Tham gia tự bán hàng
ĐĂNG NHẬP





Quên mật khẩu?

THAM GIA TỰ BÁN HÀNG
THAM GIA

ĐĂNG NHẬP


Nhà cung cấp

Tổng sản phẩm

Tổng sản phẩm đã chọn

Tổng sản phẩm đã bán


Thương hiệu

Hàng độc

Đã sử dụng

Đồ cổ

Xả hàng ngày 25


Shop blogs


EVoucher


Tin của ILIXX



Tải App:


 TRANG CHỦ

 SHOP BLOGS

 TOP 99

 eVOUCHER

AI BIẾT?

Hôm nay : 23/10/2024 | 04:33:36AM


 

Lửa ở thành Varanasi

Tài khoản đăng : ILIXX ADMIN
Đăng : 27/08/2022 | 11:21:41 AM
Lượt xem : 393




Thi thể của người quá cố đều được đem nhúng xuống nước sông Hằng, sau đó phơi cho ráo rồi đem hỏa thiêu.

Đó là tất cả những gì diễn ra hàng ngày từ 3000 năm qua tại khu Manikarnika Ghats, địa điểm hỏa táng lớn nhất tại thành phố cổ Varanasi nằm bên bờ tây của sông Hằng. Truyền thuyết kể rằng ngọn lửa thiêu tại Manikarnika Ghats đã cháy liên tục ở đây từ 30 thế kỷ qua và sẽ cháy mãi mãi.

Nơi đây, những người theo đạo Hindu sẽ thực hiện hành trình cuối cùng của mình hầu mong tìm thấy “moksha” tức đến được niết bàn. Người ta tin rằng bờ sông Hằng bên cạnh thánh địa Varanasi này chính là nơi thiêng liêng nhất trên trái đất để ra đi mãi mãi và bất cứ ai chết ở Varanasi đều đạt đến cõi niết bàn. Cũng vậy, thân nhân người quá cố luôn tin rằng nếu tro cốt của người đã khuất được rải ở đây thì linh hồn của họ cuối cùng sẽ đến được cõi niết bàn, cho nên có tới 300 thi thể được hỏa táng lộ thiên mỗi ngày tại thánh địa này.

Dưới đây là loạt ảnh hiếm hoi cho quý bạn thấy giờ phút cuối cùng thi hài của những người quá cố theo đạo Hindu tại Manikarnika Ghats.

Trong nhiều thế kỷ, những người già và bệnh tật đã đổ xô về địa điểm này chỉ để chờ chết, ở đây có nhiều căn nhà đặc biệt được dành cho những người đang nằm chờ đến giây phút cuối cùng của đời họ nhưng bầu không khí tại địa điểm tang lễ khổng lồ này không hề buồn thảm vì quanh đó những người đi đưa tang vẫn cười nói, trò chuyện và chơi bài trong lúc công việc chuẩn bị tang lễ đang được tiến hành. Thái độ của người Hindu đối với cái chết, họ xem đó không phải là một sự mất mát, mà thay vào đó là quan niệm ‘trút bỏ’ một thể xác đã quá rệu rã giống như người ta phải vứt bỏ bộ quần áo đã quá rách nát của mình mà thôi.

Hoạt động quanh Varanasi như một cái chợ, các gia đình len lỏi giữa những đống gỗ chất cao ngất ngưởng được dùng để đốt xác, chung quanh là người xem lẫn khách du lịch hiếu kỳ vây quanh để quan sát các buổi lễ hỏa táng. Chương trình tang lễ là hết sức quan trọng để giúp người quá cố đạt đến được cõi niết bàn, nhiều nghi lễ phải được thực hiện trọn vẹn vì nếu không thì linh hồn sẽ không tìm thấy đường ở thế giới bên kia.

Để bắt đầu, thi hài người quá cố được quấn vải đầy màu sắc đặt nằm trên một cáng tre, được khiêng len lỏi qua các ngõ ngách của thành phố hướng đến bờ sông Hằng linh thiêng. Thân nhân đi đưa chỉ có nam giới vì họ phải thực hiện các nghi thức tang lễ còn phụ nữ không được phép có mặt vì sợ họ khóc thì sẽ phá hỏng bầu không khí trang nghiêm. Hỏa táng là cách làm theo tín ngưỡng của những người theo đạo Hindu, họ luôn tin rằng ngọn lửa sẽ giúp tẩy uế và giải thoát linh hồn ra khỏi thể xác giúp người quá cố được tái sinh.

Khi đến bờ sông, thi thể được ngâm trong nước sông Hằng trước khi đem phơi khô trong hai tiếng trên các bậc thang. Thông thường, thi thể bị bỏ mặc nằm chơ vơ dưới trời nắng gió, chung quanh gia súc vô tình bu lại gặm những bông hoa trang trí hay thậm chí tiểu luôn vào thi thể.

Sau khi đã khô ráo, thi thể được đưa đến chỗ đốt, ở đây có những đống gỗ to đã được cân đo dọn sẵn, ít nhiều là tùy theo số tiền mà gia đình có thể chi trả cho buổi hỏa táng.

Ấn Độ là quốc gia có sự phân biệt cực đoan giữa các tầng lớp người trong xã hội, với tầng lớp càng thấp, vị trí nền đất hỏa táng càng ở dưới thấp và ngược lại. Công việc tiếp xúc với xác chết được xem là có thể mang đến những điều xui xẻo tận cùng, cho nên chỉ một số ít người nằm trong nhóm tận cùng của xã hội, thường bị xa lánh, mới tiếp xúc với xác chết. Những người này được gọi là 'Doms'.

Tuy nhiên, vì Doms là những người duy nhất thực hiện nghi lễ, nên một số họ đã cấu kết với nhau tạo nên sự độc quyền và trở nên giàu có nhờ kinh doanh tang lễ, là công việc phát triển mạnh ở Varanasi.

Trong thế giới của người Hindu, không có từ quan tài và chỉ một số rất ít người quá cố mới được cho thực hiện nghi lễ chôn cất thay vì hỏa táng. Những người được chôn cất bao gồm những người đàn ông thánh thiện và trẻ em chết trước hai tuổi vì người ta tin rằng linh hồn của họ là trong sạch và không cần phải tẩy rửa bằng nước sông Hằng và ngọn lửa. Cũng vậy, tội phạm hay những người tự sát cũng được cho phép chôn cất do tội lỗi của họ quá lớn nên không thể tẩy rửa được bằng nước sông Hằng và giàn hỏa thiêu.

Để thực hiện nghi lể hỏa táng, bàn chân của thi thể được đặt về hướng nam theo hướng của cõi Yama, tức thần chết và đầu luôn hướng về phía bắc theo hướng của Kubera tức vị thần của sự giàu có.

Theo truyền thống, người đưa tang chính thường mặc đồ trắng, châm lửa giàn thiêu bằng cây mồi lửa từ tay các Doms, thi thể người quá cố trở thành lễ vật dâng lên thần lửa Agni.

Nếu thi thể không được thiêu hủy hết do gia đình không đủ tiền mua nhiều củi, dàn thiêu cũng phải bị dập tắt bằng nước từ sông Hằng, xương cốt hoặc những phần cơ thể còn sót lại đều được người thân ném hết xuống sông bằng thái độ tôn kính, cấm chụp hình vào lúc này.

Manikarnika Ghat là nơi linh thiêng nhất để người theo đạo Hindu được hỏa táng. Gỗ được chất thành đống dùng để đốt xác, có thể nhìn thấy bò, dê, thân nhân nam, những khách du lịch hiếu kỳ xem cảnh hỏa táng từ những chiếc thuyền trên sông.

Bãi thiêu chính của Manikarnika Ghat nhìn từ trên cao. Có nhiều bậc thang và khoảnh sân nơi người chết được thiêu tùy theo đẳng cấp của họ: đẳng cấp càng thấp thì mặt đất nơi thiêu càng ở dưới thấp.

Một thầy Aghori Baba đang thiền định bên trong một tòa nhà bị phủ muội đen và bỏ hoang phía sau Manikarnika Ghat. Aghoris là một trong những giáo phái cực đoan, gây tranh cãi nhiều nhất trong số các giáo phái của đạo Hindu, họ được gọi là sadhus, thường sống gần các khu hỏa táng.

Một thi thể được đưa xuống sông Hằng để ngâm nước rồi sau đó đem hỏa thiêu.

Hai du khách ngồi trên một chiếc thuyền trên sông Hằng chứng kiến nghi lễ. Ở bên phải hình có một thi thể được bọc trong một tấm vải liệm màu cam, đang được phơi khô trên bậc thang sau khi đã cho ngâm mình dưới sông.

Xác chết được cho là thứ rất xui xẻo nên chỉ có Doms mới chạm vào tử thi.

Chotu Chowdhury là một Dom, làm công việc hỏa táng đã được 40 năm. Ông cũng từng có một cửa hàng bán đồ ngọt, nhưng công việc kinh doanh không suôn sẻ. “Sẽ không có ai mua hàng từ cửa hàng của Dom…” ông nói với vẻ cam chịu. Vì vậy, ông phải quay trở lại khu hỏa thiêu này.

Những xúc gỗ to loại rẻ tiền hơn gỗ giáng hương, được dùng để đốt xác. Khoảng chín triệu người chết ở Ấn Độ mỗi năm, vì vậy các phương pháp hỏa táng khác như sử dụng điện hoặc khí đốt đang được thay thế dần.

Thi thể một người quá cố.

Chậu đất dùng để lấy nước sông Hằng. Trong Ấn Độ giáo, thi thể người chết được coi là không sạch sẽ do đó cần phải tẩy rửa trước khi thực hiện các nghi lễ hỏa táng.

Khiêng cáng thi thể người quá cố đi về phía sông Hằng, như một phần của nghi lễ trước khi hỏa táng. Thi thể sẽ được thiêu trong 24 giờ sau khi chết.

Thi thể nằm trên một chiếc cáng bằng tre được thân nhân đem xuống ngâm nước sông Hằng. Người đàn ông mặc đồ trắng là thân nhân (nam giới) với người đã khuất, là người được giao nhiệm vụ thực hiện các nghi thức hỏa táng. Phụ nữ nếu có mặt ở đây thì duy nhất chỉ là khách du lịch nước ngoài.

Một thi thể được quấn trong tấm vải liệm sặc sỡ trước khi được đem xuống sông nhúng nước. Trên sông, những chiếc thuyền chở đầy gỗ đi về phía Manikarnika để bốc dỡ gỗ.

Thi thể được nhúng nước sông Hằng rồi được đưa lên cầu thang phơi khô, sau đó sẽ đem hỏa táng.

Thi thể một người đàn ông được người thân nhúng nước trên sông Hằng. Thông thường, xác chết được lau rửa tại nhà và chỉ được nhúng nhanh vào nước sông Hằng để thanh tẩy theo nghi lễ, sau đó đem phơi cho ráo. Khi đặt lên dàn thiêu sẽ được rắc thêm bột gỗ đàn hương và bơ sữa trâu sau đó châm lửa hỏa thiêu.

Các thi thể được phơi trên cầu thang khoảng hai tiếng để khô ráo trước khi đem hỏa táng.

Khi thi thể đã đủ khô, người nhà sẽ đưa vào khu vực các dàn thiêu.

Mỗi ngày trên bờ sông Hằng ở Manikarnika của thành phố Varanasi có tới 300 vụ hỏa táng.

Một thi thể đang được phơi khô nằm trên các bậc cầu thang. Mấy thanh niên trẻ ngồi bên cạnh có lẽ là thân nhân của người đã khuất, đang ngồi chờ.

Chờ hỏa táng, phụ nữ không được tham dự.

Bachhan Chowdhury, gọi công việc của mình là "quản lý xác chết" với hàm ý mỉa mai. Gia đình có năm người con nhưng ông đã biết trước đứa con trai lớn sẽ làm việc tại đây trong tương lai không xa.

Một thi thể của người quá cố.

Tính toán chi phí hỏa táng.

Thi thể được tháo dây cột, chuẩn bị đưa lên giàn thiêu.

Một người đang leo trên đống gỗ chất đầy ở những con ngõ phía sau khu Manikarnika. Buôn bán gỗ thiêu rất lời, giá một giàn gỗ thiêu dao động từ 3.000 đến 50.000 rupee (45 đến 750 đô la). Gỗ đàn hương được thích nhất nhưng chỉ nhà giàu mới có khả năng mua nổi.

Một cái cân gỗ, số lượng gỗ thường được tính bằng với trọng lượng của người đã khuất. Nói chung giá cả sẽ được mặc cả tùy theo chất lượng và số lượng gổ cần dùng.

Một giàn thiêu thường cần 300 kg củi đủ để đốt một thi thể.

Dom đứng ở phía sau, trong khi hai người đàn ông bên phải cầm túi đựng các chất bột để rắc vào giàn thiêu.

Những gia đình giàu có chọn gỗ đàn hương có giá đắt hơn nhiều so với gỗ xoài là thứ thông dụng. Trong khi những người nghèo chỉ có thể sử dụng phân bò, những gia đình nào không thể mua gỗ thiêu thì chỉ đơn giản là vứt xác người quá cố xuống sông Hằng là xong.

Rắc bơ sữa trâu (loại bơ này có thể ăn được). Hồi xưa người ta còn trét đầy vào thi thể trước khi đem hỏa thiêu.

Bột gỗ đàn hương được rắc thêm lên thi thể để khử mùi tóc cháy, nhờ vậy mà khi đốt xác sẽ không bốc lên mùi khó chịu.

Một người thân rải bột có thể là xạ đen, lên thi thể trước khi đốt.

Người đàn ông mặc đô trắng châm lửa đốt giàn hỏa có thể là con trai lớn hoặc người nam thân thuộc gần nhất.

Một đám khói tòa lên từ giàn thiêu. Dom ngồi canh để đảm bảo lửa luôn cháy.

Cuộc sống chung quanh vẫn tiếp diễn, một con chó nằm ngủ bị bao phủ bởi tro bụi từ những đám thiêu xác ở Manikarnika Ghats

Gỗ nặng chất đè lên thi thể là rất quan trọng vì khi nhiệt độ cao làm các cơ co lại khiến thi thể trông có vẻ như ngồi dậy.

Thanh tre dài được dùng để khơi, giúp thi thể sẽ bị đốt cháy hết trong ngọn lửa.

Một thi thể cần khoảng ba giờ để đốt cháy hoàn toàn, cũng còn tùy thuộc vào số lượng và chất lượng của gỗ. Những gia đình nghèo, không thể mua đủ củi nên thi thể thường cháy dở. Các Dom có nhiệm vụ canh chừng ngọn lửa bằng cách chọc liên tục.

Theo tập tục của người Hindi, lửa có tác dụng thanh tẩy để linh hồn người quá cố được rời khỏi thể xác.

Hệ thống phân biệt giai cấp trong xã hội Ấn Độ có từ thời cổ đại, người phụ nữ này là một trong những người thuộc tầng lớp được gọi là 'Không thể chạm vào', tức là giai cấp xã hội thấp nhất trong văn hóa Ấn Độ giáo.

Những người theo đạo Hindu thuộc giai cấp thượng lưu thường tìm cách dìm những người ‘Không thể chạm vào’ mãi ở vị trí xã hội của họ bằng cách đánh đập công khai, hành hạ bắt họ diễu hành khỏa thân trên đường phố hoặc hãm hiếp phụ nữ.

Tầng lớp ‘Không thể chạm vào’ luôn sống trong nỗi sợ hãi, thường xuyên bị trừng phạt hoặc bị sỉ nhục, chỉ cần họ đi bộ qua một khu phố dành riêng cho những người thuộc tầng lớp thượng lưu thì xem đó là một hành vi phạm tội, khiến có thể bị nguy hiểm đến tính mạng.

Theo số liệu được trình bày tại Hội nghị Dalit quốc tế ở Canada năm 2003, gần 90% người nghèo Ấn Độ và 95% người Ấn mù chữ là người Dalits. Họ làm những công việc nặng nhọc nhất, bị trả công thấp nhất, sinh hoạt ăn ở trong tình trạng tồi tệ nhất, người Dalits bị áp bức, bị khuất phục về văn hóa và bị gạt ra ngoài lề của xã hội.

Cuộc sống của người Dalits được quy định theo các nguyên tắc “không thể chạm tới”, quy định những gì họ được phép làm; nơi họ được phép sống, đi đứng, ăn uống hoặc kết hôn v.v...

Shiva Chowdhury bắt đầu công việc này từ khi 17 tuổi, giống như cha anh đã làm trước đây. Bảy thế hệ trong gia đình của Shiva đều làm việc trên khu hỏa thiêu này. Chowdhury nói: “Uống rượu nhiều hoặc dùng chất gây nghiện mạnh, thật kinh khủng khi cứ phải tiếp xúc với cái chết mỗi ngày”.

Nhang được sử dụng rất nhiều để khử mùi của hàng trăm thi thể được hỏa táng mỗi ngày.

Một góc chụp từ trên cao cho thấy ngọn lửa bùng cháy ở một khu hỏa thiêu của Manikarnika Ghats bên bờ sông Hằng, giai cấp càng thấp vị trí thiêu càng ở phía dưới.

Người theo đạo Hindu tin rằng linh hồn sẽ rời khỏi cơ thể khi hộp sọ thi thể phát nổ vì sức nóng. Điều này có thể được trợ giúp bởi một thanh tre dài.

Sau khi hỏa táng xong, ngọn lửa được dập tắt bằng nước sông Hằng. Tro cốt được thu gom và ném thẳng xuống sông cùng với mọi bộ phận nào khác của cơ thể nếu chưa cháy hết.

Hài cốt bị ném xuống sông cũng có thể trôi dạt vào bãi sông này nơi mọi người đang tắm, phía bờ bên kia là khu hỏa táng Manikarnika Ghats.

 

 

Tổng hợp

ILIXX Admin

 

 

BÁO THÔNG TIN XẤU









CHIA SẺ





LIKE VÀ THEO DÕI ILIXX TRÊN FACEBOOK
Ý KIẾN


THÊM Ý KIẾN




BÀI VIẾT KHÁC


CÁC ĐỐI TÁC THƯƠNG HIỆU UY TÍN



CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

© Bản quyền 2018 của ILIXX.COM