Tham gia tự bán hàng
ĐĂNG NHẬP





Quên mật khẩu?

THAM GIA TỰ BÁN HÀNG
THAM GIA

ĐĂNG NHẬP


Nhà cung cấp

Tổng sản phẩm

Tổng sản phẩm đã chọn

Tổng sản phẩm đã bán


Thương hiệu

Hàng độc

Đã sử dụng

Đồ cổ

Xả hàng ngày 25


Shop blogs


EVoucher


Tin của ILIXX



Tải App:


 TRANG CHỦ

 SHOP BLOGS

 TOP 99

 eVOUCHER

AI BIẾT?

Hôm nay : 23/10/2024 | 04:40:22AM


 

Thưởng thức Cognac như một quý ông sành điệu

Tài khoản đăng : ILIXX ADMIN
Đăng : 13/02/2021 | 10:35:25 PM
Lượt xem : 696




Chắc chắn có lúc quý bạn sẽ tham dự một buổi tiệc rượu thân mật, cơ hội thường đến từ việc tham dự một tiệc tối thân mật do bạn bè hoặc đồng nghiệp chiêu đãi, tiệc rượu với những khách hàng thân thiết nhất, kể cả một tiệc tối trong không khí gia đình thân thuộc. Và trong những dịp như vậy quý bạn nên chứng tỏ mình là một quý ông sành điệu trong mắt mọi người.

Trước hết xin nói rõ Cognac là một loại rượu cất từ nho, tên gọi chung là Brandy. Tuy vậy, chỉ Brandy làm từ vùng Cognac bên Pháp mới được gọi là Cognac. Còn nếu Brandy làm từ nơi khác ví dụ có thể được làm từ vùng Armagnac ở Pháp hay ở California chẳng hạn thì không được dùng tên gọi Cognac.

Thị trấn Cognac nằm ở phía Tây Nam cách thành phố Paris khoảng 200 miles bên bờ sông Charentes, bao gồm sáu quận: Grande Champagne, Petite Champagne, Fin Bois, Bois Ordinaire và Borderies. Xin phân biệt Champagne ở đây là tên một quận thuộc thị trấn Cognac, chớ không phải là Champagne ở vùng Đông Bắc Paris gồm có Reims, Epernay, v.v. là nơi sản xuất loại rượu nổi tiếng Champagne.

Thưở xưa tại đây, có một thương gia Hà Lan gốc Đức tên là Den Helkenwijk chuyên buôn rượu chát từ Pháp sang Hà Lan, trong những năm tháng làm ăn thua lỗ triền miên, ông lại sáng tạo ra cách chưng cất cách thủy rượu chat thành một loại rượu mạnh hơn về nồng độ và có thể tích ít hơn, nhờ vậy mà giảm bớt được nhiều chi phí vận chuyển. Loại rượu chưng này, tiếng Hà Lan gọi là brandewijin (burned-wine, rượu có thể đốt được, đốt rượu), về sau thịnh hành hơn với tên gọi Brandy.

Nho dùng trong Cognac là loại Ugni blanc, Colombard. Còn nho dùng trong các rượu vang thường là Cabernet Sauvignon, Merlot Chardonnay, Pinot Noir, Syrah, hoặc Riesling. Chỉ khi nào dùng 100% nho trồng ở quận Grande Champagne thì Cognac mới đề ngoài nhãn là “Grande Champagne”, còn “Fine Champagne” thường thấy đề trên nhãn một số rượu như Remy Martin chẳng hạn thì chỉ có khoảng 50% nho của Grande Champagne, phần còn lại là nho ở vùng Petite Champagne. Nhưng hai quận này có gì đặc biệt để phải phân biệt chúng với nhau? Tất cả là do cái “hương thơm” của nho trồng ở hai nơi đó. Chúng ta ai cũng đều biết rằng trong việc ăn uống, ta thường đánh giá trên ba điểm chính: Sắc, Vị, Hương trong đó Hương là khó nhất. Các hãng sản xuất nước hoa là một thí dụ điển hình: chỉ cần một mùi hương độc đáo thôi là đã lôi kéo về biết bao khách hàng.

Cognac phải được chưng cất đến hai lần trong các nồi cất bằng đồng đốt trực tiếp bằng lửa ngọn. Sản phẩm do lần cất thứ nhất cho khoảng 30% alchohol. Đến lần thứ nhì, ta được khoảng 70% alchohol. Mỗi lần cất như vậy lâu khoảng 12 tiếng. Phần đầu và phần cuối của sản phẩm này đều không dùng, chỉ phần giữa là được giữ lại để ủ trong các thùng chứa bằng gỗ sồi (oak) lấy trong rừng thiên nhiên Limousin hay vùng rừng nhân tạo Troncais. Xin lưu ý ở đây là Cognac ngon hay không ngon cũng là nhờ giai đoạn ủ trong các thùng này, để lám thùng, người ta không được dùng đinh hay keo, thùng gồm các mảnh gỗ sồi phải được chẻ bằng tay chớ không dùng cưa để xẻ và được bó chặt với nhau bằng các đai kim loại. Cognac đựng trong các thùng này, tuy rất kín, vẫn bị mất khoảng 3% do bay hơi mà dân Pháp gọi phần này là “Rượu của các thiên thần”. Chính trong khi ủ trong thùng bằng gỗ sồi này mà Cognac hấp thụ cả màu sắc lẫn hương thơm từ gỗ.

Thùng gỗ sồi chứa rượu

Rượu brandy sau khi chưng cất có màu trắng trong và vị cay do nồng độ rượu rất cao, thường là trên 40 độ cồn. Người dân vùng Cognac cất giữ loại rượu đã chưng này trong các thùng tônô dung tích 350 lít, được đóng bằng loại gỗ sồi đặc biệt mọc ở cánh rừng Limousin phía Bắc vùng Cognac.

Những cây sồi phải có độ tuổi trên 100 năm mới được hạ xuống đóng thùng. Những cây non hơn sẽ cho chất lượng rượu không đảm bảo. Thợ đóng thùng cưa gỗ thành những thanh dài, phơi trong bóng râm sau 3 năm mới đóng thành thùng để cung cấp cho các lò rượu. Gỗ của cây sồi có thớ mịn, không thấm nước và chứa nhiều chất tannin, chính chất này sẽ tạo nên hương vị và màu sắc riêng của rượu cognac, không nhầm lẫn với các loại rượu khác trên thế giới.

Quá trình các chất có trong gỗ sồi của thùng tác động lên rượu xảy ra ngay từ những ngày đầu rượu được đưa vào thùng chứa. 5 năm đầu chất tannin của gỗ sẽ tác động mạnh với acid có trong rượu và tiến trình này giảm dần theo thời gian. 5 năm tiếp theo cho rượu từ màu vàng nhạt chuyển thành màu nâu sẫm hổ phách. Quá trình này cũng làm lượng rượu bị hao dần từ 3 đến 4% thể tích. Phần rượu bị tiêu hao này, theo các chủ lò rượu là "phần của các thiên thần giữ cửa". Càng để lâu, lượng rượu hao hụt càng nhiều nên niên hạn của rượu được khống chế trong một thời lượng nhất định không thể để quá lâu. Theo các chuyên gia về rượu, những chai "xịn" của các hãng rượu cognac lừng danh có thể lên tới trên dưới 50 năm tuổi thọ nhưng hầu hết là do rượu lấy ra trong các thùng gỗ sồi khoảng 10 năm tuổi được đóng vào chai rồi tiếp tục để chai dưới hầm rượu thêm vài chục năm sau nữa.

Mỗi thùng được đánh số thứ tự và năm đưa rượu vào thùng, sau đó chuyển xuống các hầm chứa. Hầm càng sâu càng tốt, vì ở đó ít ôxy không làm rượu bị chua. Sau một niên hạn khá dài, rượu sẽ được lấy ra khỏi thùng và đóng vào chai. Căn cứ vào năm đã ghi trên vỏ thùng khi đưa rượu vào so sánh với năm lấy rượu ra, các hãng sẽ ghi tuổi rượu trên nhãn mác của sản phẩm khi bán ra thị trường.



Một số ký hiệu của rượu như :

- 3 Stars, V.S. ("3 sao", viết tắt từ Very Superior): loại rượu tương đối trẻ tuổi, từ 3 đến 5 năm. Giá rẻ, được tiêu thụ nhiều.
- V.S.O.P. (Very Superior Old Pale): Tuổi từ 7 đến 10 năm. Màu vàng nhạt. Giá vừa phải nên rất được ưa chuộng trong cả giới bình dân và quý tộc.
- Napoleon: Tuổi trên 10 năm. Chữ Napoleon ở đây không liên quan gì đến hoàng đế Napoleon của Pháp, mà chỉ mang nghĩa là "Vua rượu".
- Cordon Blue, Anniversary, Reserve Prince Hubert: Chất lượng tương tự Napoleon.
- X.O., Extra Old : loại đặc biệt quý hiếm, tuổi cỡ 45 năm trở lên.

Một số hãng nấu rượu nổi tiếng như:

- Bisquit Dubouche: thành lập năm 1819 tại Janac, một trong tứ trụ của làng rượu Cognac. Hãng có các loại rượu: 3 Stars, V.S., V.S.O.P, Napoleon Fine Champagne, Extra Vieille.

- Camus: thành lập năm 1863 với tên Grande Marque, đến 1930 đổi thành Camus. Các loại rượu: 3 Stars, V.S., V.S.O.P., Napoleon, Hors d’Age và Reserve Extra Vieille (hiếm quý), Chateau D’uffaut Grande Fine Cognac, Chateau Plessis Extra Fine (nổi tiếng, đặc biệt hiếm gặp, nhiều người chỉ được nghe chứ chưa bao giờ nhìn thấy).

- Courvoisier: thành lập năm 1899, là hãng duy nhất trong những hãng ở đây không trực tiếp sản xuất rượu, chỉ mua lại các hầm rượu của các hãng khác về pha chế theo bí quyết riêng để tạo ra các loại rượu khác nhau bán ra thị trường. Nổi tiếng với nhãn hiệu Johnnie Walker, một nhãn hiệu khá bình dân và được tiêu thụ mạnh. Ngoài ra hãng còn sản xuất các loại 3 Stars, V.S.O.P., Napoleon, Extra Vieille.

- Delamain: Thành lập năm 1759. Năm 1824 đổi tên thành Roullet & Delamain. Có các loại rượu có 3 Stars, Liquid Gold, V.S.O.P., Long Drink, Pale and Dry Grande Delamain (30 tuổi), Vesper Tres Vieille, Tres Vieux Cognac de Grande Delamain (cực hiếm).

- Hennessy: một trong tứ trụ của làng cognac, ra đời năm 1865, sử dụng biểu tượng cánh tay vung rìu sắt. Có các loại rượu: Bras Arme, V.S.O.P., Bras d’Or, X.O. (tương đương V.S.O.P.), Extra.

- Martell: thành lập năm 1715, thuộc loại cha truyền con nối. Có các loại rượu: Dry Pale, V.S. (tương đương 3 Stars), Medaillon V.S.O.P., Cordon Blue, Cordon d’Argent (tuổi khoảng 35), Extra Vieille Martell (tuổi 45 trở lên).

- Otard: thành lập năm 1795, có các loại rượu: Stars, V.S., Baron Otard V.S.O.P. Fine Cognac, Prince de Cognac (tuổi trên 25 năm), Charles X (cực hiếm).

- Polignac-Unioop: thành lập năm 1925, chủ yếu bán cho giới bình dân. Hãng có các loại: 3 Stars, V.S. (tương đương Courone), V.S.O.P. Fine Cognac, Dynaste Grande Fine Cognac (rất hiếm).

- Remy Martin: một trong tứ trụ làng cognac và là hãng rượu lâu đời nhất, thành lập năm 1724. Hãng chỉ có các loại rượu V.S.O.P. (5 tuổi trở lên), Lancet d’Or, Grande Reserve, Vieille Reserve, Age Inconnu, Lancet d’Or Grande Cognac, Louis XIII Grande Cognac (tuổi khoảng 25 năm).

- Armagnac: Là một vùng núi cao cách Charete hơn 100 km. Ở đây sản sinh loại rượu không gọi bằng tên Cognac mà mang tên quê hương của nó là Armagnac. Đặc tính của rượu Armagnac do loại cây sồi ở đây tạo ra, gỗ sồi có màu đen hơn (black oak) khiến ủ rượu ít năm hơn Cognac vẫn cho màu sắc và hương vị như rượu vùng Cognac lâu năm. rượu Armagnac gồm: Marquic de Montesquio, Lafontan, Malliac, J. Gauvin, Iles des Ducs, Larressingle, Kressmann, Domains Boingneres, San Gil, Condom, Pacherene.

Bắt đầu thưởng thức Cognac

“Thú” là sự vui thú của mỗi người khi làm một việc nào đó, chẳng hạn thú chơi đàn, thú đánh cờ, thú chụp hình, thú sưu tầm tem, thú uống rượu, thú uống trà, v.v... Còn “nguyên tắc” là những quy định để làm nền tảng. Riêng trong mục trà rượu, mặc dù nguyên tắc chẳng qua chỉ là kinh nghiệm hoặc kết quả tìm hiểu của kẻ đi trước, của người sành điệu, nhưng nếu ta nắm vững và tuân theo, chắc chắn khi uống rượu, uống trà sẽ cảm thấy thú vị hơn là uống vô nguyên tắc. Nhất là đối với rượu cognac – loại rượu hiếm quý nhất trên trần đời – thì lại càng cần nên biết nguyên tắc.

Mặc dù là rượu mạnh, nhưng do có nguồn gốc từ nho, rượu Cognac thường được thưởng thức bằng loại ly có hình hoa tuy líp. Loại ly này, thân bầu nhưng miệng nhỏ, giúp cho hương vị tinh tế của Cognac được lưu lại lâu hơn và cũng tôn được màu sắc cũng như độ trong của rượu.

Lượng Cognac rót ra trên các ly loại to thường chút ít một, đủ để chiếc ly khi đặt nằm ngang trên mặt bàn cũng không sánh rượu ra ngoài. Khi cầm ly nên dùng lòng bàn tay ôm dưới mặt đáy của ly, sức nóng từ cơ thể con người truyền sang giúp cho hương thơm của rượu nổi bật hơn. Khi đưa ly lên mũi sẽ cảm nhận được mùi ban đầu. Khi lắc nhẹ ly sẽ cảm nhận được độ sánh, độ trong của rượu và hương thơm trở nên mạnh mẽ hơn. Khi chạm lưỡi vào Cognac, từng chút một, người thưởng rượu sẽ cảm nhận được toàn diện cái ngon của sự kết hợp hài hòa giữa hương thơm đậm đà và vị rượu đặc biệt, độc nhất vô nhị, không lẫn với các loại rượu khác trên thế giới. Rượu Cognac, ngoài cách uống nguyên chất như trên, còn có thể được pha với các loại nước có gas hay tonic để làm các loại nước giải khát hoặc khai vị có những hương vị đặc biệt.

Uống Cognac kiểu Việt Nam.

Thường thì người Việt uống Cognac pha với Soda hay nước suối có gas như Perrier, thêm vài cục nước đá, uống như là rượu vang trắng. Có lẽ tại Việt Nam xứ nóng nên thường pha với nước đá. Rót rượu cognac pha soda cũng cần theo đúng thứ tự lớp lang bài bản: bỏ nước đá vào ly trước, sau đó mới rót cognac lên trên, sau cùng mới rót soda vào. Uống cognac nguyên chất thì phải từ tốn, chậm rãi nhưng uống cognac pha soda lại không nên “câu giờ” vì hương vị rượu sẽ bị chất gas trong soda “cuốn theo chiều gió”! Xin nói thêm là ngay cả dân Pháp cũng uống pha với nước lạnh và bên Ăng-Lê uống Cognac pha với Coca-Cola. Uống thế nào mình thấy hợp khẩu vị là được.

Thú uống Cognac nguyên chất (không pha thêm nước, cũng không có nước đá) – Rót Cognac lên nước đá cục gọi là “on the rock”, nhưng chỉ dùng loại VS, VSOP hay Napoléon thôi, chứ XO hay Extra mà pha như vậy e làm uổng phí mất phần hương, bớt mất phần vị, mà ngay cả phần sắc cũng mất, nhưng như đã nói ở trên “uống thế nào mà ta thấy ngon là được” nhưng nên nhớ đây mới là điểm chính: cốt tủy của việc uống rượu không phải là “uống” mà là “nói”, nói tùm lum chuyện, nói ba hoa thiên địa trên tinh thần “phe ta gặp nhau” là chính, nên cứ phải từ tốn, cái chính yếu là “gặp được nhau”, sau khi nói đã đời rồi thì mới “ực” một cái.

Nếu quý bạn nào chưa có thói quen uống, xin đề nghị bắt đầu từ loại rẻ nhất (VS), hãy uống pha với Perrier chứ đừng dùng Club Soda hơi đắng, hay pha với nước lạnh cũng được, rồi leo lần lên bằng cách uống các loại đắt hơn một chút (VSOP), cũng pha với Perrier, sau đó hãy thử uống kiểu không pha gì hết mà chỉ với nước đá kiểu “on the rock” mà thôi. Rồi thử uống nguyên chất với loại đắt tiền Napoleon hay XO xem sao. Sau đó quý bạn tự biết sẽ uống như thế nào là hợp với khẩu vị của mình. Xin nhắc là vì MÌNH uống cho MÌNH nên loại nào quý bạn cũng thấy NGON hết.

Còn uống Cognac lúc nào thích hợp nhất thì: Nếu uống với Perrier thì uống như rượu vang trắng từ đầu tới mãn cuộc vui cũng quá đủ. Nhưng nếu uống nguyên chất thì nên sau bữa ăn, sau khi uống Port (rượu ngọt), sau khi uống trà hay cà phê xong, sau khi đã uống liqueurs như Cointreau hay Grand Marnier, thì uống Cognac bấy giờ mới ngon nhất, tán dóc thêm một lát rồi từ giã ra về.

Uống Cognac kiểu Tây:

Trong lãnh vực ẩm thực, uống đối với người phương tây quan trọng ngang hàng với ăn cho nên họ đã đưa ra nguyên tắc dùng các loại rượu như sau:
- Trước bữa ăn: uống rượu khai vị (aperitif), thường là sâm-banh (champagne) hay các loại như vermouth (liqueur làm bằng vang trắng và thảo mộc), như Dubonnet, Martini, Campari..., hoặc có thể bất cứ loại rượu mạnh nào dưới hình thức pha cocktail. Ngày nay, một hai ly bia cũng được xem là một cách khai vị.
- Trong bữa ăn: đương nhiên phải là vang đỏ hoặc vang trắng.
- Tráng miệng: các loại rượu nho ngọt (nồng độ từ 17 tới 20%), phổ biến nhất là các loại sherry, port và madeira (một loại rượu ngọt của Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha).
- Sau bữa ăn (after-dinner): được gọi là “digestif” để đối lại với “aperitif”, nghĩa là các thức uống sau cùng với mục đích giúp việc tiêu hóa thêm dễ dàng. Trong khi aperitif được uống khi “chưa ngồi vào bàn ăn”, thì digestif thường được uống “sau khi đã rời khỏi bàn ăn”.

Thông thường, sau khi bữa ăn chấm dứt, trong lúc các bà lo dọn dẹp thì các ông kéo nhau ra phòng khách (giới quý tộc, thượng lưu thường vào phòng đọc sách ) để uống digestif và nói chuyện “phe ta” với nhau. Đây là lúc ông chủ nhà khoe các loại rượu “uống chơi”, gồm cognac và các loại liqueur có nồng độ cao như Cointreau, Grand Marnier, Benedictine, Chartreuse..., và dĩ nhiên không thể thiếu những điếu xì-gà gộc!

Theo tác giả Alec Waugh, nếu đó là một bữa ăn tối trịnh trọng ở Pháp, Anh hay Hoa Kỳ, thức uống khi “phe ta” nói chuyện ấy sẽ là và luôn phải là cognac.

Mà tại sao lại là Cognac?

Bởi vì cognac là loại rượu “cao cấp” nhất, nên phải thưởng thức sau cùng để cho buổi tối được trọn vẹn, và khi ra về khách vẫn còn thấy... thơm miệng!

Sắc, hương và vị :

Để tận hưởng “sắc, hương và vị” của cognac, cả chủ lẫn khách phải là người sành điệu.
- SẮC: muốn thưởng thức trọn vẹn “sắc” của Cognac, bắt buộc phải uống bằng ly pha-lê. Không thể lập luận rằng “kiểu nào uống cũng vào bụng, ly nào mà chẳng giống nhau!”. Ly pha-lê sẽ khiến sắc rượu trở nên óng ánh hấp dẫn bội phần.
- HƯƠNG: phải uống Cognac bằng ly bầu chân ngắn, bụng ly phình ra, miệng ly túm lại. Rượu chỉ rót đến 1/3 ly, sau đó từ từ xoay ly theo một góc nghiêng hoặc lắc nhè nhẹ cho rượu sánh lên thành ly để toàn bộ hương thơm bốc lên. Tuy nhiên, khi đưa ly lên để thưởng thức hương rượu, không được kê sát lỗ mũi và hít mạnh vì như thế mùi nồng sẽ át mùi thơm, mà chỉ nên để ly ở phía dưới mũi khoảng 5 cm và đưa qua đưa lại cho hương thoảng lên.
-VỊ: sau khi đã ngắm sắc, ngửi hương thì mới tới vị, không nên thưởng vị Cognac một cách bộp chộp, hấp tấp mà trước hết, phải “thử” để biết “nàng” ra làm sao cái đã: đưa ly rượu lên nhắp một cái, vừa đủ để thấm môi, ướt lưỡi, nuốt xong khẽ chép miệng một cái như đánh giá, rồi đưa ly lên ngắm rượu một lần nữa, sau đó mới uống một ngụm vừa phải, ngậm trong miệng một chút rồi dùng lưỡi quay từ từ để đưa rượu tới từng kẽ răng, sau cùng ực một cái thật nhanh, hương rượu sẽ hừng hực bốc lên mũi, vừa nồng vừa thơm, đó mới chính là lúc “đã” nhất!

Tuy nhiên đến đây chưa phải là chấm dứt mà cần để ra một khoảng thời gian thưởng thức cái dư vị của rượu còn lại trong miệng, rồi mới uống ngụm kế tiếp. Chính ở giữa những ngụm rượu ấy là những câu truyện lúc “trà dư tử hậu” đầy thú vị.

Trên đây là uống cognac sau bữa ăn để kết thúc một buổi họp mặt. Ngoài ra, cognac cùng với các loại liqueur còn được người tây phương “uống chơi”, có nghĩa là uống bất cứ lúc nào ngoài bữa ăn, uống một mình khi cảm thấy thèm, nhớ, hoặc uống với bạn tri kỷ, uống với khách quý...

Tưởng cũng nên nói một chút về một vài “kiểu cách” trong việc uống Cognac mà tác giả Alec Waugh, sau khi tới tận nơi làm Cognac tìm hiểu đã cho là vô lý và “rởm”. Chẳng hạn việc hâm rượu và uống bằng những cái ly khổng lồ. Ngày xưa, một số người cho rằng rượu cognac được hâm nóng thì uống ngon hơn, từ đó mới sinh ra thông lệ hâm rượu, riêng giới thượng lưu, quý tộc còn đặt thợ thiết kế các bếp lò đặc biệt để sử dụng vào việc hâm cognac và hơ nóng ly trước khi rót rượu vào. Đồng thời, vì cho rằng uống cognac trong ly càng lớn càng ngon, người ta đã làm những cái ly bầu khổng lồ. Trường hợp không hâm rượu, hơ ly thì người ta sử dụng cả hai bàn tay chà xát ngoài thành ly để cho rượu nóng lên.

Nhưng Alec Waugh cho biết tất cả những việc trên chỉ mang tính cách “trình diễn”. Còn trên thực tế, nếu uống rượu cognac ở những xứ lạnh thì hơi ấm từ lòng bàn tay truyền qua ly cũng đủ để rượu đạt được nhiệt độ lý tưởng rồi, và chỉ cần một bàn tay thôi cũng đủ. Vì thế, kích thước của ly uống cognac chỉ nên vừa phải, làm sao nằm gọn trong lòng bàn tay. Hơn nữa, việc sử dụng những cái ly quá lớn còn khiến hương thơm của cognac bay mất trước khi kịp uống cạn ly!

Tóm lại, uống rượu gì cho hợp và uống cách nào cho đã là hoàn toàn tùy thuộc sở thích và thói quen của mỗi người, mỗi “tần số”, miễn sao cảm thấy ngon, thấy vui là được. Tuy nhiên bên cạnh đó, uống loại rượu nào cũng cần phải theo một số nguyên tắc riêng để tận hưởng cái tinh túy của rượu và để người khác thêm nể phục. Riêng về cognac, ngoài những gì đã kê ở trên, xin thêm một vài điều như sau: Nếu đã uống cognac kiểu tây, tức là uống chơi hoặc uống sau bữa ăn, có thêm được điếu xì-gà Tampa đi kèm thì thật là tuyệt. Loại xì-gà nổi tiếng này có gốc gác ở La Havana (Cuba) nhưng khi được sản xuất tại Tampa, tiểu bang Florida nó đã được “Mỹ hóa”, tức là điếu nhỏ hơn, thuốc nhẹ hơn và thơm hơn. Trường hợp uống cognac mà không ăn kèm bánh kẹo thì nên dùng loại Tampa “sweet”, ở đót bằng gỗ của điếu xì-gà có tẩm đường mật, thì không còn gì hợp và trọn vẹn cho bằng!

Cuối cùng là một mẹo vặt: Nếu uống cognac nguyên chất, không nên rửa ly ngay mà nên để tới ngày hôm sau; không phải để cho các thiên thần “uống thừa” mà để tận dụng hương thơm còn sót lại trong ly; các vỏ chai cognac cũng không nên quăng vội vào thùng rác mà cứ để ở góc nhà. Sáng hôm sau thức dậy, ngửi mùi cognac thoang thoảng, nhớ lại tiệc vui đêm qua mà hồn lâng lâng lại nhớ đến Cognac!

"Người sành rượu phải tri kỳ vị (biết vị của rượu); tri kỳ hương (biết hương thơm của rượu); tri kỳ ảo (biết sự huyền ảo); tri kỳ linh (biết cái hồn của rượu)...”. Nghĩa là để thưởng thức rượu ngon – trong đó có Cognac - chúng ta cần có sự hiểu biết, biết càng nhiều càng thấy rượu ngon hơn.

 

Tổng hợp

ILIXX Admin

 

BÁO THÔNG TIN XẤU









CHIA SẺ





LIKE VÀ THEO DÕI ILIXX TRÊN FACEBOOK
Ý KIẾN


Thịnh_OT | 17/02/2021 19:54:02

sành rượu có khác

Trương An | 13/02/2021 20:27:08

Thích nhâm nhi Cointreau với đá cục, hèn gì khi uống vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì đó mà không tìm ra lời giải, mùi xì gà thơm nhưng tôi không hút thuốc nay mới biết là uống kèm với kẹo như sô cô la.

THÊM Ý KIẾN




BÀI VIẾT KHÁC


CÁC ĐỐI TÁC THƯƠNG HIỆU UY TÍN



CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

© Bản quyền 2018 của ILIXX.COM