Story: Quốc gia trồng hoa số 1 thế giới
Tài khoản đăng : ILIXX ADMIN
Đăng : 24/01/2020 | 11:18:52 PM
Lượt xem : 799
Tình yêu hoa đôi khi được xem là thứ gì đó phù phiếm, thế nhưng nó lại thúc đẩy một ngành công nghiệp trên toàn thế giới trị giá hàng trăm tỷ bảng Anh. Hà Lan là quốc gia thống trị ngành kinh doanh hoa ở tầm vóc toàn cầu từ hơn 200 năm qua trong khi một số các quốc gia vùng xích đạo là những vùng trồng và cung cấp hoa tươi cắt cành cho toàn thế giới.
Hiện được xem là nhà bán đấu giá lớn nhất thế giới, Royal FloraHolland tại Aalsmeer, gần Amsterdam, là nơi các loại hoa cắt cành được đấu giá mua bán, gửi đi khắp nơi. Như đã từng trong nhiều năm, Royal FloraHolland vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc nhập khẩu và sau đó tái xuất 40% lượng hoa ra khắp thế giới. Royal FloraHolland luôn có sự hiện diện của những nhà buôn, những tay chơi trong làng buôn bán hoa toàn cầu, họ đem đến nhiều cơ hội, làm thay đổi diện mạo, góp phần thúc đẩy sự năng động của khâu sản xuất, cung ứng và vận chuyển. Khi công nghệ vận chuyển phát triển hiện đại, có thêm nhiều nhà buôn, nhà sản xuất ở các khu vực khác của châu Phi và vùng cận Sahara, cũng đang muốn thách thức truyền thống độc tôn của Hà Lan trong ngành công nghiệp này.
Quy mô thị trường toàn cầu của hoa cắt cành là rất lớn và ngày càng tăng. Chỉ riêng ở Anh, thị trường hoa và cây cảnh đã trị giá 1,3 tỷ bảng vào năm 2018, theo thống kê của chính phủ. Khoảng 90% lượng hoa bán ra ở Anh là nhập khẩu, đa số hoa vẫn đến từ Hà Lan. Trong năm 2015, thương mại hoa toàn cầu trị giá khoảng 15 tỷ euro (10,6 tỷ bảng) với những cành hoa được điều chuyển qua các lục địa với tốc độ chóng mặt.
Theo kịp nhu cầu hoa thế giới là sự liên quan của một chuỗi cung ứng phức tạp, trong đó có sự cân bằng hợp lý giữa nông dân, công nhân, nhà bán buôn, hãng hàng không, thương nhân, siêu thị. Cầm trên tay một bó hoa, những cành hoa đi từ lục địa này sang lục địa khác mà không bị dập nát héo úa là cả một kỳ công của nhiều ngành công nghệ kết hợp với nhau.
Hoa cắt cành phải được vận chuyển nhanh chóng bằng cách sử dụng một chuỗi làm lạnh - một loạt hệ thống làm lạnh có ngay từ trong các trang trại trồng hoa, cho đến xe tải, máy bay – để đưa hoa vào trạng thái ngủ giúp chúng luôn tươi mới, điều này cho phép vận chuyển hoa thuận lợi từ trang trại ra đến cửa hàng bán lẻ trong vòng 24-48 giờ, nếu đi bằng máy bay, Sylvie Mamias, tổng thư ký của Hiệp hội thương mại hoa quốc tế Union Fleurs, cho biết. “Thời gian là yếu tố rất quan trọng, cứ tăng thêm một ngày trên đường vận chuyển là hoa mất đi 15% giá trị của nó. Còn với một bình hoa - hoa vẫn tươi sau khi đến tay khách hàng - thường là 12-15 ngày. Một trong những lý do đằng sau sự gia tăng xuất khẩu hoa ở châu Phi là có mầm mống từ những năm 1970, khi mà cuộc khủng hoảng dầu mỏ làm tăng chi phí sưởi ấm nhà kính ở các nước phía bắc. Kết quả là, sản xuất dịch chuyển về phía nam, nơi hoa có thể được trồng quanh năm với mức tiêu thụ năng lượng ít hơn. Đối với châu Âu, điều này có nghĩa là sẽ có nhiều hoa hơn được nhập khẩu từ Morocco, phía đông châu Phi, trong khi ở thị trường Mỹ lại phát triển thương mại hoa với các nước Mỹ Latinh. Những nhà sản xuất mới này đều có ba điểm chung: khu vực có cao độ lớn nhiệt độ ban đêm mát mẻ, vị trí gần xích đạo nên đủ ánh sáng mặt trời và giá nhân công rẻ hơn. Sự thay đổi lớn của họ đó là chấm dứt kiểu canh tác theo mùa vụ mà bắt đầu chạy theo nền thương mại cạnh tranh quốc tế suốt 365 ngày”, Mamias cho biết.
Thị trường người mua hoa lớn nhất là EU và Mỹ, nhưng trồng và xuất khẩu hoa lớn nhất là Hà Lan, Ecuador, Colombia, Kenya và Ethiopia. Hoa hồng, hoa cẩm chướng và hoa cúc là những loại hoa phổ biến nhất. Riêng tại Anh, 80% lượng hoa cắt cành đến từ Hà Lan mặc dù vẫn có một tỷ lệ đáng kể hoa cắt cành đến từ Kenya theo các chuyến bay trực tiếp từ Nairobi đến London, theo Hiệp hội trồng hoa Anh.
Kenya là quốc gia đặc biệt quan trọng vì đây là nguồn cung cấp chính hoa hồng – Kenya cung cấp 1/3 số lượng hoa hồng được bán ra ở EU. Hoa cắt cành hiện đang là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Kenya sau trà, nó đóng góp khoảng 1% GDP. Kenya cũng có một nguồn nhân lực dồi dào với hơn 100.000 người làm việc trực tiếp trong ngành hoa và ước tính khoảng hai triệu người làm các công việc gián tiếp.
Trang trại hoa Tambuzi ở Kenya có ba khu vùng trồng hoa với tổng diện tích 22ha, sản xuất gần 8 triệu hoa cành mỗi năm. Tọa lạc vùng chân núi Mount Kenya, khoảng 180km về phía bắc của Nairobi, độ cao 1,800m so với mực nước biển, nơi đây canh tác xuất khẩu hoa đến 60 quốc gia trên thế giới, trong đó chủ yếu là Anh, Hà Lan, Nga, Úc, Mỹ và Trung Quốc.
Khi nhu cầu về hoa Kenya gia tăng, chủ sở hữu trang trại, Ông Maggie Hobbs, người đã trồng hoa từ thập niên 90, đã phát triển trang trại từ lúc chỉ có 20 người cho đến nay có hơn 500 người, tập trung ở ba địa điểm, canh tác trồng hoa trong những nhà kính. Hobbs là chủ nhân trang trại hoa lớn nhất trong vòng bán kính 30km ở vùng này, trang trại Tambuzi, ở đây có chính sách trích 10% giá bán trả lại cho người lao động.
Trang trại Tambuzi đã mang lại việc làm ổn định cho một vùng có hơn 3.000 dân cư ít có cơ hội tìm được việc làm. Tambuzi trồng 80 giống hoa, nhưng nhiều nhất là hoa hồng David Austin. Họ cũng trồng những loại hoa mùa hè như gypsophila, ammi, và nhiều loại khác kèm thêm như hương thảo, bạc hà và hoa oải hương. Hoa hồng được chọn giống từ một phòng thí nghiệm ở ngay trong trang trại. Hoa được chọn giống có nhiều mùi hương, số lượng cánh hoa, khả năng chịu sâu bệnh, màu sắc, năng suất. Trong các nhà kính, công nhân theo dõi độ pH của đất, chất hữu cơ, thoát nước, làm cỏ và chăm sóc hoa hồng. Ống tưới nhỏ giọt đưa nước trực tiếp đến từng nhà kính, giảm thiểu thất thoát. Để bảo vệ cây khỏi sâu bệnh, hoa được phun thuốc, thả ve săn mồi để bắt côn trùng như loài nhện đỏ và bọ trĩ, bẫy dính cũng được thiết lập để bắt sâu bệnh như loài ruồi trắng.
Sau tám tuần, cành hoa hồng được uốn cong để đâm chồi. Vào tuần thứ 20, hoa được thu hoạch bằng tay, tất cả công nhân đều là phụ nữ. Họ cắt cành bỏ vào dung dịch dinh dưỡng, vì vậy hoa vẫn tiếp tục phát triển. Các nhánh hoa mau chóng được chuyển đến một gian làm mát 4o C trước khi được phân loại thành từng bó trong một nhà đóng gói rồi quay trở lại kho lạnh. Cuối cùng, hoa được vận chuyển trên một xe tải đông lạnh đến thẳng sân bay Nairobi. Tambuzi thu hoạch hoa suốt năm, ngày nào cũng có một xe tải hoa rời khỏi trang trại. Từ lúc thu hoạch cho đến tay người mua cuối cùng ở Anh, quá trình này mất từ ba đến bốn ngày, Bà Shikuku người quản lý trang trại cho biết.
Mặc dù được quản lý cẩn thận, trang trại Tambuzi cũng đang đối mặt với những thách thức ngày càng tăng. Shikuku cho biết, biến đổi khí hậu đang khiến việc lập kế hoạch trồng trọt ngày càng khó khăn hơn. Năm ngoái, đã có lũ lụt lớn, sau đó lại hạn hán, tình hình mỗi năm mỗi xấu thêm. Để giúp giải quyết vấn đề này, trang trại phải thu gom nước mưa, lắp đặt các tấm pin mặt trời và di chuyển một số sản phẩm vào trong nhà để có thể kiểm soát tốt hơn môi trường phát triển.
Bốn quốc gia - Kenya, Ethiopia, Ecuador và Tanzania - chiếm 98% sản lượng hoa trồng được chứng nhận đã qua giao dịch công bằng Fairtrade, trong số đó, Kenya chiếm tỷ lệ lớn nhất. Quỹ bảo hiểm giao dịch công bằng Fairtrade mỗi năm có khoảng 6 triệu bảng Anh (7,5 triệu USD), số tiền này chỉ dành cho công nhân trồng hoa ở Kenya và cộng đồng của họ, theo Fairtrade Foundation, công nhân có quyền quyết định tập thể cách sử dụng số tiền đó như thế nào - hoặc tiền trực tiếp đến với họ, hoặc đến qua các dịch vụ cộng đồng như giáo dục và nhà ở hoặc phí bảo hiểm cũng có thể dành cho cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế ở nông thôn. Một số trang trại còn đi xa hơn, cung cấp dịch vụ nằm bệnh viện miễn phí cho công nhân kể cả gia đình của họ, quỹ cũng được dành ra một phần để trợ cấp chăm sóc y tế cho người dân địa phương.
Anna Barker, giám đốc Quỹ Fairtrade cho biết, trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp hoa ở Đông Phi đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước, tăng đầu tư và tạo nhiều cơ hội việc làm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người phải chịu mức lương thấp và điều kiện làm việc kém.
Khi chọn một bó hoa có chứng nhận giao dịch Fairtrade ở Anh, những người lao động phía sau sẽ được hưởng lợi từ điều kiện làm việc an toàn, gia đình họ có điều kiện cho con cái đến trường học và được chăm sóc sức khỏe. Theo thống kê của chính phủ Anh, thị trường hoa của Anh giao dịch qua Fairtrade trị giá khoảng 21 triệu bảng Anh (26 triệu đô la). Trên toàn cầu, thị trường hoa vẫn phát triển, Quỹ Fairtrade cho biết: 829 triệu cành hoa có chứng nhận Fairtrade đã được bán ra tại 15 quốc gia trong năm 2016, tăng 5% so với năm trước và con số này tăng lên 834 triệu vào năm 2017.
Tuy nhiên, đây là 20-30% hoa được trồng từ các trang trại có chứng nhận Fairtrade trong năm 2016 trong tổng số 3,8 tỷ cành - phần 70% hoa cắt cành còn lại là thị trường không có chứng nhận giao dịch Fairtrade vì ở đó nhu cầu chưa đủ lớn, có nghĩa là công nhân trồng hoa không nhận được thêm tiền cho những bông hoa mà họ đã sản xuất.
Kenya xuất khẩu hoa cắt cành trực tiếp đến 5 quốc gia là:
Nga 5,8% sản lượng
Na Uy 6,2%
Đức 6,5%
Vương quốc Anh 10%
Hà Lan 44%
Có 11 thị trường hoa có giá trị trên 50 triệu usd đó là:
Đức 996 triệu
Anh Quốc 790
Pháp 310
Italia 158
Đan Mạch 96
Áo 91
Bỉ 82
Thụy Điển 71
Ba Lan 70
Lithuani 70
Cộng hòa Séc 55
Sân bay quốc tế Jomo Kenyatta
Nhu cầu hoa trên thế giới tăng cao đến nỗi phi trường quốc tế Jomo Kenyatta ở thủ đô Nairobi phải xây dựng một nhà ga chuyên dành cho hoa đến từ trang trại Tambuzi, hoa vượt quãng đường bộ 180km từ trang trại để đến sân bay. Một chuyến Boeing 747 có thể mang theo 90 tấn hoa. Trong một tuần, khoảng 30 chuyến bay chở đầy hành khách và hoa sẽ rời sân bay.
Sự ra đời các đường bay trực tiếp trong những năm qua cũng đã dẫn đến những phát triển lớn trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia như Mỹ, Anh và Trung Quốc. Hoa cắt cành bay hàng ngàn dặm chắc chắn sử dụng nhiều năng lượng hơn so với vận chuyển ở khoảng cách ngắn, nhưng vì các trang trại trồng hoa nằm ở vùng xích đạo nên ít tốn kém năng lượng hơn do hoa không cần phải sưởi ấm trong nhà kính, hoa được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều hơn nên việc sử dụng năng lượng tính chung sẽ ít hơn rất nhiều so với việc trồng hoa ở châu Âu, theo lời của bà Sylvie Mamias tổng thư ký của Hiệp hội hoa quốc tế Union Fleurs. Vì lý do này, tính ra hoa hồng được trồng ở Kenya và được bán ở châu Âu tạo ra lượng khí thải nhà kính ít hơn 5,5 lần so với hoa hồng nếu được trồng ở Hà Lan, theo một nghiên cứu của Fairtrade Foundation.
Đối với các nước đang phát triển như Kenya, ngành công nghiệp hoa đã mang lại nhiều cơ hội việc làm, hiển nhiên đó là một phần ngày càng trở nên quan trọng trong sự phát triển kinh tế của quốc gia này. Ở Kenya, xuất khẩu hoa tạo thu nhập ổn định cho khoảng 4% dân số.
Hành trình của hoa đi từ cánh đồng đến tay người tiêu dùng là cả một chặng đường dài và phức tạp. Đối với một bó hoa, để duy trì giá trị của nó, các cành hoa cần phải tươi nguyên vẹn sau khi đã vượt qua hàng ngàn dặm. Trong những năm qua, các giải pháp công nghệ để giữ cho hoa cắt cành luôn được tươi đã được mài giũa thành một nghệ thuật tinh xảo. Bước tiến lớn tiếp theo sẽ là tìm kiếm các giải pháp xã hội và môi trường để đảm bảo nền thương mại thực sự được công bằng hơn nữa.
APP ILIXX Admin