Tham gia tự bán hàng
ĐĂNG NHẬP





Quên mật khẩu?

THAM GIA TỰ BÁN HÀNG
THAM GIA

ĐĂNG NHẬP


Nhà cung cấp

Tổng sản phẩm

Tổng sản phẩm đã chọn

Tổng sản phẩm đã bán


Thương hiệu

Hàng độc

Đã sử dụng

Đồ cổ

Xả hàng ngày 25


Shop blogs


EVoucher


Tin của ILIXX



Tải App:


 TRANG CHỦ

 SHOP BLOGS

 TOP 99

 eVOUCHER

AI BIẾT?

Hôm nay : 21/11/2024 | 05:02:53PM


 

Nước hoa như thế này, mua không ?

Tài khoản đăng : ILIXX ADMIN
Đăng : 25/02/2021 | 07:30:16 PM
Lượt xem : 722




Thị trấn cổ Kannauj thuộc bang Uttar Pradesh, từ nhiều thế kỷ qua vẫn được xem là thủ phủ tinh dầu hoa hồng của Ấn Độ, tại đây có nhiều xưởng chế tạo chuyên nghiên cứu chế tạo nước hoa, được xem là loại “vàng lỏng” của riêng họ.

Mặc dù được trồng rải rác khắp Ấn Độ, nhưng giống hoa hồng Damask lại thích hợp với loại đất phù sa của sông Hằng cạnh thị trấn Kannauj. Cũng chính tại đây, suốt chiều dài 400 năm, những cánh hoa hồng Damask thơm nồng đã đi vào lịch sử chế tạo loại tinh dầu có gốc thực vật nhờ sử dụng một quy trình sản xuất nước hoa thuộc vào loại cổ nhất thế giới. Tại Ấn Độ, tinh dầu của Kannauj dùng xức thơm từ đền đài cung điện, dinh thự, nhà cửa, trang phục cho đến đưa cả vào thức ăn.

Mặc dù tinh dầu không còn hợp thời vào thế kỷ 21 nữa, nhưng các nhà sản xuất nước hoa tại Kannauj vẫn tiếp tục chế tạo theo cách làm truyền thống của mình loại hương thơm có từ thiên nhiên này.

Mùi thơm của tinh dầu

Mỗi ngày ông Tegh Singh đều đến trang trại trồng hoa của mình nằm bên bờ sông Hằng từ lúc sáng tinh mơ để hái những cánh hoa hồng trước khi trời sáng. Len lỏi vòng quanh những bụi hồng thuộc giống Rosa Damascena được trồng dày đặc bao quanh khu đất, Tegh Singh nhanh tay bẻ những cánh hoa màu hồng bỏ vào chiếc bao tải đeo trên vai. Vào thời điểm những tia nắng đầu tiên rọi xuống dòng sông, người đàn ông này đã cưỡi trên chiếc xe tay ga của mình, phía sau là bao tải cánh hoa, trực chỉ đến Kannauj, một thị trấn nhỏ được mệnh danh là “thủ đô nước hoa của Ấn Độ”.

Attar là tên gọi một loại nước hoa cổ của Ấn kỹ thuật chế tạo hoàn toàn bằng thủ công dựa vào kinh nghiệm, bắt đầu bằng việc đem trộn hoa vào nước hoặc dầu còn nước hoa hiện đại lại sử dụng cồn làm chất dung môi để dễ khuếch tán đơn giản chỉ vì giá rẻ. Tuy nhiên, theo truyền thống, tinh dầu phải được làm từ dầu của gỗ đàn hương vì điều này khiến cho tinh dầu có tính hấp thụ cao hơn. Một giọt nhỏ tinh dầu lên cổ tay hoặc xức sau vành tai, mùi hương dễ chịu thấm vào da có thể lưu lại đến vài ngày.

Ở vùng nông thôn xung quanh Kannauj, hoa hồng Damask được hái vào mỗi sáng sớm rồi được giao đến các xưởng sản xuất tinh dầu.

Một bao hoa hồng được giao tại xưởng M.L Ramnarain Perfumers, một trong khoảng 350 xưởng chưng cất vẫn còn hoạt động ở Kannauj.

Ở Kannauj người ta chưng cất tinh dầu bằng những vại lớn làm từ đất lưu vực sông Hằng. Tinh dầu Shamama là một phát minh độc đáo của Kannauj, hòa trộn 40 loại hoa, thảo mộc, nhựa cây khác nhau, phải mất nhiều ngày để chưng cất và nhiều tháng sau đó để ủ thơm đúng độ. Mùi hương Shamama kết hợp hài hòa giữa vị ngọt, thơm gia vị và khói. Các nhà sản xuất nước hoa nổi tiếng ở Châu Âu đều sử dụng tinh dầu Kannauj như một lớp dẫn xuất hương thơm có trong thành phần của nước hoa hiện đại.

Nghệ thuật làm nước hoa

Sớm hơn hai thế kỷ trước khi Grasse – một thương hiệu tại vùng Provence của Pháp, nổi lên là một nhà sản xuất nước hoa - ở Kannauj người ta đã pha chế ra được tinh dầu chỉ bằng phương pháp thủ công sử dụng bình chưng cất lớn đốt củi và phân bò!

Khác hẳn những thành phố hiện đại của nước hoa phương tây, những thành lũy đổ nát bằng đá sa thạch, những ngọn tháp có mái vòm hình củ hành, những cổng vòm hình vỏ sò gợi lại vẻ hùng vĩ thuở ban đầu của thị trấn Kannauj, là nơi đặt kinh đô của Đế chế Harshavardhana vào thế kỷ thứ sáu. Ngày nay khi đặt chân vào chợ Bada Bazaar ở Kannauj, có vô số mùi hương phảng phất trong không khí tỏa đến từ hàng chục cửa hàng bán nước hoa chạy dọc theo chợ. Những người bán bước ra, chào mời khách nhàn du bằng cách nhỏ một giọt nước hoa lên cổ tay của họ, nhắc nhở du khách biết rằng tinh dầu thơm sản xuất ra ở đây đã có từ thời Mughal, thế kỷ 16.

Đi tiếp vào những con ngõ hẹp của chợ, tinh dầu của Kannauj xuất hiện như từ thời trung cổ. Trong mê cung này, có những cửa hàng lâu năm chất đầy những chai lọ thủy tinh lớn nhỏ đủ cỡ, đựng đầy tinh dầu mà mỗi loại đều có mùi thơm khác nhau. Nhiều người đàn ông ngồi xếp bằng trên thảm, chỉ ngửi và xức thử nước hoa sau vành tai. Nền thương mại lâu đời ở đây chính là buôn bán tinh dầu nước hoa.

Tegh Singh đến, dỡ những bao tải hoa hồng xuống một sân lát đá trong xưởng chưng cất của nhà Kapoor. Ram Singh, một nghệ nhân làm tinh dầu lâu năm của xưởng, xúc những cánh hoa vò sơ qua bằng nước dồn tất cả vào một vại lớn bằng đất nung rồi cẩn thận lấy đất sét trám kín miệng vại. Khi nước trong vại bắt đầu sôi, hơi nước được chuyền vào một ống bằng tre qua nước lạnh rồi ngưng tụ vào chiếc bình đựng tinh dầu đàn hương đặt sẵn phía dưới, dầu này dễ dàng hấp thụ hơi nước ngưng tụ bão hòa hương thơm hoa hồng.

Sẽ phải mất khoảng năm đến sáu tiếng để những cánh hoa của Tegh Singh trở thành tinh dầu hoa hồng. Trong suốt quá trình này, Ram Singh luôn theo dõi, dùng tay kiểm tra nhiệt độ nước, lắng nghe tiếng rít của hơi nước để biết có nên cho thêm củi vào lò hay không. Ram Singh là một chuyên gia có kinh nghiệm về tinh dầu do làm việc này từ khi còn nhỏ. Quá trình này cũng được lặp lại vào ngày hôm sau với một mẻ cánh hoa hồng mới. Sau khi hoàn thành đủ khối lượng, tinh dầu hoa hồng sẽ được ủ vài tháng trong những cái chai bọc bằng da lạc đà chủ yếu để giữ ẩm.

“Những nhà chế tạo nước hoa giỏi nhất thế giới đã đi qua những con đường nhỏ hẹp ở đây, họ phải băng qua từng bãi bùn hay phân bò để tìm đến tinh dầu Kannauj. Chuyện kể như vậy xem ra có phần vô lý nhưng thực sự là như vậy”.

“Cả quá trình làm tinh dầu chỉ đơn giản như vậy, không có một cái đồng hồ đo nào, cũng không hề sử dụng điện” Pranjal Kapoor tự hào về những sản phẩm tinh dầu hoa hồng do xưởng mình chưng cất có thể sánh ngang với sản phẩm của những nhà sản xuất nước hoa hiện đại hàng đầu ở Pháp”.

“Sự khác biệt ở chỗ giống như người ta ninh đậu hầm trên một bếp lò ngoài trời dùng củi thay vì dùng bếp gas, vì thế hương vị món ăn sẽ hoàn toàn khác hẳn. Có một số người đã thử dùng bếp ga để làm tinh dầu nhưng đều không thành công”.

“Trong hợp chất tạo hương thơm cần hai thứ quan trọng, thứ nhất gỗ đàn hương - rất hiếm, nếu không có nó gần như không thể giữ lại được hương thơm quyến rũ, vậy mà hiện nay gỗ đàn hương được thay bằng parafin lỏng. Thứ hai, tinh dầu, thứ bây giờ lại bị coi là lỗi thời”.

Pranjal Kapoor – thế hệ thứ năm của nhà sản xuất M.L Ramnarain Perfumers, một trong những xưởng chưng cất tinh dầu lâu đời nhất vẫn còn hoạt động ở Kannuj – cho biết như vậy.

Mặc dù có rất nhiều loại tinh dầu được cung cấp ra thị trường, nhưng ở Kannauj người ta chỉ sản xuất sáu loại nước hoa. Bao gồm hoa hồng, bela, mogra, mehndi, hina shamama và mitti. Mặc dù được làm bằng kỹ thuật thủ công cổ truyền, tinh dầu hoa hồng cũng giống như “vàng lỏng” vì một ki lô giá có thể tới 3.000 đô la.

Lịch sử chưng cất 400 năm

Các loại nước hoa có nguồn gốc từ thực vật được biết đến sớm nhất là từ thời Ai Cập cổ đại, khi đó cây cỏ thực vật được nghiền nát và được trộn trực tiếp vào dầu làm nền. Quá trình chưng cất thực vật đầu tiên được thực hiện bởi một người Ba Tư tên Ibn Sina vào thế kỷ thứ 10, nhưng các cuộc khai quật khảo cổ ở Thung lũng Indus đã phát hiện ra những dấu tích còn thô sơ hơn, cho thấy việc chế tạo nước hoa cơ bản đã phát triển sớm hơn khi đó.

Mặc dù không có tài liệu chính thức nào đề cập đến nguồn gốc nước hoa ở Kannauj, nhưng nhiều người tin rằng nó bắt đầu tại Ấn Độ vào thời kỳ của người Mughals. Một số khác lại cho rằng nó đến từ việc thực hành nghi thức tôn giáo do những tu sĩ khổ hạnh đã đốt cháy rễ cây khiến mùi thơm tỏa ra lưu lại rất lâu sau khi lửa tắt, và cứ thế người ta đã liên tục thử nghiệm với các loại cây cỏ cho đến khi tìm ra được các cung bậc mùi hương phù hợp nhất.

Vào thế kỷ 15, Gyatri Shahi, người cai trị Vương quốc Hồi giáo Malwa ở miền trung Ấn Độ, đã viết Ni’matnama, bản dịch tiếng Anh gọi là Book of Delights, trong đó mô tả kỹ lưỡng thế giới hương thơm trong sinh hoạt cộng đồng.

Đến thế kỷ 16 hình thành Đế chế Mughal tại tiểu lục địa Ấn Độ, Quốc vương Mughal đầu tiên là Barbur, đã suy tôn hương thơm nhờ nó mang lại cảm giác nhẹ nhàng thư thái khiến Quốc vương thỏa mãn, từ đó hương thơm được lan tỏa trong các sảnh đường của Mughal suốt hai thế kỷ tiếp theo.

Con trai của Quốc vương Barbur là Akbar, lại tổ chức một nhóm người chỉ chuyên nghiên cứu mùi hương để đưa vào ẩm thực. Ain-e-Akbar, hay còn gọi là Hiến pháp của Akbar, trong đó có đoạn mô tả chi tiết về những nhận xét của nhà vua khi thoa tinh dầu thơm lên cơ thể mình, hoặc tẩm thơm nhà cửa đồ đạc bằng nước hoa. Các nữ hoàng và cung nữ mỗi người cũng thích đeo quanh cổ một lọ thủy tinh nhỏ chứa đầy tinh dầu.

Theo truyền tụng, thị trấn Kannauj đã học nghệ thuật làm nước hoa dưới thời Quốc vương Mughal Jahanghir. Hoàng hậu Noor Jehan, thường tắm trong nước được tẩm thơm bằng hoa hồng, sau đó một số người bắt đầu tìm cách làm ra dầu thơm từ những cánh hoa hồng rồi phát triển nó trở thành một sản phẩm đặc biệt cho hoàng gia. Noor Jehan và mẹ của bà đã từng đích thân chọn dùng những loại nước hoa mới được phát triển ở Kannauj. Quốc vương Mughal Jahanghir và hoàng hậu Noor Jahan – những người đã tiếp tục công cuộc xây dựng đền Taj Mahal - được coi là hoàng gia đầu tiên bảo trợ cho Kannauj.

Những người thợ làm nước hoa bỏ cánh hoa vào một vại lớn bằng đất. Miệng được đóng kín bằng đất sét trộn hoa nghiền nát tạo ra một miếng đệm chắc chắn cho miệng vại.

Sau khi người thợ đóng kín miệng vại, lửa được nổi lên. Hơi nước thoát ra từ vại được chuyền theo ống tre qua nước lạnh, hơi ngưng tụ trong một chiếc bình chứa tinh dầu đàn hương đặt phía dưới sẽ hấp thụ hơi nước bão hòa mùi hương hoa hồng. Sau khi sản phẩm cuối cùng được hoàn tất, tinh dầu hoa hồng được ủ vài tháng trong chai bọc da lạc đà để giữ ẩm.

Là một ngành thương mại từng phát triển rực rỡ nhưng do thiếu đổi mới có lẽ đây là một trong những lý do khiến nước hoa tổng hợp dễ dàng áp đảo ngành công nghiệp bản địa. Nếu một lọ nhỏ 10cc nước hoa tự nhiên giá 100 Rs, thì nước hoa tổng hợp chỉ có giá 20 Rs. Nước hoa tự nhiên có hương thơm và sử dụng lâu hơn nhưng người mua khó có thể phân biệt được hai loại, vì vậy nước hoa tự nhiên cuối cùng lại là kẻ thua trong cạnh tranh về giá. Nước hoa tổng hợp còn chiếm lĩnh ngành công nghiệp làm đẹp cũng như các ngành thủ công nghiệp nhỏ khác như sản xuất nhang. Bên cạnh cũng còn nhiều vấn đề khác chẳng hạn diện tích đất đai trồng trọt đang bị thu hẹp khiến việc trồng hoa ngày càng gặp khó khăn. Hiện nay hầu như không có gia đình mới nào bước chân vào làm tinh dầu nước hoa, tuy vậy cũng có gần 1.500 người đang trực tiếp tham gia trong các xưởng sản xuất tinh dầu của thị trấn.

Tùy vào từng mùa hoa, Kannauj sản xuất gần 8.000 - 10.000 thùng, mỗi thùng chứa 200 lít tinh dầu. Nước hoa có mặt ở hầu hết các bang của Ấn Độ nhưng việc kinh doanh lớn chỉ được thực hiện bởi một số ít nhà buôn có tiềm lực mạnh. Mặc dù được xuất khẩu đến các quốc gia vùng Trung Đông, được sử dụng rộng rãi giữa các cộng đồng Hồi giáo tại nhiều địa phương, một số đến tận Châu Âu và Mỹ, nhưng không có dữ liệu nào ghi nhận rõ ràng thông tin về thị trường. Nhìn chung tinh dầu được xuất khẩu sang gần 50 quốc gia và khắp Ấn Độ nhưng thị trường tổ chức lỏng lẻo và không có bất kỳ thống kê nào.

 

Tổng hợp

ILIXX Admin

BÁO THÔNG TIN XẤU









CHIA SẺ





LIKE VÀ THEO DÕI ILIXX TRÊN FACEBOOK
Ý KIẾN


THÊM Ý KIẾN




BÀI VIẾT KHÁC


CÁC ĐỐI TÁC THƯƠNG HIỆU UY TÍN



CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

© Bản quyền 2018 của ILIXX.COM