Đầu năm đi tắm truồng
Tài khoản đăng : ILIXX ADMIN
Đăng : 06/01/2022 | 09:14:28 PM
Lượt xem : 544
Đối với người Nhật, khái niệm hadaka no tsukiai nghĩa là khỏa thân tập thể, được cho là cách để xóa bỏ rào cản và gắn kết quan hệ, vì vậy trong hơn 1000 năm, tắm suối nước nóng thiên nhiên được gọi là Onsen, là phần thiết yếu trong cuộc sống của người Nhật để làm sạch cả cơ thể lẫn tâm hồn.
Có hơn 3000 Onsen tự nhiên ở Nhật Bản. Dọc theo dòng sông Kurobe nằm sâu trong dãy núi Alps Nhật Bản, đó là những dòng suối nóng nhỏ nước đục có màu xanh nhưng rất giàu khoáng chất, nguồn nước trực tiếp của chúng là từ 25.000 suối nước nóng sôi lục bục bên dưới bề mặt quần đảo địa nhiệt. Osen là nơi tắm mang lại trải nghiệm tĩnh tại cho mỗi cá nhân và cộng đồng khi mà gia đình, bạn bè và hàng xóm đều trút bỏ y phục rồi cùng nhau bước vào dòng suối đang bốc hơi nóng, rõ ràng đây không phải là trải nghiệm spa sang chảnh nhưng nó có vẻ đẹp và ý nghĩa của riêng nó.
Từ các spa nơi thành thị đông đúc đến tận các vùng nông thôn xa xôi, mỗi nơi tắm nước nóng Onsen Nhật đều có nét quyến rũ khác nhau nhưng chỉ có một trong tất cả số đó là ở một vị trí đặc biệt, khác hẳn với những onsen khác, những ai muốn tới đó phải bỏ ra thời gian 4 ngày đi bộ cả đi lẫn về để chỉ được đắm mình trong đó. Nó là Onsen Takamagahara.
Một chuyến bộ hành đi và về bằng đường mòn trong 4 ngày chỉ để tắm suối nóng nghe đầy vẻ ngờ vực, nhưng đó lại là truyền thống hành hương đã có từ nhiều thế kỷ trước vào thời Edo tại Nhật Bản. Takamagahara đã từng được những người hành hương đến đây thăm viếng, những ngọn núi xung quanh Takamagahara đã được thần thánh hóa và được coi là hiện thân của thần linh trong Thần đạo của Nhật Bản.
Để được ngâm mình trong nước suối nóng phục hồi sức khỏe của Takamagahara ở công viên quốc gia Chubu-Sangaku, người ta phải vượt qua thử thách bằng cuộc lội bộ trên quãng đường dài 40 km. Takamagahara (nghĩa là vùng đồng bằng cao của thiên đường) được cho là Onsen ở nơi xa nhất của Nhật Bản, là nơi thâm sơn cùng cốc phải mất hai ngày đi bộ mới đến nơi - Đó là một cuộc hành hương chỉ phù hợp với những người cực đoan nhất, chuyến đi chắc chắn không dành cho người non kinh nghiệm: đây là một chuyến thám hiểm thực sự, đòi hỏi sức chịu đựng dẻo dai cả về thể chất lẫn tinh thần cùng sự hiểu biết về thời tiết khi phải băng qua nhiều cánh rừng thưa, đi dọc các triền sông, leo lên các dốc cao đầy đá, ngủ trong các túp lều căng tạm bên triền núi, ăn uống tạm bợ đơn giản cốt để tồn tại lấy sức đi tiếp, không có sóng điện thoại mà thời tiết thì luôn thay đổi và trên hết là phải biết tự vượt qua được chính mình chứ nhất quyết không bỏ cuộc giữa chừng.
Phần thưởng sau cùng của chuyến đi chỉ là một cụm nhà tắm khiêm tốn nằm sâu trong một thung lũng nhiều đá. Mặc dù cảnh quan, độ khoáng chất và cách thiết kế có khác biệt đối với từng Onsen, nhưng mỗi nơi đều có chung sự kết nối vô hình giữa con người với thiên nhiên.
Trong một thế giới ngày càng bị đô thị hóa, không ngạc nhiên gì khi việc tắm ngoài trời - gọi là rotenburo, lại nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt nhất, nó khiến cho người tắm hòa mình vào thiên nhiên trong lành để tận hưởng làn gió mát lạnh trong khi vừa ngồi trong dòng nước nóng giàu khoáng chất. Con người được tách ra khỏi nền văn minh, được bao quanh bởi cây cối, tai nghe róc rách tiếng nước chảy bên dòng suối nhỏ cạnh bên, Takamagahara chính là nơi đạt đến đỉnh cao của việc tắm suối nóng ngoài trời "rotenburo".
Chuyến hành hương đến Takamagahara hẳn phải mang lại cảm giác mãnh liệt nhất. Từ Tokyo, bắt một chuyến tàu nhanh chạy đêm đi đến Toyama rồi kịp lên leo chuyến xe buýt đi tiếp 2 tiếng nữa là đến đầu tuyến đường mòn gần ngôi làng nhỏ Oritate vào sáng sớm hôm sau.
Chỉ cần vài phút leo ngược dốc theo con đường lởm chởm đá này là đủ nếm trải tiếng tăm ghê gớm của con đường này cỡ nào. Mọi cố gắng để bắt kịp người bạn đồng hành dễ khiến cho người ta hết hơi nhưng phải quyết tâm lần theo con đường mòn kẹp giữa các khe núi mà tiến tới. Khi leo lên núi, sương mù che phủ, cảnh vật biến đổi hoàn toàn, điện thoại mất tín hiệu và khi ấy cảm nhận đầy đủ về mối liên kết cuối cùng giữa bản thân với thế giới biến mất sẽ như thế nào.
Cứ tiến bước, con đường đá lên dốc bây giờ được thay thế bằng đường lót ván gỗ để bảo vệ thảm thực vật trên vùng núi cao đồng thời tạo lối đi dễ dàng cho người bộ hành. Những tấm ván gỗ phong hóa cũ kỹ trải dài trên cỏ, bên dưới là những bông hoa cuối cùng của mùa hoa núi, con đường lót gỗ chạy vòng vèo như vô tận về phía xa bọc theo những sườn dốc dễ thu hút mọi ánh mắt nhìn theo, cảnh đẹp thật là ấn tượng.
Dọc theo tuyến đường là một loạt các túp lều dựng trên vùng núi hẻo lánh, nơi những người đi bộ có thể dừng bước để nghỉ ngơi, ăn, ngủ, lều nằm rải rác dọc trên con đường mòn dẫn đến Onsen nơi thâm sơn cùng cốc của Nhật Bản.
Các túp lều này ở trên núi, gọi là yamagoya, được trực thăng cung cấp hàng tháng và do các nhân viên tại chỗ quản lý - giúp những người bộ hành đỡ phải mang theo những dụng cụ cắm trại nặng nề, chúng cung cấp chỗ ngủ đơn giản và bữa ăn nóng được nấu tại chỗ. Đây là điểm kết nối duy nhất với thế giới bên ngoài, là một mạng lưới quan trọng ở các vùng núi xa xôi này, nơi cung cấp thông tin, dự báo và đưa ra các hướng dẫn chi tiết căn cứ vào thời tiết và cũng để theo dõi hỗ trợ người bộ hành, đảm bảo không ai bị đi lạc.
Vải lều còn tốt nhưng khung đã xiêu vẹo sau nhiều năm sử dụng, chỗ ngủ đơn giản được lót bằng chiếu rơm có chăn đắp. Vào bữa tối, món tempura được dọn ra cùng cơm hấp kèm súp được phân phát cho từng khách rồi đến nước trà.
Sáng hôm sau thức dậy trước khi mặt trời mọc, mọi người được dùng cơm với mận muối, súp và trứng rồi lại tiếp tục lên đường, lội bộ trên các tấm ván gỗ, nhảy qua các chỗ bị gẫy, lầm lũi tiến dần về phía cao nguyên Kumanodaira.
Khi có nhiều bụi cây việt quất hoang xuất hiện nó đánh dấu cho biết sắp đến suối nước nóng, vượt qua khỏi cây cầu hẹp thì trông thấy ngay các biển báo tắm Onsen, mùi lưu huỳnh khá nồng nhưng lại dễ chịu với những người đam mê Onsen - đã đến suối nước nóng.
Hai bể tắm tách biệt giới tính của Osen Takamagahara chỉ được che chắn bằng những vách tre đơn giản, một bể tắm thứ 3, là hỗn hợp nam-nữ, nằm lộ thiên ngoài trời ai cũng có thể nhìn thấy. Bể tắm hỗn hợp nam nữ được gọi là konyoku, xem là phổ biến ở Nhật Bản cho đến thế kỷ 19, nhưng giờ đây chỉ có Onsen ở vùng nông thôn là còn tiếp tục truyền thống tắm tập thể nam nữ như thế này.
Takamagahara là đỉnh cao của trải nghiệm tắm suối nóng rotenburo (tắm ngoài trời).
Trong tiếng Nhật có cụm từ "kachou fuugetsu", dịch theo nghĩa đen là "hoa, chim, gió, trăng" nó thể hiện tầm quan trọng trong việc cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp thiên nhiên và nên tận dụng cơ hội này để tìm hiểu về bản thân cũng như trải nghiệm cái tinh túy của Onsen hadaka no tsukiai (khỏa thân tập thể) trên vùng “đồng bằng cao của thiên đường” Osen ở Nhật Bản.
Tổng hợp
ILIXX APP Admin