Tech: 2020, đã 5G rồi.
Tài khoản đăng : ILIXX ADMIN
Đăng : 07/01/2020 | 02:32:16 PM
Lượt xem : 844
1G, 2G, 3G và 4G
Mạng 1G: Thập niên những năm 1980 là thế hệ mạng đầu tiên 1G với dịch vụ tương tự (Analog), chỉ truyền đi được giọng nói. Tốc độ truyền dữ liệu tối đa trên mạng 1G đạt khoảng 2,4kb / giây.
Mạng 2G: Mạng 2G bắt đầu ở Phần Lan vào năm 1991, cho phép điện thoại di động chuyển vào thế giới của số hóa (Digital). 2G cho phép mã hóa cuộc gọi và văn bản, tin nhắn, hình ảnh MMS. Tốc độ tối đa cho 2G là khoảng 50kbps.
Mạng 3G: Năm 1998 là sự ra đời của mạng 3G có nhiều dữ liệu hơn giúp thực hiện các cuộc gọi có video và dùng Internet di động. Mạng 3G đạt tốc độ 2mbps trên các thiết bị gắn cố định hoặc không di chuyển và 384kbps trên các thiết bị trong phương tiện di chuyển.
Mạng 4G: 4G hay tiêu chuẩn hiện tại của mạng di động, nhanh hơn 500 lần so với 3G. Nó đã có thể hỗ trợ truyền hình di động độ nét cao, hội nghị video và thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn khi một thiết bị đang kết nối ở trong trạng thái di chuyển, thí dụ như khi đang đi bộ với điện thoại trong tay hoặc đang dùng điện thoại ở trong xe hơi lúc di chuyển.
HIện tại là thời kỳ đầu của 5G, khi nhiều người truy cập vào các thiết bị di động, mở rộng kết nối vạn vật (Internet of Things), 5G sẽ trở nên phổ biến khi có tới 24 tỷ thiết bị theo tính toán sẽ cần được hỗ trợ mạng di động vào năm 2024.
Năm 2020, Việt Nam chúng ta đang sử dụng 4G, còn tại Hoa Kỳ, Verizon (chủ sở hữu của Yahoo mail) đã cung cấp gói dịch vụ 5G Home truy cập Internet cố định ở nhà không dùng cáp hay sợi quang, được triển khai tại nhiều thành phố lớn như Chicago, Kansas, Missouri, Dallas, Houston, Atlanta, New York, Washington, Cincinnati, Little Rock, Cleveland, Los Angeles, San Diego từ tháng 4/2019, Verizon cũng cung cấp "Dịch vụ Internet băng rộng 5G thương mại đầu tiên trên thế giới" từ 10/2019 dành cho thiết bị di động, có nghĩa là dịch vụ 5G hoạt động ở bất cứ nơi nào miễn trong phạm vi phát sóng của tháp 5G.
Tuy nhiên đối với thế giới, mạng 5G vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu phát triển, phạm vi của loại mạng không dây cố định này chưa được phổ biến rộng rãi như 4G vì trên thực tế chỉ có một số ít các thành phố của Hoa Kỳ mới có khả năng truy cập vào dịch vụ băng thông rộng 5G của Verizon. Verizon cũng cho biết rõ rằng họ có kế hoạch mở rộng vùng phủ sóng của 5G Home và dịch vụ 5G di động của họ trong năm 2020.
Những khác biệt chính giữa 4G và 5G
Một trong những khác biệt lớn nhất giữa 4G và 5G đó là dung lượng và độ trễ. Ví dụ: dung lượng tối đa của khu vực có 5G là tính bằng gbps (gygabytes) so với 4G tính bằng mbps (megabytes). Ngoài ra, độ trễ hoặc thời gian truyền dữ liệu tính từ thời điểm thông tin được gửi đi từ thiết bị đầu cho đến khi được nhận ở thiết bị cuối, sẽ giảm rất lớn trên mạng 5G, điều này cho phép tốc độ tải lên và tải xuống cực nhanh. Một sự khác biệt lớn nữa giữa 4G và 5G là kích thước băng thông. 5G sẽ có thể hỗ trợ nhiều thiết bị hơn trong tương lai, ngoài nhu cầu nối mạng của các phương tiện thông dụng như điện thoại di động, nó còn kết nối đến vô số các thiết bị khác trong kết nối vạn vật (Internet of Things).
Lượng thông tin lớn có thể chuyển đi giữa các thiết bị nhanh hơn bao giờ hết, vì vậy các khu vực mật độ dân cư cao khu vực đô thị sẽ có tốc độ rất nhanh. Nhờ độ trễ thấp và băng thông rộng hơn, giúp truyền phát video 4K chỉ trong vài giây.
Tại sao không sử dụng những trụ phát sóng đã có sẵn ?
Mỗi một thế hệ của công nghệ thông tin di động đều sử dụng một vài loại tần số khác nhau. Riêng với thế hệ thứ 5 này, sóng thu phát của nó có đặc điểm là không thể đi xa như các thế hệ trước đó mà chỉ giới hạn trong phạm vi vài trăm thước mà thôi, như một thứ luật bù trừ cho khả năng truyền dữ liệu nhanh và nhiều của nó.
Các điểm thu phát sóng tức các trụ antenna, đối với những thế hệ trước đây, là những tháp to lớn cao hàng chục mét, có khả năng phát sóng xa đến vài kilomet, thì ở thế hệ thứ 5 này, các trụ thu phát sóng sẽ nhỏ hơn và được gắn trên những cột đèn điện dọc theo đường phố và có số lượng thật nhiều. Đây cũng là khuyết điểm của công nghệ 5G.
Dân cư bên ngoài những thành phố lớn sẽ khó có cơ hội được sử dụng loại đường truyền Internet thế hệ mới này. Một hệ thống antenna thu phát sóng của 5G sẽ cần đến hàng ngàn antenna nhỏ thay vì chỉ cần vài trụ antenna to lớn như hiện nay. Dĩ nhiên lắp đặt và bảo dưỡng hệ thống 5G này tốn kém hơn nhiều so với các thế hệ trước đó.
Đó cũng chính là lý do mà người Mỹ đã nghiên cứu và phát triển một phương thức truyền tải thông tin mới hơn, tức đưa các trạm thu phát sóng lên không gian, thay vì gắn chết dưới mặt đất. Google thử nghiệm bằng các khinh khí cầu, rồi đến Facebook bằng những loại máy bay không người lái cỡ nhỏ xài năng lượng mặt trời và bây giờ là SpaceX với tham vọng ban đầu đưa 12.000 vệ tinh mini (mỗi vệ tinh nặng 1,6kg) lên quỹ đạo để có thể khai thác thương mại vào giữa năm 2020.
Việt Nam chúng ta có cần 5G ?
Điều phải xem xét trước tiên là có bao nhiêu người VN hiện nay đang dùng nhiều hơn một chục thiết bị thông minh luôn cần có kết nối với internet ngay tại nhà ? Có bao nhiêu gia đình, mỗi phòng trong nhà có một cái TV và mỗi cái TV đều có Chromecast hoặc Roku hay Apple hoặc Fire Stick để xem phim độ phân giải cao trực tuyến? Có bao nhiêu gia đình VN hiện tại đang trang bị những thiết bị như Amazon Echo hay Google Home nhận lệnh bằng giọng nói ? Có bao nhiêu thiết bị dùng cho hệ thống máy lạnh tự động trong nhà ? Bao nhiêu gia đình có nhà để xe trang bị cửa đóng mở bằng hệ thống điều khiển qua Internet ? Cũng cần biết thêm rằng, hiện có khoảng phân nửa dân số Mỹ vẫn đang xài 3G chứ chưa nói tới 4G, huống hồ gì chuyện 5G ? Cơn sốt 5G dâng cao độ, phần lớn đến từ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của những đại công ty thông qua các chiến dịch quảng cáo của họ. Vào những ngày đầu của năm 2020 này, thị trường thế giới cũng chỉ có khoảng 10 loại điện thoại có trang bị 5G mà thôi.
Trong toàn bộ những vật dụng linh tinh của thời đại Vạn vật kết nối, thứ quan trọng nhất cần phải có 5G chính là những loại xe tự động lái vì chúng cần có nhu cầu "nói chuyện và trao đổi thông tin" với nhau ngay lập tức trên đường phố và chỉ có mạng 5G mới thỏa mãn được điều này. Một hệ thống đường phố với hàng ngàn chiếc xe cần phải luôn luôn và lập tức kết nối với nhau để tránh va chạm gây ra tai nạn. Các trụ antenna thu phát sóng lắp dày đặc dọc theo cột đèn đường hay trụ điện, luôn kết nối với nhau trong một phạm vi gần, bảo đảm được cho mạng lưới này hoạt động hiệu quả, không bị mất sóng như những tháp antenna truyền thống, vốn ở xa hàng kilomet và luôn bị các tòa nhà cao tầng cản trở.
Tất cả những thứ vừa kể là những vật dụng của thời đại Vạn vật kết nối (Internet of Things). Ở giai đoạn đầu tiên của thời đại này, trung bình mỗi nhà sẽ có khoảng vài chục thiết bị luôn có nhu cầu được kết nối với mạng internet ở tốc độ cao. Chuyện này chưa hiện hữu ở VN, dù cho chúng ta đã có vài chục triệu người đang xài FB.
Tóm lại, tuy bắt nhịp rất nhanh với thế giới, nhưng với nhu cầu kết nối vài cái điện thoại, máy tính bảng, thêm cái TV và máy tính để bàn, chúng ta có lẽ chưa cần đến mạng 5G ít ra cũng trong vòng mười năm nữa.
APP ILIXX Admin
Theo Verizon & HDK
Thông tin hay, giúp có cái nhìn khá toàn diện về 5g.