Tham gia tự bán hàng
ĐĂNG NHẬP





Quên mật khẩu?

THAM GIA TỰ BÁN HÀNG
THAM GIA

ĐĂNG NHẬP


Nhà cung cấp

Tổng sản phẩm

Tổng sản phẩm đã chọn

Tổng sản phẩm đã bán


Thương hiệu

Hàng độc

Đã sử dụng

Đồ cổ

Xả hàng ngày 25


Shop blogs


EVoucher


Tin của ILIXX



Tải App:


 TRANG CHỦ

 SHOP BLOGS

 TOP 99

 eVOUCHER

AI BIẾT?

Hôm nay : 23/10/2024 | 06:23:09AM


 

Worklife: Đời phi công bên ... Mỹ

Tài khoản đăng : ILIXX ADMIN
Đăng : 31/12/2019 | 10:27:50 PM
Lượt xem : 889




Chuyện đi máy bay thì ai cũng nghe cũng từng trải nghiệm, nhưng chuyện nghề Pilot (quen gọi bằng từ Cơ trường) thì chưa chắc mấy ai được biết nhất là xứ ta, khi mà cái ông Pilot thường cứ phải là người ngoại quốc thì dễ gì mấy ổng chịu tâm sự cho mà nghe.

Theo lẽ thường, các chuyến bay hàng không dân dụng ở Hoa Kỳ, phi công thường bước ra ngoài để đi kiểm soát vòng ngoài phi cơ trước khi cất cánh tiếng Mỹ gọi là Walk around, Pilot và Co-pilot thay phiên nhau đi vòng quanh phi cơ xem thử có bị chảy nhớt hay thủy điều, hoặc là phi cơ có trầy xước hay chim chuột có chui vô chỗ nào làm tổ hay không v.v...

Thỉnh thoảng có các chuyên viên bảo trì đến thay thế các bộ phận cấp điện cho phi cơ loại Airbus, các hộp điện này có thể cung cấp điện với cường độ Ampere cao hơn loại điện thường dùng cho các loại Boeing và MD80. Một số hãng hàng không đã bắt đầu mua máy bay Airbus mới như Airbus 319, 320, 321 và 330. Cứ mỗi một tháng có vài chiếc Airbus mới giao cho hãng thì hãng lại phế thải vài chiếc máy bay cũ như DC9 hay Boeing 737 hoặc MD80, vì thế mà Pilot dù muốn dù không đều phải tuần tự thay phiên nhau đi học lái Airbus.

Các máy bay Airbus này tương đương với Boeing 737-300 /400 và 757. Riêng Airbus 330 thì nhỏ hơn Boeing 777 nên dùng cho đường bay quốc ngoại. Nhưng nhiều người sẽ thắc mắc tại sao Mỹ mà lại xài máy bay của Tây Âu? Xin trả lời rằng thứ nhứt, Airbus hiện đại và bay êm hơn, mà giá mua lại rẻ tiền hơn Boeing. Thứ nhì Airbus dễ bảo trì và uống xăng ít hơn Boeing. Thứ ba trên Airbus, tất cả hệ thống và máy tính (Computer) trên mọi series Airbus đều giống y chang như nhau, nên huấn luyện một loại sẽ bay được tất cả các loại Airbus khác, hãng đỡ tốn tiền huấn luyện, đỡ làm mất thời giờ của các nhân viên phi hành, bởi khi một hãng hàng không sử dùng nhiều loại phi cơ khác nhau thì vấn đề huấn luyện phi hành rất phức tạp và tốn kém. Thí dụ như một Pilot đang bay loại MD80, một năm sau ngày huấn luyện, Pilot này không còn thích bay loại MD80 vì thấy đường bay của MD80 hãng mình đang làm sao mà đáp nhiều chỗ quá và mấy cô tiếp viên lại không được lịch sự bằng bên Boeing nên muốn chuyển sang Boeing 737 chẳng hạn, vậy là Pilot này ghi tên đi học lái Boeing, cứ theo thứ tự hãng sẽ cho Pilot đó đi huấn luyện lái loại Boeing 737-300 mà không có một thắc mắc nào. Hãng sẽ phải tốn mất một tháng chi phí cho Pilot này học địa huấn và phi huấn rồi mới Check out cho Pilot này ra đi bay trở lại.

Khi mới được thuê vào làm việc tại các hãng hàng không, thường thì hãng chỉ định cho Pilot học lái loại phi cơ nào thì học loại đó rồi sau một thời gian thâm niên, Pilot thích bay máy bay loại nào thì ghi tên miễn đủ thâm niên, nếu không có ai trước đó đã ghi danh học thì Pilot đó sẽ được cho đi huấn luyện lại loại máy bay đó.

Vậy Pilot làm một tháng bao nhiêu ngày, bay bao nhiêu giờ và bay đường Quốc nội hay Quốc ngoại, lương lãnh bao nhiêu một tháng?

Thường có quan niệm cho rằng cứ ai bay được đường Quốc ngoại mới ngon còn bay đường Quốc nội thì tầm thường thôi. Nếu chịu khó chú ý sẽ thấy ít có một ông Pilot trẻ nào của Mỹ bay đường quốc ngoại. Chỉ có mấy ông Pilot già mới có kiên nhẫn ngồi mười mấy tiếng trên phi cơ, còn mấy ông trẻ thì chỉ muốn đi bay cho lẹ rồi về nhà. Lương hướng thì mấy ông bay đường quốc ngoại chỉ lãnh thêm tiền phụ trội quốc ngoại chênh lệnh nhau chút ít thôi. Lâu lâu cũng thấy có mấy ông Co-pilot trẻ, do mấy ông này mới được thuê vào nên không có đường lựa chọn nên phải bay đường quốc ngoại, nhưng độ chừng 2 năm sau là mấy ông này dọt mất tiêu sang loai phi cơ khác bay trong nội địa. Chung qui Pilot muốn bay đường quốc ngoại hay quốc nội là do tự bạn chọn tuỳ theo thâm niên chứ hãng không bắt buộc. Còn về số ngày làm việc trong một tháng của Pilot trung bình tổng cộng là 12 đến 15 ngày thôi vì luật hàng không không cho phép Pilot bay liên tiếp 7 ngày, trong vòng 7 ngày đó Pilot cũng không được bay quá 30 giờ và trong một tháng không được bay quá 100 giờ, một năm không được bay quá 1000 giờ, cho nên trung bình tối đa Pilot chỉ có quyền bay 85 giờ một tháng, vậy nên mỗi tuần Pilot đi bay 3 hay 4 ngày thôi.

Ngày làm việc của Pilot bên hàng không dân sự Mỹ không có nghĩa là phải đủ 8 tiếng, nhưng lại cung không được bay quá 8 tiếng một ngày, thường khi đi bay Pilot chỉ ở trên trời trung bình mỗi ngày từ 4 đến 6 tiếng là tối đa. Riêng về ngày làm việc, thí dụ: Nếu chiều Thứ Ba bắt đầu đi làm lúc 5:00 PM rồi 2 tiếng sau đáp tại một phi trường khác, coi như là xong phi vụ của ngày hôm đó, tất cả phi hành đoàn đều về Hotel do hãng ấn định để nghỉ ngơi, ngày hôm sau tiếp tục các phi vụ của 3 ngày còn lại trong tuần và đến sáng ngày Thứ sáu ngày cuối, có khi chỉ bay một đường bay rất ngắn khoảng 1:30 phút hay 2 giờ (Nếu ngày hôm trước đó đã phải bay các đường bay dài, Pilot về đáp lại phi trường nơi đã xuất phát 4 ngày trước, vậy là 4 ngày làm việc coi như xong, Pilot sẽ khăn gói về nhà nghỉ 3 hay 4 ngày rồi lại tiếp tục như vậy cho các tuần lễ kế tiếp). Tuy gọi là 4 ngày nhưng thực ra ngày đầu tiên chỉ bay có 2 giờ và ngày cuối cùng chỉ bay có 2 hay 3 giờ mà cũng được tính trọn là 2 ngày của 4 ngày làm việc.

Các Hãng hàng không và nghiệp đoàn phối hợp với nhau để chia các đường bay, sao cho tất cả các Pilot có được số giờ bay đồng đều và Pilot chọn đường bay cũng tùy thuộc vào thâm niên, không bao giờ chọn các đường bay phải bị bay vào cuối tuần hoặc bay trong các ngày lễ lớn và hoặc các đường bay phải đáp quá nhiều chặng.

Điều kiện làm việc của Pilot ở mỗi hãng hàng không cũng hơi khác nhau: Thí dụ hãng A trả lương 1 giờ bay là 164$ cho Pilot và 128$ cho Co-Pilot bay loại MD80 hay Boeing 737 hay Airbus 320. Bay loại phi cơ lớn chừng nào được trả lương cao chừng đó vì tuy lương tính theo giờ nhưng cũng tùy thuộc vào sức nặng và vận tốc của loại phi cơ, nếu bay đêm từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau cũng chỉ được lãnh thêm vài ba dollar so với giờ bay ban ngày, trong một năm đôi khi Pilot được lãnh lương thêm trên 100 giờ vì trong tháng nào đó phải bị đi học địa huấn hàng năm nên mỗi ngày đi học được cộng vào 4 giờ bay, hoặc là vì bão hay tuyết nặng phi trường đóng cửa khiến Pilot bị kẹt lại trong hotel của một tỉnh lẻ nào đó vài ba ngày, mỗi ngày cứ tình trạng kẹt ở ngoài phi trường như vậy, nhân viên phi hành được lãnh tối thiểu lương của 4 giờ 30 phút và số giờ này không bị lệ thuộc vào con số 85 giờ bay một tháng. Cũng có chuyện Hãng hàng không B nào đó cũng trong nghiệp đoàn và có cùng loại phi cơ tương tự nhau, có khi Pilot bên hãng B lại chỉ lãnh 154$ mỗi giờ bay và Co-Pilot lãnh 120$.

Thí dụ, Bên hãng A ấn định giờ bay từ Houston sang Miami là 1:47 phút, Pilot hãng A đi bay ngày đó dù gặp gió ngược hay bị làm vòng chờ trên trời phải mất đến 2:30 phút mới chui đầu vô đậu tại ống Jetway thì cũng chỉ được trả lương là 1:47 phút thôi chớ không được tính là 2:30 phút. Nếu phi cơ bay đến sớm hơn dự tính thí dụ 1:25 phút, Pilot vẫn được trả lương bằng 1:47 phút. Ngược lại bên Hãng B, dù giờ trả lương ít hơn hãng A nhưng cùng một đường bay nếu phải chờ dưới đất vì lý do thời tiết hay ứ đọng không lưu thì Pilot sẽ được trả đúng 2:30 phút hay nhiều hơn. Vậy thì có người sẽ nói, Pilot của hãng B sẽ kiếm cách “câu giờ” để lãnh tiền chăng, nhưng câu giờ kiểu gì tùy ý nếu không phải vì lý do thời tiết hay không lưu, hoặc là ở miền bắc Hoa Kỳ nơi thường phải De-ice tức thổi làm sạch tuyết đóng trên thân phi cơ nên tốn nhiều thời gian, gặp mấy vụ này tuy hành khách không mấy hài lòng nhưng phi hành đoàn thì “vui vẻ” lắm vì theo lẽ phi vụ ấn định cho đường bay đó là 1:30 phút mà bây giờ phải chờ đến phiên De-ice nên khi hoàn tất phi vụ thời gian kéo dài nên được trả lương 3 hay 4 giờ thay vì chỉ có 1:30 phút. Và vì hãng theo dõi rất kỹ, từ khi phi cơ rời phi trường cho đến khi đáp xuống phi trường, hãng không bao giờ không biết Pilot đang ở đâu. Giờ bay của nhân viên phi hành được tính bằng Computer qua hệ thống phát tin từ lúc phi cơ đóng cửa tại trạm đi và mở cửa tại trạm đến, nên không tài nào Pilot ăn gian giờ bay được. Chung quy thì vấn đề lương của hãng nào cũng tương đương với nhau nhưng chỉ khác điều kiện làm việc mà thôi.

Cũng có người thắc mắc nghe nói Pilot ăn lương khoán mà ? Đúng, nhưng thật sự là ăn lương giờ, vì hãng nào cũng đều có ấn định lương căn bản tối thiểu cho Pilot là bay 68 hay 72 giờ mổi tháng, rồi sau đó Pilot đi bay đủ 85 giờ tối đa hay ít hơn nhưng không được bay dưới số giờ tối thiểu trong tháng đó. Và Pilot không có màn bay over time nghĩa là bay quá 85 giờ mỗi tháng.

Lại cũng sẽ thắc mắc, vậy sao đọc báo hay nghe TV nói là Pilot của hãng X nào đó từ chối bay over time nghĩa là sao? Nghĩa là mấy ông Pilot này đưa ra yêu sách đòi tăng lương và nới rộng điều kiện làm việc, nghiệp đoàn nội bộ xúi mấy Pilot chỉ bay đúng số giờ tối thiểu là 68 hay 72 như hảng đã ấn định mà thôi. Số giờ vượt sai biệt trong tháng được các Pilot này gọi là: over time. Và không ai bắt buộc Pilot phải bay mấy giờ vượt trội này mặc dù Pilot biết rằng họ bay mỗi giờ sẽ lãnh lương của một người thường dân đi làm một ngày. Lại có trường hợp Pilot đang đi bay trong những ngày cuối tháng, computer trong hãng cho biết là nếu Pilot tiếp tục 3 hay 4 ngày bay nữa, giờ bay của Pilot sẽ trên 85 giờ, thế nên 2 ngày sau, Pilot được hãng ưu ái cho về nghỉ vì đã có Pilot khác thay thế rồi. Tất cả phi hành đoàn khi đi bay đều được lãnh tiền ăn trưa y như nhau. Trung bình mỗi ngày lãnh 46$ và tiền này được miễn thuế nên hãng trả bằng một séc riêng mỗi tháng 2 lần ngoài tiền lương tháng.

Hãng hàng không nào bây giờ cũng có vụ mấy Tiếp viên thưa kiện về vấn đề “Sexual harassement” nên mấy Pilot già có khuyên mấy Pilot trẻ chớ có dại dột rồi mai mốt bị thưa thì cái khoản lương sáu số coi như tiêu tùng. Có những hãng hàng không có trên 6 ngàn Pilot, bởi vậy nếu ai lỡ dại làm chuyện bá láp, không sớm thì muộn cả hãng đều biết. Nếu các Pilot đàng hoàng thì mấy cô tiếp viên đối xử lại với Pilot rất đàng hoàng và ngược lại nếu Pilot cà giựt thì mấy cô cũng sẽ cà giựt lại không kém và Pilot lúc nào cũng yếu thế. Trên tàu Pilot chỉ có 2 mạng mà mấy tiếp viên này có đến 4 hay 8 mạng trong mỗi chuyến bay, nếu đổi sang bay Airbus 330 thì có đến 12 tiếp viên, Bởi thế chọc ghẹo mấy cô tiếp viên này có ngày dễ mang họa vào thân là vậy.

APP ILIXX Admin

BÁO THÔNG TIN XẤU









CHIA SẺ





LIKE VÀ THEO DÕI ILIXX TRÊN FACEBOOK
Ý KIẾN


THÊM Ý KIẾN




BÀI VIẾT KHÁC


CÁC ĐỐI TÁC THƯƠNG HIỆU UY TÍN



CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

© Bản quyền 2018 của ILIXX.COM