn thay, hầu hết người Cơ Ho không còn mặc trang phục truyền thống nữa, trừ khi có lễ hội. Thậm chí hầu như họ không còn có sẵn trang phục của mình. Nhóm Cơ Ho có một nền văn hóa dân gian và nghệ thuật phong phú, một nền âm nhạc và thi ca. Họ thích làm thơ trữ tình tràn đầy cảm xúc”.

10_ Dân tộc Cờ Lao

“Cố gắng của tôi để đến gặp được người Cờ Lao, ở vùng lân cận Hoàng Su Phì, vùng đất đầy tính phiêu lưu mạo hiểm. Khi tôi cùng một người bạn dự định lái xe tới làng thì người dân địa phương đã cười khi biết chúng tôi chọn đi trên một con đường mà họ đã cảnh báo trước rằng nó sẽ không bao giờ đưa chúng tôi đến đích. Rất quyết tâm, chúng tôi quyết định tiếp tục đi trên nhiều đoạn đường dốc, băng qua một thác nước, cho đến khi vào đường cùng! Chúng tôi bị mắc kẹt ở đây, trên một con đường dốc 30 độ, bề ngang chỉ rộng 1,20 mét, trong khi một cơn dông đang ập đến khiến tôi không còn lựa chọn nào khác đành quay đầu xe lại, tôi không dám nhả phanh vì sợ chiếc xe lao xuống dốc! Quá thất vọng, chúng tôi đành phải từ bỏ cuộc thám hiểm này.

Sau đó, tôi đã có cuộc gặp gỡ người Cờ Lao một cách hoàn toàn tình cờ khi tôi đến Đồng Văn, nằm ở vùng cao nguyên phía bắc. Một lần nữa, những con đường mòn đầy đá buộc tôi phải bỏ lại chiếc xe đạp để đi bộ. Tôi thấy nhóm người này thân thiện và đam mê văn hóa. Tôi may mắn gặp được cô gái trẻ trong bức ảnh này vì hóa ra, cô ấy là người duy nhất còn lại trong làng có sẵn một bộ trang phục hoàn chỉnh. Dân tộc Cờ Lao định cư ở các khu vực miền núi, và trên thực tế họ bị cô lập nhiều hơn hết so với các nhóm dân tộc khác”.

11_ Dân tộc Cơ Tu

“Trong nhiều thế kỷ, người Cơ Tu đều mặc trang phục làm từ vỏ cây. Họ dùng 5 loại cây khác nhau để tạo ra một loại sợi cứng. Sau khi loại bỏ lớp vỏ cây tươi, thân cây được đánh dập một cách cẩn thận để làm ra một loại sợi dai hơn, sau đó ngâm trong hỗn hợp nước cùng gia vị có mùi thơm trong khoảng 10 ngày để thấm mùi thơm và bảo vệ khỏi côn trùng rồi cuối cùng đem phơi khô trong một tháng.

Vào tháng 3 năm 2017, M. Bh’riu Liếc, người đại diện cho 94 làng Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam đã đến thăm bảo tàng Di sản vô giá của tôi tại Hội An. Sau chuyến đi thăm, ông thừa nhận rằng đã rất ngạc nhiên khi thấy một người ngoại quốc lại sẵn sàng bảo tồn di sản của các nhóm dân tộc Việt Nam và ông cũng tỏ ra rất tự hào khi thấy có sự hiện diện nền văn hóa của người Cơ Tu tại Bảo tàng di sản này. Hôm đó, ông đã tặng tôi một bộ trang phục bằng vỏ cây, đến tuần sau đó, khi tôi đến thăm vùng cao Cơ Tu ở huyện Tây Giang, tôi phát hiện ra rằng ông đã cho tôi cái áo cuối cùng đang có sẵn để biến nó thành một phần trong bảo tàng của tôi. Ở đây tôi cũng được giới thiệu biết Ông Clâu Nâm, chính là người đã đưa ra đề nghị trao tặng này, Clâu Nâm đã 87 tuổi và ông là người cuối cùng có thể làm ra chiếc áo nhờ công thức được truyền lại từ cha ông”.

12_ Dân tộc Cor

“Trang phục truyền thống này là một trong những bộ trang phục khó tìm nhất trong tất cả các bộ sưu tập mà tôi tìm thấy. Chỉ sau khi đến thăm hơn 20 ngôi làng, cuối cùng tôi cũng gặp được người phụ nữ này, bà sở hữu phiên bản gốc cuối cùng, với chiếc váy màu xanh mà ngày nay không ai làm ra nữa, khiến nó trở thành một di sản độc đáo.

Theo truyền thống, phụ nữ thường mặc nó chung với những chiếc vòng cổ làm từ những hạt nhỏ có cùng màu sắc. Vào những dịp hội hè, người ta trang trí dựng lên một cây sào cho các nghi lễ cùng nhiều vật linh thiêng tên gọi là Gu, đã được Bộ Văn hóa liệt vào danh sách Di sản phi vật thể của Việt Nam vào năm 2015, trở thành nghi lễ tổ tiên đầu tiên của một dân tộc thiểu số Việt Nam từ trước đến nay được bảo vệ”.

13_ Dân tộc Dao Mán

“Lãnh thổ của người Dao Mán được tạo thành từ những thửa ruộng bậc thang, được xem như một di sản thiên nhiên của quốc gia. Nhìn những thửa ruộng bậc thang ngoạn mục là minh chứng cho sự khéo léo của người Dao trước sự cô lập của môi trường tự nhiên được hình thành bởi địa thế giữa các thung lũng và triền núi cao.

Vào tháng 9 năm 2015, tôi đang lái xe trở về khách sạn nơi tôi đang lưu trú ở Quản Bạ Hà Giang thì tôi thoáng thấy một người phụ nữ với bộ trang phục lạ. Khi tôi hỏi cô ấy thuộc dân tộc nào, cô ấy đã trả lời Dao Mán, chữ Mán là do người Pháp đặt cho. Tò mò, tôi hỏi có thể theo cô về làng được không. Sau khi đạp xe 3 km trên con đường đá, chúng tôi về đến nơi trong cơn mưa như trút nước. Xung quanh tôi mọi người đều mặc trang phục truyền thống. Bấy giờ tôi đã có cơ hội chụp được bức ảnh chân dung cô gái trẻ này đeo rất nhiều vòng cổ. Thông tin về Dao Mán rất khó để tìm thấy, vì vậy tôi thấy mình quả rất may mắn khi đã gặp được nhóm thiểu số này”.

14_ Dân tộc Dao

“Người Dao có tới 9 nhóm nhỏ địa phương. Mỗi nhóm lại có trang phục truyền thống riêng, cách giúp phân biệt nhóm này với nhóm kia là nhờ màu sắc của khăn trùm đầu và cách buộc riêng. Phụ nữ sử dụng màu chàm để nhuộm trang phục và dùng kỹ thuật batik để tạo ra những hoa văn đẹp.

Tôi đã gặp người phụ nữ này từ nhóm Dao đỏ vào năm 2012 tại làng Tả Phìn, Đồng Văn. Họa tiết thêu và kết cườm phức tạp trên trang phục của bà thực sự mang đến cho người ta cảm giác về quá trình tạo tác công phu đến như thế nào. Bức ảnh này của bà ấy - được chụp trong gian bếp tại nhà bà, một thời gian sau, tôi quay trở lại làng để tặng bà ấy một bản sao bức ảnh. Trong chuyến thăm đó, bà ấy chỉ cho tôi cách nhuộm chàm”.

15_ Dân tộc Ê Đê

“Người Êđê tổ chức xã hội theo chế độ mẫu hệ, những ngôi nhà của họ có một diện mạo đặc biệt với chiều dài tới 100 mét! Dần dần, chúng đang được thay thế bằng các cấu trúc khác dẫn đến sự biến mất của toàn bộ hệ thống xã hội có từ thời từ tổ tiên của họ. Văn hóa độc đáo của họ ngày càng chịu áp lực từ lối sống mới đến từ các thành phố lân cận, nhưng cũng nhờ cà phê mà điều kiện sống của họ đã được cải thiện đáng kể.

Tôi đã từng gặp người Êđê nhiều lần, nhưng không bao giờ thấy nguyên bộ trang phục của họ, cho đến khi tôi đến khu vực Buôn Ma Thuột, vào tháng 10 năm 2017. Trong hầu hết các nhóm dân tộc, trang phục nam của người Êđê rất đơn giản nhưng lại mạnh mẽ, làm tăng sự tinh tế của trang phục nữ khi đi bên cạnh. Trang phục nam dân tộc Êđê rất lịch lãm chứa đầy những nét tinh tế. Theo truyền thống, mảnh màu đỏ tươi trước ngực là được dành riêng cho những người có thứ hạng cao trong xã hội. Ngày nay trang phục truyền thống vẫn còn được sản xuất và thường được mặc trong các lễ hội, thậm chí có thể tìm thấy nó trong một vài cửa hàng bán quà lưu niệm du lịch trong vùng!”.

16_ Dân tộc H’Mong Hoa

“H’Mông Hoa là một nhánh nhỏ của dân tộc H’Mông, được đặt tên như vậy bởi trang phục truyền thống của họ có màu sắc rực rỡ. Rất nhiều nét văn hóa của người H’Mong Hoa có thể được tìm thấy trong các của hàng dệt may trong vùng.
Bộ trang phục H’Mông có rất nhiều chi tiết, vì phải mất tới 6 tháng mới có thể hoàn thành nên nó được cho là quý giá đến mức có khi được xem như vật gia bảo. Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng của dòng khách du lịch và sự xuất hiện của công nghệ, giờ đây H’Mông Hoa in váy trên nền vải polyester, một kiểu sản xuất hàng loạt chấp nhận bỏ bớt chi tiết để tiết kiệm tiền bạc và thời gian, giá bán khoảng 60 000 đồng. Tuy nhiên, nó vẫn là một trong những trang phục đẹp nhất mà bạn thấy. Khi tôi gặp cô gái nhỏ này ở một ngôi làng gần Xín Mần, Hà Giang, cô ấy đang ngồi ăn cơm một mình. Sự tương phản của bức ảnh này là được tạo ra bởi ánh sáng tự nhiên”.

17_ Dân tộc H’Mong

“Chuyến đi đầu tiên của tôi đến Sapa vào năm 2012 là một trải nghiệm đáng nhớ và từ đó tôi đã quay trở lại Sapa đến 10 lần. Truyền thống của người H’Mông được gắn kết mạnh mẽ vào nền văn hóa bằng các kỹ năng may được lưu truyền trải qua nhiều thế hệ. Những ngày này, các điểm nóng có người H’Mông như Sapa đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng, hầu hết người dân địa phương đều hiểu cơ hội của họ đến từ du lịch. Dòng thu nhập mới này đã làm thay đổi và đa dạng hóa lối sống của người H'Mong.

Một trong những đặc trưng của văn hóa H’Mong là trang phục truyền thống của họ tiếp tục được phát triển theo thời gian, không như các nhóm dân tộc khác vẫn ít có sự thay đổi trong vòng một thập kỷ. Các cô gái H’Mông học cách làm trang phục từ năm 7 tuổi, trang phục được làm từ cây gai dầu sau đó đem nhuộm màu chàm trước khi trải qua hàng giờ ngồi thêu. Sự phát triển liên tục không ngừng này mang lại hy vọng về một tương lai yên bình cho nền văn hóa H’Mong, trong khi ở các nhóm dân tộc khác lại có xu hướng biến mất. Hàng Thị Đình, tên người phụ nữ trong bức ảnh, năm nay đã 92 tuổi, nhưng khi tôi gặp bà vào tháng 5 năm 2018, tôi luôn có ấn tượng qua cách trò chuyện nhiệt tình và hài hước của bà, dường như bà vẫn còn tràn đầy sinh lực! Quả là một cuộc gặp gỡ phi thường”.

18_ Dân tộc Giáy

“Người Giáy tạo thành một trong những nhóm dân tộc nhỏ nhất trên cả nước. Họ di cư từ Trung Quốc rồi định cư ở các vùng phía bắc Việt Nam khoảng 200 năm trước. Tôi đã gặp người Giáy nhiều lần trong sáu năm qua ở các khu vực du lịch quanh Sa Pa, nơi họ có cuộc sống hòa đồng với người dân Việt Nam. Đó là năm 2018 lúc đang đi tìm trang phục truyền thống, tôi phải mất hơn 2 giờ ngồi trên xe máy đi vùng núi để cuối cùng gặp được họ.

Thuở ban đầu trang phục của người Giáy đặc biệt tối bởi sự đồng nhất của sắc màu đen, nhưng thực tế bây giờ điều này không còn thấy nữa. Đã có rất nhiều thay đổi trong bốn mươi năm qua, và giờ đây màu sắc - đặc biệt là màu xanh lam, rất được yêu thích chú trọng - nhìn chung trang phục của họ giờ đây trông đã rất hiện đại. Trước đây, những trang phục được người Giáy làm từ vải bông, giờ lại được làm từ vải tổng hợp nhưng cũng hiếm khi thấy họ mặc. Một trong những người phụ nữ Giáy - Sìn Thị Rúm 82 tuổi - người trong bức ảnh này, đã nói với tôi rằng các con của bà đã bắt bà phải đốt bỏ tất cả những trang phục cũ để không gian trong nhà trở nên sáng sủa”.

19_ Dân tộc Hà Nhì

“Dân tộc Hà Nhì được cho là chia thành 2 nhóm nhỏ: Hà Nhì Đen và Hà Nhì Hoa. Tôi đã gặp thoáng qua Hà Nhì Đen vào năm 2014, rồi sau đó tình cờ gặp lại họ khi đi du lịch ở tỉnh Lai Châu và Lào Cai vào tháng 7 năm 2017. Cũng trong chuyến đi đó, tôi phát hiện ra một nhóm nhỏ tự xưng mình là Hà Nhi Hồng, đây là nhóm mới mà tôi chưa xác định rõ được. Những ngôi nhà sàn của người Hà Nhì Hồng được xây dựng trên sườn núi có khác so với những ngôi nhà người Hà Nhì Đen, được làm từ đất sét và rơm, không có cửa sổ, không thoáng khí, những bức tường tối tăm cho thấy điều kiện sống khắc nghiệt của họ. Thật vậy, tôi đã tiếp xúc một người lớn tuổi tên Pu Lo Ma, 89 tuổi cùng người con gái 60 tuổi, là hai người lớn tuổi nhất trong làng. Họ chia sẻ bữa ăn trưa của họ, cho thấy sự chào đón của bộ tộc. Ấn tượng đầu tiên của tôi là họ dè dặt nhưng tỏ ra cứng rắn, có lẽ là do họ ít tiếp xúc với người ngoại quốc.

Trang phục màu chàm làm bằng sợi bông là một trong những trang phục phức tạp nhất của khu vực phía bắc, trang phục người Ha Nhi Đen cũng phải mất tới 6 tháng để thực hiện xong, kể cả những bím tóc lớn tuyệt đẹp làm từ tóc thật. Ở cả hai ngôi làng, mọi người đều mặc trang phục truyền thống hàng ngày, nhưng một lần nữa, xu hướng này đang dần biến mất. Thay vào đó, bây giờ phụ nữ thường mua vải vóc có giá rẻ hơn nhiều từ Trung Quốc”.

20_ Dân tộc H’Rê

“Người H’Rê sống trong các đơn vị xã hội lên tới cả trăm gia đình. Tôi gặp người H’Rê ở tỉnh Quảng Ngãi lần đầu tiên vào năm 2013. Tôi không thấy ai mặc trang phục truyền thống, chỉ khi một lần tôi đang lái xe trở lại Hội An, tôi đã gặp người phụ nữ này bên đường mặc quần áo điển hình của H’Rê.

Tôi trở lại vùng này năm 2016, đặc biệt là để khám phá môi trường xanh xung quanh trị trấn Ba Tơ. Ở đó, tôi chỉ tìm thấy một ngôi làng nơi có một ít phụ nữ địa phương vẫn đang làm những chiếc váy màu chàm tối có hoa văn thêu tay. Mặc dù hiện tại họ đều làm việc kiếm sống ngay tại nhà riêng, nhưng họ lại bày tỏ mong muốn một ngày nào đó họ có một ngôi nhà lớn để có thể sử dụng làm không gian làm việc chung tăng thêm thu thập và truyền đạt lại văn hóa của họ. Khi đến thăm những ngôi làng khác nhau, tôi luôn có cảm giác rằng ít người ngoại quốc nào chịu ghé đến thăm những nơi này, bọn trẻ có vẻ hơi sợ khi nhìn thấy khuôn mặt xa lạ của tôi”.

21_ Dân tộc JRai

22_ Dân tộc Kháng

23_ Dân tộc Khmer

“Người Khmer Krom - nghĩa là người Khmer bên dưới - sống ở miền Nam Việt Nam, nơi họ tạo thành nhóm dân tộc thứ hai của đồng bằng sông Cửu Long, sau người Kinh. Nói chung, rất hiếm khi bắt gặp trang phục truyền thống của người Khmer trong cuộc sống thường nhật của họ. Thế hệ trẻ bây giờ không thích mặc nó mà thích loại quần áo mua từ chợ. Chỉ có phụ nữ trên 50 tuổi vẫn thường xuyên mặc nó khi đi chùa, có người cạo tóc theo tín ngưỡng Phật Giáo. Tôi từng đến thăm một ngôi làng nơi có hai hoặc ba gia đình vẫn có thể làm được trang phục truyền thống. Trang phục lụa của người Khmer Krom thực sự là một kỳ quan với cách tạo những hình ảnh Phật giáo. Trước đây, người Khmer có cách sản xuất tơ lụa của riêng họ, nhưng bây giờ họ mua nó từ người Việt Nam, họ vẫn nhuộm sợi bằng bột màu nhưng bột là từ Thái Lan chứ không phải làm từ thiên nhiên.

Tôi đã gặp bà Neàng Phong 83 tuổi, vài năm trước, khi đó bà đang ngồi may trang phục truyền thống ngay trước cửa nhà. Ngày tôi quay lại, bà ấy vẫn nhận ra tôi và tôi bất tử hóa bà ấy bằng pô hình với trang phục tuyệt đẹp này của bà như bạn đang thấy”.

24_ Dân tộc Kho Mu

“Tôi tình cờ bắt gặp người Kho Mu được vài lần trong lúc tôi đang cố tìm các nhóm dân tộc khác, như năm 2014 lúc đó tôi đang lang thang qua các vùng thung lũng của tỉnh Điện Biên chủ ý muốn tìm người Thái Đen, và một lần nữa ở khu vực Nghệ An khi tôi đang cố gắng tìm người O'Đu, một nhóm dân tộc nhỏ nhất ở Việt Nam. Nhưng vào thời điểm đó, tôi chỉ tìm thấy những ngôi làng của người Kho Mu, xen lẫn những ngôi làng khác của người Thái, nền văn hóa Thái có ảnh hưởng mạnh mẽ đến truyền thống của người Kho Mu.

Trong một chuyến thám hiểm vào năm 2017, tôi đã phát hiện ra một ngôi làng xa xôi biệt lập hoàn toàn, giúp bảo tồn được văn hóa riêng của người Kho Mu. Mặc dù có những điểm tương đồng với lối kiến ​​trúc Thái, nhưng ngôi làng Kho Mu này có vẻ như vẫn như thuở ban đầu lúc nó mới xuất hiện. Đối với trang phục, váy mượn kiểu Thái nhưng chiếc áo đi kèm thì lại rất độc đáo là của riêng người Kho Mu. Ở mặt trước, áo được gắn các loại tiền bằng bạc, giống như áo giáp thời cổ, đó được xem là thứ bùa may mắn. Tôi còn nhớ rằng dân làng chào đón tôi nồng nhiệt, tôi thực sự ngạc nhiên khi chứng kiến ​​nhiều phụ nữ hút ống tẩu nhỏ, tập trung ở giữa làng khi tôi đến”.

25_ Dân tộc La Chí

Người La Chí rất giỏi nghề và tháo vát. Phụ nữ lại giỏi xâu chuỗi, dệt, nhuộm và thêu. Đàn ông là những người thành thạo xây dựng, họ thường làm đồ gia dụng từ mây và tre. Những ngôi nhà La Chí thường được xây dựng trên sàn, bao quanh bởi những bức tường trát đất sét dày. Trang phục truyền thống La Chí đơn giản vô cùng. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy có nhiều phụ nữ mặc trang phục truyền thống nhưng lại ít thấy đàn ông mặc trang phục trong làng. Có một trường hợp khác lạ, Lùng Leo Phố 78 tuổi, người đàn ông quen mặc trang phục truyền thống là người trong ảnh, lại tỏ ra rất thân thiện với tôi.

Tôi đã bị choáng ngợp bởi sự cởi mở và không khí ấm cúng trong làng khi tôi được mời đến gặp một gia đình khác. Ở đây họ đã rất tự hào khoe nhà của họ, thậm chí còn cho tôi xem quá trình nhuộm chàm vốn vẫn là một phần văn hóa mà họ giữ được cho đến ngày nay.

26_ Dân tộc La Ha

27_ Dân tộc La Hủ

Tính cách người La Hủ được cho là mạnh mẽ và họ được biết đến như là những thợ săn hổ rất lành nghề. La Hủ không có ngôn ngữ viết và hầu hết trong số họ không nói tiếng Việt, điều này bắt buộc chúng tôi phải nhờ sự giúp đỡ của một thông dịch viên địa phương trẻ tuổi. Truyền thuyết kể rằng có một nhóm học giả La Hủ đã từng viết ngôn ngữ cổ trên những cái bánh gạo nhưng ngôn ngữ biến mất khi các học giả đói quá, ăn hết luôn bánh!

Ký ức về cuộc gặp gỡ đầu tiên này là niềm vui lẫn sự xui xẻo. Vui vì tôi đã có cơ hội chụp được bức chân dung tuyệt vời này của Lý Cà Sư, 91 tuổi vào thời điểm đó. Xui vì tôi phải rút ngắn thời gian ở La Hủ sau khi bị ngã xe dẫn đến bong gân mắt cá chân. Tôi trở về mà không có bộ trang phục nào, bất động trong 3 tuần và thất vọng vì đã bỏ lỡ trải nghiệm này, tôi nhất định phải quay trở lại để gặp bằng được người La Hủ. Cuối cùng tôi đã trở lại gặp bà Lý Cà Sư 3 năm sau. Chính trong dịp này, bà ấy đã tặng tôi một trong những bộ trang phục mà bây giờ bạn có thể chiêm ngưỡng trong bảo tàng của tôi.

28_ Dân tộc Lào

29_ Dân tộc Lo Lo

Dân tộc này được chia thành 3 nhóm nhỏ: Lo Lo Hoa, Lo Lo Đỏ và Lo Lo Đen, tên được đặt bởi màu sắc trong trang phục truyền thống của họ, Lo Lo Hoa là đặt từ trang phục rất sặc sỡ.

Cuộc thám hiểm đầu tiên của tôi tìm gặp Lo Lo Đen là vào năm 2013 dẫn tôi đến Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng. Trong chuyến thăm này tôi đã thấy nhiều phụ nữ mặc trang phục truyền thống. Hai năm sau tôi quay trở lại đây, rõ ràng là ít thấy họ mặc hơn. Trên đây có một bức ảnh về bộ trang phục Lo Lo Đen rách nát tiêu biểu cho nền văn hóa xưa cũ đan bị mai một dần.

Ngược lại, ngày nay người Lo Lo Hoa vẫn còn giữ gìn trang phục truyền thống của họ. Trang phục Lo Lo Hoa được coi là một trong những bộ đẹp nhất tại Việt Nam và nó cũng có giá đắt nhất, khoảng 1200 $. Nguyên nhân vì sao ? Trang phục này được phủ tới 4.000 hình tam giác được may lại bằng kỹ thuật appliqué, phải mất 2 giờ để chỉ khâu được 5 miếng! Tính ra có thể mất đến một năm mới có thể làm nên bộ trang phục hoàn chỉnh!

30_ Dân tộc Lò

“Tại sao ông không đến khi tôi còn trẻ trung và xinh đẹp?” Câu nói của già làng Lò Vân Báu 93 tuổi, vẫn còn in sâu trong trí nhớ của tôi đến tận hôm nay, cho tôi một cảm nhận kiểu chia sẻ vượt ra ngoài ranh giới văn hóa. Bà ấy dù sao cũng là kiểu người luôn truyền cảm hứng cho dự án Ageless Beauty của tôi. Tôi đã gặp người Lò vào tháng 7 năm 2017 tại khu vực Lai Châu, nơi họ sống là một trong những ngôi làng được bảo tồn tốt nhất mà tôi đã từng đến thăm. Ở đó có một bầu không khí yên bình vui tươi, tại đây những ngôi nhà sàn truyền thống vẫn được giữ y nguyên và mỗi hộ gia đình vẫn còn làm nghề may trang phục truyền thống, bao gồm cả những phụ nữ trẻ. Niềm đam mê đối với văn hóa của họ là điều hiển nhiên, họ đã phát triển du lịch đồng thời lại bảo tồn sinh thái rất tốt.

Trang phục làm bằng bông cotton, nhuộm màu chàm được tô điểm bằng hoa văn thêu các màu sáng, vẫn được họ mặc thường xuyên. Váy mặc hàng ngày, còn áo khoác bó sát người chỉ thỉnh thoảng mới mặc nhưng nhìn rất nữ tính, rất sành điệu. Cái mũ Lò thực sự là một chiếc khăn luôn được thắt nút ở bên trái của khuôn mặt. Ngày nay, nó chỉ dành riêng cho các sự kiện đặc biệt. Đối với đồ trang sức, người Lò có niềm tin rằng hoa tai giữ cho họ có sức khỏe tốt để đảm bảo cuộc sống lâu dài, vì vậy phụ nữ đeo hoa tai từ khi còn nhỏ mãi cho đến suốt cuộc đời.

31_ Dân tộc Mạ

Khi các ngôi làng dân tộc bị cô lập bởi điều kiện tự nhiên hoặc bị hấp thụ văn hóa đô thị, văn minh hiện đại chiếm mất vị trí của văn hóa truyền thống địa phương, tôi nghĩ đây là trường hợp của người Mạ khi lần đầu tiên tôi gặp họ vào năm 2014, lúc đó tôi không thể tìm thấy bất kỳ ngôi làng nào của họ còn trang phục. Nhưng vào tháng 5 năm 2017, tôi đã vô tình đi ngang qua một người phụ nữ địa phương khoảng độ 40 tuổi, bà ấy háo hức muốn tôi khám phá văn hóa của bà ấy và của cả ngôi làng. Bà ấy yêu cầu tôi chụp hình ghi lại cuộc gặp gỡ, bảo tôi gửi bức ảnh qua facebook, có lẽ đây là bằng chứng rõ nét về sự toàn năng của thế giới hiện đại đang len lỏi vào đời sống của các nhóm dân tộc thiểu số. Sau đó, bà ấy đưa tôi đến một ngôi làng hẻo lánh, tại đây tôi gặp Kồng Măng, một trong những người phụ nữ tính tình vui vẻ cùng chất hài hước đến tuyệt vời. Sau đó bà Kồng Măng cam đoan với tôi rằng bà sẽ đợi tôi quay trở lại trước khi chết. Vài giờ sau, bà đưa cho tôi xem tờ giấy khai sinh, tiết lộ một điều là bà đã 103 tuổi!

Trang phục Mạ trắng đã được thay thế bằng phiên bản màu đen với các chi tiết sáng, nhưng nó hầu như không còn nữa.

32_ Dân tộc Mảng

“Người Mảng không có ngôn ngữ chữ viết nhưng các nhà dân tộc học lại tin rằng họ là người bản địa ở vùng Lai Châu Việt Nam. Trong một thời gian dài, họ sống đời du mục - do đó họ có thêm biệt danh là ‘Dân giang hồ’. Cuối cùng năm 1945 họ chịu định cư tại vùng biên giới Trung Việt, lập ra một số ngôi làng nghèo nhất mà tôi đã từng đi qua. Theo truyền thống, họ thích sống gần nguồn nước để sử dụng hàng ngày. Mặc dù chính sách tái định cư đã cung cấp cho họ nhà ở mới, nhưng nó cũng làm mất đi nhiều thứ trong nền văn hóa của họ. Những ngôi nhà sàn của họ tuy vẫn tồn tại nhưng, từng chút một đang được thay thế bằng những ngôi nhà gạch.

Trang phục truyền thống của người Mảng không còn được làm nữa, ngày nay người Mảng sống tách biệt với phần còn lại của thế giới, họ ở những vùng núi xa xôi, từ con sông gần nhất cũng phải đi bộ hơn một giờ mới gặp được làng của họ. Tôi đã tìm thấy họ vào tháng 7 năm 2017. Có vẻ họ chưa bao giờ gặp gỡ một người ngoại quốc nào trước đó nên tôi có thể hiểu được một chút ngại ngùng của họ lúc ban đầu mới gặp, nhưng cuối cùng họ cũng đã chào đón tôi. Người phụ nữ trong bức chân dung này gần như bị mù nhưng lại bà lại khiến tôi cảm động bởi sự chân thật và lòng tốt của bà. Bà có 2 bộ trang phục truyền thống làm từ một chiếc áo vest được trang trí bằng đồng bạc và một chiếc thắt lưng dày quấn quanh ngực. Đáng buồn thay, thế hệ trẻ của họ đánh giá nó là một thứ xấu xí rắc rối”.

33_ Dân tộc M’Nong

“Tôi đã gặp người M’Nông ở cả hai vùng của Việt Nam. M’Nông ở vùng Bình Phước và M’Nông ở vùng Đăk Lăc Tây Nguyên. Tôi có dịp đến thăm họ thường xuyên trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2018. Người M’Nông Đắc Lak có một đặc điểm độc đáo là có mối quan hệ giữa người với voi, điều này hoàn toàn không có đối với người M’Nong ở Bình Phước. Người M’Nông ở Đăk Lăk có thói quen đi bắt và thuần hóa voi trong vài tháng trước khi được đem đến giới thiệu cho Già làng trong một buổi lễ, từ đó họ sẽ trở thành thành viên chính thức của cộng đồng. Từ thời điểm quan trọng này, những con voi của họ đều được tham gia vào tất cả các hoạt động của làng và voi cũng phải tuân theo các quy tắc ứng xử tương tự như của con người. Trong những năm gần đây, mối quan hệ đặc biệt này đã biến mất nhanh chóng vì số lượng voi đã giảm đáng kể đến mức hiện giờ chỉ còn hai người trong làng mà tôi thường đến thăm là có voi. Chỉ có những người còn sở hữu voi mới có khả năng tiếp tục duy trì nền văn hóa độc đáo này.

Bị cuốn hút bởi mối quan hệ đặc biệt này, tôi hiện đang chuẩn bị một cuốn sách với một nhà dân tộc học để ghi chép lại các tập tục và nghi lễ tín ngưỡng đã liên kết người M’Nong với voi trong nhiều thế kỷ đã qua”.

34_ Dân tộc Mường

“Với khoảng 1,3 triệu thành viên, người Mường là đại diện cho nhóm văn hóa lớn thứ ba tại Việt Nam. Họ rất gần với người Kinh, cả về nguồn gốc lẫn ngôn ngữ học, được chia sẻ hơn 75% vốn từ vựng của người Kinh. Người Mường phần lớn không bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc, do vị trí xa xôi của họ ở các tỉnh miền núi Hòa Bình và Thanh Hóa. Chính vì điều này, họ được xem là hậu duệ duy nhất của người Việt cổ.

Ngôi làng nhỏ Giang Mo là nơi tôi gặp người Mường vào tháng 6 năm 2017, khắp làng là những ngôi nhà sàn truyền thống. Bà Đinh Thị Chi, 80 tuổi, đang mặc trang phục truyền thống, hút tẩu tre khi tôi đến. Sự đơn giản của chiếc váy đen, mép váy làm từ vải bông và áo khoác ngắn tương phản với chi tiết tinh xảo của cái thắt lưng. Những phụ kiện tuyệt đẹp này tiết lộ khả năng dệt của phụ nữ Mường, một kỹ năng từng được coi là phẩm chất thiết yếu để trở thành một người vợ. Phụ nữ có thể chọn từ hơn 40 biểu tượng các loại để trang trí cho những mảnh vải này.

35_ Dân tộc Ngái

36_ Dân tộc Nùng

“Đàn ông người Nùng từng nổi tiếng về sự gan lì cùng với lòng trung thành, tôi đã gặp người phụ nữ trong bức ảnh tại chợ Hoàng Su Phi. Cuộc gặp gỡ này là một kỷ niệm nhẹ nhàng đáng nhớ. Bạn bè của bà ấy thấy được ý định chụp ảnh của tôi, thế là chẳng mấy chốc, tất cả chúng tôi đều trở nên thân thiện vui vẻ trò chuyện với nhau.

Một lúc sau nhìn quanh, tôi nhận thấy có rất nhiều phụ nữ mặc trang phục truyền thống Nùng. Người ta nói rằng phụ nữ Nùng mặc 12 chiếc váy khác màu nhau để phù hợp với mỗi tháng trong năm. Trang phục truyền thống của họ được tạo thành từ một chiếc áo khoác có kết những chiếc nút bằng bạc kèm theo trang sức thêu tinh xảo. Họ nói rằng bạc họ đeo ngoài lý do thẩm mỹ còn vì lợi ích cho sức khỏe. Thật thú vị khi họ tin rằng bạc là một loại nhiệt kế có thể giúp ích khi bệnh hoạn. Mỗi nhóm phụ nữ đều tự làm trang phục riêng cho mình nhưng tất cả đều có điểm chung là nhuộm màu chàm.

37_ Dân tộc Ơ Đu

“Vào tháng 7 năm 2016, tôi đã may mắn gặp nhóm dân tộc nhỏ nhất tại Việt Nam. Hầu như không có thông tin nào về họ trên trực tuyến, tôi đã mất hai ngày để tìm thấy họ! Tuy nhiên, tôi lại may mắn khi được gặp ngay vị trưởng làng. Khi tôi nói với ông ấy về ý định muốn tìm thứ gì đại diện cho nhóm dân tộc của ông hiện diện trong bộ sưu tập của tôi, ông ấy đã giúp tôi ngay. Tôi ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng Ơ Đu chỉ còn lại 5 bộ trang phục nguyên bản! Tôi cũng gặp bà Vi Thị Dũng, một phụ nữ 78 tuổi, người cuối cùng trong làng làm được chiếc váy. Để có được một bộ trang phục đầy đủ như thế này, người Ơ Đu phải qua biên giới sang Lào, điều mà họ hiếm khi làm.

Tôi cũng phát hiện thêm một điều thú vị rằng chỉ còn 10 người trong làng là có thể nói được loại ngôn ngữ có tên gọi là tiếng Phrom, tất cả đều đã trên 70 tuổi. Thật tiếc là không ai có thể đọc hoặc viết được”.

38_ Dân tộc Pa Dí

39_ Dân tộc Pa Thèn

“Tìm ra ngôi làng này chắc chắn là một trong những thử thách của tôi. Sau khi đi bộ và băng qua một con sông, cuối cùng tôi cũng bắt gặp một ngôi trường. Ở đó tôi thấy một giáo viên rồi nhờ giúp tôi tìm trưởng làng. Tôi rất vui được gặp ông trưởng làng và càng ngạc nhiên hơn khi vợ ông, Bà Xìn Thi Hương, đề nghị tạo dáng trong trang phục truyền thống của bà ấy để tôi chụp bức ảnh này.

Phụ nữ Pà Thèn mất khá nhiều thời gian để mặc bộ trang phục truyền thống vì nó có rất nhiều chi tiết. Bà Xìn Thị Hương phải mất gần 30 phút chỉ để cuộn chiếc mũ của mình, điều mà tôi chưa từng thấy trước đây bao giờ. Thắt lưng lại có tất cả 8 cụm, đại diện cho 8 dòng họ bản địa của họ. Trang phục này không thể làm ra được nữa”.

40_ Dân tộc Phù Lá

“Một làng Phù Lá thường được tạo thành từ khoảng 10 - 15 hộ gia đình và trưởng làng là những người lớn tuổi đóng một vai trò rất quan trọng trong việc quản lý các công việc của làng. Khi tôi đến thăm nhóm này tại một ngôi làng gần Bắc Hà phía bắc Việt Nam vào năm 2015, tôi thấy đó là một công việc đầy thách thức theo nhiều cách khác nhau. Đường đi đến đó rất khó khăn đến nổi có lúc làm tôi nản chí. Ngoài ra, người Phù Lá tỏ thái độ hơi xa cách nên khó có thể dễ dàng kết nối.

Tôi đã cố gắng tìm hiểu thêm về trang phục truyền thống của họ nhưng sớm phát hiện ra rằng nó không còn được sản xuất ra nữa. Trong khi đi vòng quanh làng, tôi bắt gặp một người mẹ và cô con gái nhỏ, cả hai nhìn tôi với vẻ tò mò e ngại, tuy vậy họ cũng tạo dáng cho tôi chụp. Cô gái nhỏ trong bức ảnh này nhìn có vẻ lém lỉnh khôn ngoan. Tôi thích màu xanh đậm và chi tiết thêu phức tạp của chiếc mũ. Tình cờ sau này tôi lại gặp được một nhóm nhỏ người Phù Lá ở vùng Sa Pa, nhưng họ lại có trang phục hoàn toàn khác biệt với nhóm Phù Lá mà tôi vừa kể ở trên”.

41_ Dân tộc Pu Péo

“Khi tôi tìm đến thăm người Pu Péo vào năm 2015, tôi đã mất cả ngày để tìm ra ngôi làng của họ nằm sát biên giới Trung Quốc. Khi đến nơi, còn rất ít thời gian nhưng tôi cũng đã kịp chụp được bức ảnh nổi bật mà bạn thấy ở trên, chân dụng của một bà cụ 83 tuổi, là người già nhất làng. Bà ấy có đi đôi giày của dân tộc Pu Péo, thứ mà bà ấy cho biết đã giữ nó từ hơn 65 năm qua! Bà giải thích rằng bà chỉ mặc chúng trong những dịp đặc biệt. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy một đôi giày của người dân tộc thiểu số.

Màu sắc chính trong trang phục Pu Péo, là màu đỏ và xanh. Người ta tin rằng màu đỏ tượng trưng cho thái độ của phụ nữ tôn trọng người đàn ông và màu xanh là màu tượng trưng tôn vinh người phụ nữ. Họ may những mảnh vải đầy màu sắc này lên váy thay vì thêu hay dệt như những nhóm dân tộc khác. Tôi cảm thấy thực sự may mắn khi chụp được tấm ảnh này với thời gian ít ỏi có được”.

42_ Dân tộc Raglai

“Người Raglai luôn là một nhóm ít chịu di chuyển. Tôi đã đi tìm ra họ vào tháng 10 năm 2017. Chỉ cách bãi biển Nha Trang vài giờ chạy xe. Những ngôi làng của họ nép mình trên sườn núi, xung quanh là những ngôi nhà gỗ mái lợp tranh. Tuy nhiên bê tông cũng đã thay thế vật liệu xây dựng truyền thống của họ. Cuộc gặp gỡ người Raglai này là một trong những điều sâu sắc nhất trong cuộc tìm kiếm 54 dân tộc Việt Nam của tôi. Đôi khi, tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm trang phục nguyên bản thuở ban đầu, tôi thấy trong hầu hết các trường hợp, đó là do sự thiếu quan tâm của các thế hệ trẻ đối với truyền thống văn hóa của mình, họ luôn cho rằng trang phục truyền thống không phù hợp với cuộc sống hiện đại. Nhưng trong trường hợp của người Raglai, lý do của họ lại phức tạp hơn nhiều và thực sự nó cho thấy mối quan hệ đầy thách thức giữa các nhóm sắc tộc với nhau.

Thật vậy, sau chiến tranh, nhiều người Raglai đã quyết định đốt bỏ hết trang phục truyền thống riêng của họ, họ từ chối sự độc đáo của riêng dân tộc mình vì mục đích muốn hòa nhập nhanh với người Kinh. Kết quả là, trang phục - theo truyền thống được làm từ brocatelle - tơ lụa vẽ hoa văn đẹp tuyệt mỹ - lại gần như biến mất, chỉ được thay thế bằng một chiếc xà rông màu tối, còn bình thường mọi người mặc quần áo như người Kinh. Trưởng làng chia sẻ với tôi những lo lắng của ông về tương lai, tôi được bà Pi Năng Thị Xea 85 tuổi, trao tặng cho tôi bộ trang phục của chính bà ấy”.

43_ Dân tộc Rơ Măm

Gặp gỡ người Rơ Măm chắc chắn là trải nghiệm mãnh liệt, tôi được tận hưởng cảm giác chiến thắng về mọi mặt vì tôi đã phải chờ đợi suốt 3 năm. Xin cảm ơn những nỗ lực của kênh truyền hình quốc gia VTV1, cuối cùng tôi đã đến thăm ngôi làng Rơ Măm, nằm trong một khu vực cấm, cách biên giới Campuchia chỉ 20km, vào tháng 11 năm 2016. Đi cùng với đoàn làm phim truyền hình, chúng tôi phải mất 3 tiếng rưỡi trên một chiếc 4WD để đi quãng đường 51 km tách biệt Mô Rai vùng Sa Thầy, khỏi thị trấn gần nhất! Tôi có thể tin chắc rằng không có bất cứ một người ngoại quốc nào được phép đến đây trước tôi kể từ khi kết thúc chiến tranh đến nay.

Trong số 12 bộ trang phục truyền thống cuối cùng còn lại, tôi đã vinh dự được trao tặng một bộ, cùng với một ống điếu và một cái giỏ, để giới thiệu văn hóa của họ tại Bảo tàng di sản vô giá của tôi . Tôi được mời ăn trưa cùng với trưởng làng, ông tặng tôi các vật dụng này. Người phụ nữ trong ảnh mặc 1 trong 11 bộ trang phục trắng cuối cùng còn lại, được người Rơ Măm giữ làm báu vật bởi họ nhận thức rằng sẽ không còn ai có thể làm ra chúng được nữa”.

44_ Dân tộc Sán Dìu

45_ Dân tộc Si La

“Người Si La chỉ còn 709 thành viên, Si La là nhóm dân tộc nhỏ thứ 5 của Việt Nam. Có rất ít thông tin về nhóm của họ nhưng Hu Gu Si, 83 tuổi, đã hát câu chuyện của dân tộc họ cho tôi nghe. Lời bài hát cho tôi biết họ có nguồn gốc từ Philippines. Bây giờ họ sống tự lập trong các thung lũng hẻo lánh xa xôi vùng Lai Châu.

Đây là lần đầu tiên một người ngoại quốc như tôi dừng chân trong ngôi làng người Si La để nghe họ kể chuyện. Họ tỏ ra vô cùng niềm nở và thân thiện, một số người lớn tuổi không biết nói tiếng Việt. Về phần trang phục, nó thực sự không còn được sản xuất nhiều, chủ yếu được giữ cho những dịp đặc biệt hoặc dùng phục sức cho vị đại diện của họ. Tính độc đáo của bộ trang phục đến từ sự liên kết các đồng xu bằng bạc đính che trước ngực, được cho là mang lại may mắn, đảm bảo sức khỏe cùng một chiếc khăn đen cuốn quanh đầu. Người Si La có một tập tục lạ, đó là trong đám tang người vợ sẽ giữ lại một ít tóc của chồng với niềm tin sau này hai người sẽ lại tìm thấy nhau dễ dàng hơn ở thế giới bên kia”.

46_ Dân tộc Tà Ôi

“Trong số 3 nhóm Tà Ôi, chỉ có mỗi nhóm người Kan Tua là sở hữu kiến thức về cách làm trang phục truyền thống. Kỹ thuật dệt của họ, được gọi là zeng, có tính độc đáo là khảm các hạt thủy tinh nhỏ vào vải thổ cẩm. Bởi thấy nghề thủ công độc đáo này đang mất dần nên một phụ nữ địa phương đã quyết định bắt đầu công việc khôi phục lại không chỉ để sản xuất trang phục mà trên hết là để truyền dạy lại kỹ thuật cho thế hệ sau. Bây giờ họ đang bán sản phẩm làm ra cho cả người dân địa phương lẫn khách du lịch để nâng cao mức sống của họ.

Người phụ nữ trong hình rất hoan nghênh, đã mời tôi vào ngôi nhà sàn của bà. Trẻ em tụ tập xung quanh cười đùa trong khi tôi đang chụp hình”.

47_ Dân tộc Tày

“Người Tày là nhóm dân tộc lớn nhất Việt Nam, họ có mối quan hệ mật thiết với người Kinh. Họ cư trú ở các tỉnh phía Bắc, tuy nhiên, tôi đã gặp người phụ nữ Tày đặc biệt này ở vùng Tây Nguyên lúc tôi đang rời khỏi một ngôi làng M’Nong. Do tình cờ tôi mới biết được bà chính là bà nội của Kim Hai, một trong những người mẫu ảnh yêu thích trong Dự án Giving Back của tôi.

Không giống như nhiều nhóm thích sống trên núi, người Tày định cư ở các thung lũng màu mỡ dưới chân núi. Và trái ngược với kiểu trang phục sặc sỡ của nhiều nhóm dân tộc khác ở phía bắc, trang phục Tày vô cùng nhẹ nhàng đơn giản, chỉ có một chiếc váy hoặc quần dài chỉ có một đường may dài ở hai bên, nhìn rất giống với áo dài trang phục truyền thống của người Kinh, họ chỉ khác có chiếc thắt lưng màu sáng - theo truyền thống được làm từ vải lụa – là thứ duy nhất tương phản nổi bật với chiếc váy nhuộm màu chàm bằng vải bông. Một số nhóm địa phương lại thích mặc váy ngắn hơn, họ tô điểm thêm cho trang phục của mình một chút sắc màu, các chi tiết bằng bạc và một chiếc mũ vải trùm đầu”.

48_ Dân tộc Thái

“Dân tộc Thái được chia thành 2 nhóm, Thái trắng và Thái đen, cả hai lại tổ chức thành các nhóm nhỏ khác nhau. Là nhóm dân tộc lớn thứ hai ở Việt Nam, người Thái có một nền văn hóa ảnh hưởng mạnh mẽ đến các nhóm khác trong vùng như Kho Mu và Ơ Đu. Tôi đã gặp người phụ nữ trong bức ảnh này vào năm 2016 khi tôi đang tìm mua thức ăn, bà là người Thái trắng ở tỉnh Nghệ An. Chúng tôi thực sự cùng tạo ra một sự đồng cảm trong cuộc trò chuyện giữa hai chúng tôi, tôi phát hiện ra rằng bà ấy đã kết hôn với một người Ơ Đu. Tôi thấy người Thái trắng đặc biệt cởi mở, thân thiện và tháo vát. Tôi háo hức khi được mời vào làng để cảm nhận được niềm tự hào về văn hóa của họ.

Vào tháng 7 năm 2017, tôi lại dành một chút thời gian với người Thái đen. Tại đây, nhiều người lớn tuổi đã cùng chia sẻ về nền văn hóa truyền thống đang bị phai nhạt dần của họ, những người trẻ đều thích sự hiện đại và bỏ quên truyền thống sắc tộc riêng của mình. Những ngôi nhà sàn đẹp được thay thế bằng các công trình bê tông, lụa chất lượng kém giờ đây thay thế cho vải gai dầu truyền thống. Có một hình ảnh tôi nhớ mãi đó là chiếc khăn đội khéo léo trên búi tóc cao, chiếc nón trông nổi bật hẳn trên đầu họ”.

49_ Dân tộc Xạ Phang

50_ Dân tộc Xơ Đăng

“Tôi đã gặp A Dip, 76 tuổi ở trên một vùng núi vào năm 2017, cách Kon Tum khoảng năm mươi cây số. Ông thuộc nhóm dân tộc To Dra, theo các chuyên gia, đây là một nhóm nhỏ của dân tộc Xơ Đăng, nhưng theo người To Dra, truyền thống và phương ngữ của họ có khác nhau. Đó là lần đầu tiên tôi bắt gặp trang phục truyền thống này, nhưng A Dip đã từ chối cho tôi bộ trang phục vì ông ấy theo đạo công giáo và phải mặc nó vào mỗi Chủ nhật để đi lễ.

Tôi đã quay lại gặp ông vào năm 2018 để tặng ông một cuốn sách trong đó có in bức ảnh của ông, tôi có đóng góp tài chính cho cuộc sống hàng ngày của ông. Trong cuộc gặp gỡ mới này, tôi đã phát hiện ra nhiều tài năng A Dip, ông là nghệ nhân duy nhất trong làng vẫn thường làm một loại giỏ tre truyền thống và là người cuối cùng chơi được nhạc cụ truyền thống của người To Dra”. Người Xô Đăng bây giờ mua trang phục từ người Ba Na, đôi khi họ mặc trong các lễ hội. A Dip là một trong những cuộc gặp gỡ đẹp nhất của tôi trong hai năm qua.

51_ Dân tộc S’Tieng

“Giống như hầu hết các nhóm dân tộc khác, mỗi buôn làng được lãnh đạo bởi một trưởng làng, họ là những người thông thạo các vấn đề của làng và cũng là một người đáng tin cậy.
Khi tôi đến thăm làng S’Tiêng gần Thành phố Hồ Chí Minh, tôi đã dành trọn cả ngày để khám phá. Mọi người rất thân thiện nhưng tôi lại ngạc nhiên bởi thật khó để tìm được một bộ trang phục còn nguyên bản của họ. Những người phụ nữ lớn tuổi, thích hút thuốc lào, chỉ mặc váy chứ không mặc áo, tô điểm cho mình bằng những món trang sức và nhẫn đính cườm đẹp trên cả hai bàn tay. Họ cũng đeo ngà trên dái tai của họ, giống như dân tộc M’Nông và Brâu. Phụ nữ trẻ có xu hướng mặc quần áo hiện đại và tôi không thấy bất kỳ đứa trẻ nào mặc trang phục truyền thống”.

52_ Dân tộc Thủy

“Trong khi đi du lịch đến thăm nhóm dân tộc Pa Then, một cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ đã dẫn đến một khám phá không thể tin được, tôi đã gặp một phụ nữ đang làm việc cho chính quyền, người đó tiết lộ rằng bà là thành viên của một bộ tộc tên là Thủy, chưa được ghi nhận trong số 54 dân tộc ở Việt Nam.

Tôi đã đi đến ngôi làng chỉ có khoảng 100 cư dân của bà vào ngày hôm sau và tìm hiểu thêm về bộ tộc bí ẩn này. Người Thủy ban đầu đến từ Trung Quốc, họ là một nhóm nhỏ của Thủy H’Mong. Khi họ di cư sang Việt Nam, họ được đặt tên là Thủy, trong tiếng Việt có nghĩa là nước. Người Thủy có một ngôn ngữ hoàn toàn độc đáo, tuy nhiên, họ lại được phân loại là một nhóm nhỏ của bộ tộc Pa Then.

Kỹ thuật làm trang phục đã bị thất truyền. Tuy nhiên, vào năm 2008, chính quyền khu vực đã tái tạo lại 12 bộ trang phục Thủy từ ký ức của một trong những người phụ nữ lớn tuổi nhất trong làng như là một cách để bảo tồn di sản của họ. Người Thủy có mối quan tâm mạnh mẽ trong việc tìm lại truyền thống cũ để khôi phục và sở hữu trang phục truyền thống của họ một lần nữa. Tôi quyết định giúp họ tái tạo lại phần lịch sử này bằng cách đóng góp làm thêm 16 bộ trang phục nữa. Khi ra về, bộ tộc khăng khăng giao lại cho tôi hai bộ trang phục để đưa vào bảo tàng”.

53_ Dân tộc Chứt

Người Chứt sống ở tỉnh Quảng Bình của Việt Nam, được phát hiện lần đầu vào năm 1959, sống trong một hang động gần biên giới với Lào. Mặc dù bắt buộc tái định cư với mục đích cải thiện điều kiện sống và xóa mù chữ cho bộ tộc, người Chứt vẫn ở trong một khu vực rất khó tiếp cận.

Người Chứt có một số phương ngữ, các nhóm nhỏ phân tán trên toàn tỉnh là vùng núi non có nhiều hang động đá vôi. Nhóm nhỏ mà tôi đã gặp vào ngày 9 tháng 8 năm 2019 được gọi là bộ tộc Ma Lieng, là nhóm bị cô lập nhất mà tôi đã may mắn gặp được trong suốt quá trình nghiên cứu cho dự án Di sản vô giá. Váy của họ giống với người Bru Văn Kiều, tuy nhiên, trái ngược với người Bru, họ mặc áo phông mua từ Việt Nam.

Thật đáng tiếc là tôi chỉ có thể ở lại một thời gian ngắn với người Chứt vì những hạn chế của khu vực, nhưng tôi sẽ cố gắng quay lại để gặp các nhóm nhỏ khác và tìm hiểu thêm về nguồn gốc của họ.

54_ Dân tộc Kinh

Đến đây mỗi người chúng ta hãy tự đi tìm khuôn mặt tiêu biểu nhất về dân tộc Việt của mình.

 

APP ILIXX Admin

 

 

BÁO THÔNG TIN XẤU









CHIA SẺ





LIKE VÀ THEO DÕI ILIXX TRÊN FACEBOOK
Ý KIẾN


nguyên đức | 07/03/2020 14:46:24
thích hình số 18
Ngọc Hạnh | 07/03/2020 13:44:55

Nội dung hay, lạ, có ích.

THÊM Ý KIẾN




BÀI VIẾT KHÁC


CÁC ĐỐI TÁC THƯƠNG HIỆU UY TÍN



CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

© Bản quyền 2018 của ILIXX.COM