Đời gà …Mỹ
Tài khoản đăng : ILIXX ADMIN
Đăng : 20/04/2021 | 01:34:22 PM
Lượt xem : 803
Holly là trang trại nuôi gà thịt có quy mô khép kín từ lúc gà đẻ cho đến thành phẩm thịt gà đông lạnh thương mại. Thuộc hạng trang trại nuôi gia cầm lớn ở bang North Carolina Holly có khả năng cung cấp thịt gà đông lạnh cho hệ thống các siêu thị cũng như nhà hàng lớn nhỏ khắp nước Mỹ.
Holly cho khách hàng thăm trại gà từ A đến Z, trước tiên khách được đưa đến xem khu ấp trứng gà. Tại đây tất cả mọi người được cấp phát cho một bộ quần áo chống khuẩn bằng vải màu xanh da trời, nón trùm đầu, bao tay và bao bọc giày. Các nhân viên có trách nhiệm của Holly cho biết để cho chỗ ấp trứng được tinh sạch nên buộc phải ăn mặc như vậy để đề phòng mang vào mầm bệnh cho đám gà con sắp nở, đang nở và đã nở được một vài giờ.
Chỗ ấp trứng là trạm khởi đầu, phòng kiểm trứng là một phòng tối, các nhân viên soi trứng vào một lỗ có ánh đèn rồi nhìn xem các trứng này có trống hay không.Trứng có trống, khi nhìn qua ánh đèn sẽ có màu hơi đục và nhìn thấy một chấm màu đỏ bên trong tròng đỏ, trứng không có trống sẽ không có chấm đỏ này và sáng hơn, các trứng không có trống được để riêng để bán ra thị trường. Chỉ các quả trứng có trống tốt mới cho vào các máy ấp trứng, tuyệt đối không được dùng bút mực, mỗi quả trứng đều được đánh dấu bằng viết chì vì than không thấm qua vỏ trứng, nhân viên kiểm tra luôn biết rõ các trứng này đến từ trại nuôi nào, ngày giờ nào v.v…
Mỗi lò ấp trứng chứa một ngàn hai trăm trứng, vận hành 24/24 nhiệt độ trong máy được điều chỉnh trung bình ở khoảng 37oC - 39oC, độ ẩm được duy trì ở mức 67%. Công đoạn đưa trứng cho vào lò ấp thường vào khoảng 2 đến 3 giờ sáng . Đúng 21 ngày và được cộng thêm 5 tiếng nữa, tất cả 1.200 trứng trong máy đều phải nở, như vậy trứng sẽ nở lúc 2 hoặc 3 giờ sáng nhưng Holly cộng thêm 5 tiếng nên khoảng 7 giờ sáng thì các nhân viên mới bắt đầu đi lấy gà con mới nở chuyển đi nơi khác.
Để giải thich rõ hơn tại sao phải có thêm 5 tiếng, nhân viên Holly cho biết: Chính xác đúng 21 ngày thì trứng đều nở, sau khi trứng nở, đám gà con lông lá còn ướt nên thường phải đợi từ 12 đến 18 tiếng sau lông gà mới khô ráo chừng đó gà con mới đứng dậy đi được do đó hệ thống máy sấy sẽ thổi nhẹ một luồn hơi vào máy ấp trứng liên tục trong 5 tiếng là như vậy.
Nhân viên Holly sẽ chuyển hàng chục ngàn gà con mới nở vào trong một phòng tối. Tới giờ làm việc có mấy chục lỗ nhỏ sẽ được mở ra cho các chú gà con thấy các lỗ có ánh sáng, gà con sẽ tranh nhau chui qua các lỗ nàỵ. Phía ngoài lỗ được thiết kế rãnh như máng xối, gà con sẽ xếp hàng một đi ra, dọc theo hai bên đã có các nhân viên mặc trang phục an toàn, họ bắt từng con gà một, đưa mỏ gà vào một lỗ nhỏ trên máy cắt để cắt mỏ, tiếp liền theo đó từng con gà được máy chích ngừa dịch bệnh. Bị cắt một phần mỏ như vậy nên gà con sẽ không cắn lộn nhau bậy bạ, nếu không cắt mỏ, khi gà con cắn lộn nhau nếu lỡ một con bị chảy máu là các gà con khác sẽ nhào tới mổ vào vết thương khiến cho gà bị thương chết, máu văng dính vào các gà con khác như vậy đám gà con lại tiếp tục cuộc ẩu đả lẫn nhau khiến số tử vong sẽ rất cao vì gà con dễ bị kích động bởi màu đỏ của máu. Sau hai thủ tục này thì gà con sẽ được cho vào những hộp nhỏ chứa 102 gà con mỗi hộp (2 con lẻ thêm vào là để phòng trường hợp sau này gà bị thất thoát vì bất cứ lý do gì).
Trong 1.200 trứng ấp trong mỗi máy, trang trại ước định phải nở 99-100%, nếu vì lý do gì mà các trứng gà nở dưới 98% thì Holly sẽ điều tra xem lý do tại sao, các trứng này đến từ trại nuôi gà nào, gà đã được cho ăn bằng lọai thực phẩm nào, ai là người đã kiểm các trứng này v.v.. Tất cả gà dùng để nuôi và sản xuất thịt gà ra thị trường đều là gà lông trắng vì giống gà này dễ nuôi, mau lớn, cho nhiều thịt. Có một điểm hết sức thú vị là trong hàng triệu quả trứng nở ra thì lâu lâu lại xuất hiện 1 hoặc 2 gà con lông đen tuyền, chân cũng đen, trong khi cả bầy gà con toàn lông và chân màu vàng nhạt.
Khi có một gà con lông màu đen tiến đến khâu cắt mỏ thì các nhân viên kiểm tra sẽ vặn cổ cho chết và bỏ luôn vào thùng rác vì nếu nuôi nó chung với đám gà lông trắng thì khi vừa lớn lên các con gà lông trắng sẽ tự động mổ chết con gà lông đen này. Điều này hết sức kỳ lạ nhưng trước hết phải đặt câu hỏi là tại sao trong hàng trăm ngàn gà con sau khi nở lại xuất hiện vài chú gà lông đen? Holly cho biết đây hoàn toàn là do một “sự nhầm lẫn” không thể kiểm soát được: Có những con gà giống lông trắng chân vàng được lựa ra nuôi làm gà gây giống, sau này ngẫu nhiên ở chung chuồn và nó lại “đạp mái” ngay chính gà mẹ của nó, do đó khi trứng nở sẽ ra gà con có lông màu đen. Theo quy luật tự nhiên cùa loài gà, gà lông trắng rất ghét gà lông đen, gà đen sẽ bị đám gà trắng thanh toán giết ngay khi cả bọn vừa lớn lên. Đó là một diễn biến tự nhiên của loài gà, được dẫn chứng qua nghiên cứu rất nhiều năm trong phòng thí nghiệm ngoài đời gà!
Sau khi gà con được cho vào hộp rồi, sẽ có xe chở hàng 18 bánh đưa gà về các trại nuôi. Thường các trại nuôi gà này nằm rất xa thành phố, Công ty Holly cho xây các trại nuôi gà rồi thuê người chăm sóc đám gà con từ lúc nhập trại đến lúc xuất chuồng. Những người chăm sóc các trại này chỉ bỏ thời gian lo cho gà ăn uống và làm sạch sẽ chuồng trại. Thức ăn của gà cũng do Holly cung cấp.
Sau 6 đến 7 tuần lễ, các xe 18 bánh quay trở lại đây để lấy gà thịt “xuất chuồng” về cơ sở giết mổ. Thường các chú gà đến tuổi làm thịt nặng trung bình từ 2 đến 2,5 kg. Riêng gà mái được chọn đẻ trứng thì phải nuôi đến 17 tuần, gà trống làm giống cũng được lựa chọn, được cho ăn tẩm bổ để làm phận sự gây giống. Một con gà trống giống Rooster được ưu ái cho hầu hạ 10 đến 15 gà mái giống Hen, đây là tỳ lệ lý tưởng vì gần như 99.9% trứng đẻ ra đều có trống.
White Rooster và White Hen
Trung bình một gà mái đẻ 250 - 270 trứng trong một năm. Và 99.9% trứng đều có trống nếu cho gà trống khẩu phần dinh dưỡng đúng mức. Nên nhớ là mỗi trứng muốn có trống thì gà mái phải được đạp mỗi ngày! Như vậy mỗi ngày gà trống phải làm phận sự gây giống trung bình từ 10 đến 15 lần.
Khi đến cơ sở giết mổ, tất cả gà sắp đem làm thịt đều bị treo ngược đầu, chân bị móc trên dây chuyền di chuyển vào bên trong, khi bị treo ngược đầu gà bị mất ý thức thăng bằng nên nằm yên không vùng vẫy. Holly cho biết ngày xưa quy trình giết gà bằng cách cho vô máy chặt đầu rồi treo gà ngược đầu xuống để máu chảy ra. Khi gà bị trảm như vậy, vài giây sau tim sẽ ngừng đập, máu không kịp chảy xuống hết theo trọng lực, do vậy thịt gà thành phẩm bán ra thị trường có chổ đen chổ trắng, chổ nào thịt hơi đen là do máu bị đọng lại, thịt gà như vậy sẽ bị khách hàng chê. Công nghệ giết mổ hiện đại sau này dùng một dòng điện cao thế làm cho gà bị làm choáng, hệ thống thần kinh bị tê liệt, liền sau đó gà mới bị trảm nhưng tim vẫn tiếp tục đập một thời gian ngắn nữa, máu sẽ kịp thoát ra khỏi thân gà nhờ vậy thịt gà luôn luôn trắng và dĩ nhiên sẽ làm hài lòng khách hàng.
Khâu kế tiếp là nhổ lông, cách xử lý là từng con gà trên móc, được đưa vào một phòng áp lực trong vòng 5 giây, lúc dây chuyền chạy ra khỏi phòng, thân gà không còn một cái lông nào. Phòng xử dụng hệ thống có nhiều vòi hơi áp lực cao, chỉ cần đưa con gà qua hệ thống hơi này là lông lá bay mất trong nháy mắt nhưng đặc biệt da gà vẫn không bị rách chút xíu nào.
Vì gà được nuôi thúc để bán thịt nên da gà rất mềm bở, nguyên con gà sẽ được dây chuyền nhúng vào nước đá lạnh có chứa chất sát khuẩn để da gà săn cứng lại trước khi đến tay các thợ mổ, tất cả các thợ mổ gà đều mang bao tay có lưới sắt giúp cầm chặt gà và cũng không sợ bị dao cắt đứt taỵ Gà được cắt mổ theo dây chuyền, người nào có nhiệm vụ cắt cánh gà thì cắt cánh, nhiệm vụ cắt chân thì cứ việc cắt chân, cắt hết con này đến con khác, hết ngày này qua tháng nọ không thay đổi…
Phần lòng gà nào tiêu thụ được thì xếp riêng, còn ruột, chân, đầu và lông gà là những thứ bỏ đi thì được chuyển qua khâu để chế biến thức ăn cho gà!
Bất cứ nhà máy giết mổ nào, con gà được tiêu thụ 100% có nghĩa là ngoài thịt bán ra thị trường thì không có một bộ phận nào của gà bị vứt bỏ. Tất cả lông lá ruột phèo đầu cẳng đều được dồn chung vào một nồi nấu khổng lồ, sau đó được đem xấy khô, xay nhuyễn, trộn thêm bột đậu nành, vitamins rồi đóng thành bao chở đi phân phối cho các trại nuôi gà. Vì đây là thứ dinh dưỡng tuyệt hảo cho gà. Gà được nuôi tại các trại sẽ chỉ ăn toàn loại thức ăn này, là chân cẳng ruột phèo lông lá đầu cổ của ông bà cha mẹ họ hàng anh em nhà gà!
Sau khâu chặt mổ rồi, các phần thịt sẽ được sắp xếp phân loại riêng như ức gà, đùi gà, cánh gà v.v.. tất cả được cho vào các vỉ bằng nhụa bọc nylon trong suốt để khách hàng có thể nhìn thấy khi chọn lựa mua tại các siêu thi. Nhưng tất cả các thứ này phải được đưa vào phòng lạnh để gia tăng thời hạn xử dụng hay làm đông cứng tùy theo yêu cầu từng khách hàng, trước khi cho lên xe hàng 18 bánh có máy lạnh chở đi phân phối.
Việc đông lạnh gà cũng có kỹ thuật riêng của nó. Tất cả các khay thịt gà được xếp theo thứ tự trên một xe đẩy lớn có nhiều tầng, sau đó xe được đẩy vào một phòng lạnh chỉ trong 3 phút mà thôi, nhân viên làm việc tại khâu cấp đông ăn mặc như người vùng Bắc cực, áo ấm rất dày loại áo liền quần, mang kính bảo hộ đầu cổ che kín vì phòng lạnh khổng lồ này không phải là một phòng lạnh bình thường, đây là phòng cấp đông cực mạnh, đứng bên ngoài người ta có thể nghe rõ tiếng xì từ những vòi hơi cực mạnh và cực lạnh nên khi thịt gà tiếp xúc với các luồng hơi lạnh như vậy, chỉ sau 3 phút miếng thịt gà sẽ lạnh cứng như đá. Hiện nay tại khâu này, nhiều cơ sở giết mổ đã dùng xe tự động thay cho người.
Đối với sản phẩm gà nguyên con thì trước khi đưa vào phòng cấp đông, gà được cho vào bao Nylon kín hơi, hút chân không, sau đó cho qua cấp đông, gà nguyên con cũng lạnh và cứng như đá. Trung bình từ khi các vỉ thịt gà rời khỏi cơ sở giết mổ đến khi được bày bán tại các siêu thị trung bình mất khoảng 3 đến 7 ngày.
Trước khi đến tay người tiêu dùng Mỹ, mỗi miếng gà đều đã được kiểm tra chất lượng, mức độ tươi và an toàn thực phẩm với hơn 300 lần kiểm tra khác nhau trong suốt quy trình chế biến.
Tổng hợp
ILIXX Admin