Vay ngân hàng 2.000.000 Mark Đức đốt chơi.
Tài khoản đăng : ILIXX ADMIN
Đăng : 08/12/2020 | 10:03:38 PM
Lượt xem : 750
Thế giới thuộc về những người lạc quan tràn đầy năng lượng và nếu họ cũng là người biết mơ mộng thì trong mắt họ thế giới đẹp vô cùng.
Nhưng có ai dám dốc tiền triệu đô la, hết năm này qua năm khác chỉ để thỏa mãn thú vui ham mê đồ chơi như thuở còn là con nít? Có lẽ chỉ những ai thuộc loại điên rồ nhất mới dám làm điều này.
Frederik và Gerrit Braun là hai anh em song sinh người Đức, tự nhận họ - dưới mắt nhiều người - đúng là loại người vừa mơ mộng vừa điên rồ nhất hạng, cả hai đã bắt tay cùng hoàn thành xây dựng nhiều mô hình lớn nhất thế giới, cốt để chỉ thỏa mãn những mơ ước từ thuở bé.
Ngoài Frederik và Gerrit Braun có lẽ phải kể thêm những kẻ thuộc loại điên nặng hơn ở ngân hàng Hamburger Sparkasse, nơi đã nhanh chóng chấp thuận khoản vay trị giá 2 triệu Mark Đức, cho dự án xây dựng mô hình một tuyến đường sắt đồ chơi của hai anh em nhà Braun!
Frederik tự biết dự án của mình sẽ gặp nhiều thách thức về công nghệ, dưới quan điểm của một doanh nhân là hết sức điên rồ nhưng về tổng thể thì điều này là có thể nên cả hai quyết định dấn thân vào cuộc mạo hiểm này, sau đó có thêm một đối tác kinh doanh NighClub của họ là Stephan Hertz, cũng là một tay có hạng về chơi mô hình chuyển động. Khởi đầu của toàn bộ Miniatur Wunderland tại thành phố Hamburg đã bắt đầu như thế.
Riêng mô hình sân bay có tên gọi Knuffingen dựa trên sân bay quốc tế Hamburg, trải trên diện tích 150 m² thật ngoạn mục, sử dụng tới 40.000 bóng LED, 15.000 tượng nhỏ, 500 ô tô, 10.000 cây xanh, 50 đầu xe lửa, 1000 toa xe, 100 đèn tín hiệu, 300 tòa nhà và 40 máy bay là phần hấp dẫn nhất của toàn bộ Wunderland xét từ quan điểm kỹ thuật.
Mọi chi tiết tuân theo tỷ lệ 1:87 kết hợp tinh vi giữa công nghệ và cơ khí đã biến Knuffingen thành một hiện tượng có một không hai trên thế giới, vừa là một kỳ quan vừa là một tour du lịch về công nghệ, điểm độc đáo nhất của Knuffingen ở chỗ nó sống động như thật. Bốn mươi máy bay và 90 phương tiện xe cộ các loại đều tự di chuyển xen lẫn tương tác với người xem theo kịch bản định sẵn.
Đứng ở bất cứ góc nhìn nào người xem cũng đều kinh ngạc khi nhận ra có vô số điều thú vị như những tượng người thu nhỏ cử động được, màu sắc của từng bụi cây, các loại ô tô khác nhau, tất cả đều tạo cho sân bay cảnh trí sống động như thật. Knuffingen luôn nhộn nhịp với hàng loạt hoạt động diễn ra khắp nơi 24/24 từ bãi đậu xe chật cứng, lượng hành khách ra vào nhà ga, xe taxi, xe buýt đón khách, các loại máy bay từ Airbus 380 đến Cessnas nối đuôi nhau lên xuống theo bảng chỉ dẫn chuyến bay, thậm chí cho đến cả một đội xe cứu hỏa ánh đèn nhấp nháy sẵn sàng hú còi trong trường hợp khẩn cấp.
Phương tiện xe cộ di chuyển trên mô hình dựa trên công nghệ Faller Car System kết hợp với các cảm biến trong khi xe chuyển động bằng động cơ nhỏ chạy bằng pin. Để quản lý sự phức tạp trong việc điều phối hoạt động của các phương tiện xe cộ, Gerrit Braun đã thiết kế một phần mềm điều khiển, định vị qua máy tính hết sức tinh vi. Mỗi phương tiện có bộ xử lý riêng tự "đánh giá tình hình của nó" cứ mỗi 20 giây một lần. Quy tắc giao thông trên các tuyến đường được quy định bằng các biển báo cho các phương tiện biết có thể lái được vào đường nào hoặc khi nào phải dừng lại. Xe cộ di chuyển thậm chí còn phát hiện ra các vật cản, phương tiện khác, để tránh va chạm cũng như khi hòa chung vào một dòng. Mỗi chiếc xe tí hon luôn có một điểm đến đã định trước - như một chiếc xe buýt đang chạy sẽ dừng lại tại bến đón khách hoặc một chiếc xe cứu hỏa đang ứng phó với trường hợp khẩn cấp, thậm chí xe còn biết dừng lại chờ đằng sau các phương tiện khác khi có tín hiệu đèn đỏ.
Nhưng trên hết, sẽ không phải là sân bay nếu không có máy bay cất và hạ cánh. Đội máy bay của Knuffingen có thể làm được tất cả những điều đó. Máy bay không thực sự bay mà được nâng lên bằng những cọc nhỏ. Xem từ video, bạn có thể thấy rằng Brauns đã đảm bảo cho tốc độ chuyển động khi cất cánh và hạ cánh của máy bay như thật. Tính chân thực được thể hiện rất ấn tượng khi máy bay hạ cánh, bánh sau chạm vào đường băng rồi bánh trước nhẹ nhàng hạ xuống, máy bay chạy đến cuối dường băng, dừng lại, tự động taxi từ từ vào bãi đậu.
Kiệt tác đồ chơi của Brauns thậm chí còn hơn cả một bữa tiệc mãn nhãn: nó còn mang tính tương tác. Du khách có thể nhấn các nút trên lan can bao quanh sân bay mô hình để tạo ra 11 tình huống được ấn định trước. Một khách nhấn vào nút “Sự cố hỏa hoạn” sẽ thấy khói bắt đầu bốc ra từ một ngôi nhà và sau đó là ngọn lửa. Từ trụ sở đội cứu hỏa, âm thanh báo động phát ra, đèn bắt đầu nhấp nháy. Một lát sau, một đội 3-4 xe cứu hỏa chạy ngẫu nhiên xung quanh sân bay - cùng bật đèn và bắt đầu tiến về phía đám cháy. Tại các giao lộ, xe chữa cháy sẽ hú còi, xe ô tô khác sẽ nhường đường. Trong khi đó ngọn lửa ngày càng lớn! Sau khi xe chữa cháy tập trung vào ngôi nhà đang cháy, máy tính sẽ quyết định có cho dập lửa thành công hay không. Nếu không, một báo động khác sẽ vang lên và các xe chữa cháy khác lập tức được bổ sung (lên đến 35 chiếc!) từ khu vực lân cận lao đến giải cứu.
Quang cảnh sinh hoạt như thật của mô hình không chỉ gây ấn tượng với người bình thường mà còn cả với những người có nhiều kiến thức về hàng không và công nghệ. Có 45 máy bay khác nhau, từ A380 đến Cessna, tự vận hành trên sân bay. Di chuyển vào bãi đậu hay taxi trên đường băng rồi ra phi đạo tăng tốc và cất cánh. Mỗi máy bay đều được trang bị như nguyên bản, các tuabin nhỏ xíu phát ra âm thanh trung thực, ít nhất là trong quá trình cất cánh. Nếu bạn đã nhìn thấy sân bay Hamburg Fuhlsbüttel từ trên không, bạn sẽ ngay lập tức nhận ra sân bay Knuffingen giống y chang.
Mô hình sân bay thu nhỏ là một bản sao chính xác của sân bay quốc tế Hamburg, từ những cầu thang lên máy bay, tòa nhà ga chính, nhất là các bãi đậu xe được xây dựng khá công phu: Nỗ lực xây dựng sàn đậu xe P4 ngốn hết 3.000 giờ làm việc, được lắp đặt tới 11.000 bóng LED.
Nhóm thiết kế mô hình không chỉ muốn xây một vài tòa nhà của sân bay - mà họ muốn xây dựng nguyên cả sân bay Hamburg để du khách đến Wunderland có ấn tượng tốt đầu tiên về thành phố xinh đẹp này.
Khi một du khách tham quan nào đó đang đứng trước mô hình sân bay Wunderland, rất có thể họ sẽ nhận ra: “Ồ, tôi đã đứng ngay cột đèn đằng kia và nhét gói đồ ăn nhẹ của mình vào thùng rác này!” Các nhà xây dựng mô hình không chỉ chọn các tòa nhà của sân bay làm hình mẫu mà còn xem xét đến còn từng chi tiết nhỏ: tay vịn, biển báo, hộp đèn … do đó, có rất nhiều vị trí trên sân bay mô hình Knuffingen chính là vị trí thật của sân bay Hamburg.
Lối ra bãi đậu xe được mô tả chính xác sống động với nhiều tình tiết độc đáo.
Phần lớn công việc phát triển mô hình sân bay Knuffingen là nhiệm vụ diễn tả chân thực quá trình cất và hạ cánh của các máy bay. Về cơ bản, hoạt động di chuyển của các máy bay mô hình là nhờ vào hệ thống Faller Car System. Điều này tuyệt vời vì cho phép các máy bay di chuyển độc lập trên sân bay. Kế đến nhóm thiết kế bắt đầu tính đến các khả năng khác nhau để máy bay có thể cất và hạ cánh bằng một cơ chế rời bên ngoài.
Giải pháp dễ nhất là treo máy bay bằng các sợi nylon mảnh rồi kéo chúng lên vào lúc máy bay cất cánh. Nhưng sau đó một câu hỏi đặt ra là dấu các các sợi dây này đi đâu sau khi máy bay hạ cánh? Vấn đề lớn nhất khiến nhóm thiết kế loại bỏ phiên bản này cũng như một số phiên bản khác là thiếu độ chính xác.
Sau khi hạ cánh, máy bay cần dừng chính xác ngay trên một cảm biến của hệ thống dẫn đường để nó có thể tiếp tục tự di chuyển trên mặt đất, cũng như ngược lại trước khi cất cánh.
Vấn đề cuối cùng đã được giải quyết bằng cách tinh chỉnh phần cứng và phần mềm của Faller Car System, giúp các máy bay tiếp cận chính xác vào vị trí mỗi lần hạ cánh. Nhưng câu hỏi về cất cánh và hạ cánh vẫn còn đó. Sau khi loay hoay một thời gian dài, một giải pháp đã được tìm ra đáp ứng tất cả các yêu cầu cần thiết: đó là mô phỏng nguyên tắc vận hành của máy phóng. Đây là thiết bị giúp phóng máy bay hoạt động trên tàu sân bay - được đặt ngay bên dưới đường băng để giúp máy bay cất cánh bay lên không trung.
Để làm được điều này, nhà chế tạo thiết bị truyền động điều khiển Bosch Rexroth đã thiết kế một hệ thống cơ học bố trí phía dưới đường băng. Hai cọc bằng kim loại được thiết kế cho đâm "xiên" chính xác vào hai lỗ song song ở phía dưới thân máy bay trước khi cất cánh. Hai thanh này cùng phối hợp nhau di chuyển, nâng máy bay lên cao dần khỏi đường băng, thân máy bay không bị vặn trong khi vẫn mũi vẫn ngóc lên như thực tế.
Máy bay luôn cần di chuyển theo mọi phương ngang trước khi vào đường băng. Đây là những khả năng tự hành do hệ thống Faller Car System tác động xử lý. Sau khi máy bay đã vào vị trí xuất phát và bị xiên bởi hai cọc, máy bay bắt đầu cất cánh với tốc độ như thực tế tăng dần trên đường băng, trong khi đó các cọc nâng dần máy bay bay lên.
Để che đi khe hở tương đối rộng trên đường băng, đó là chỗ hai cọc nổi lên khi cất cánh, nhóm thiết kế phải che khe hở này bằng các miếng phủ đặc biệt. Khe chỉ mở ra khi cọc di chuyển và đóng lại ngay sau đó. Với nguyên tắc này nhóm thiết kế đã tạo ra loại đường băng tự chỉnh đầu tiên trên thế giới! Chuyển động của từng loại máy bay ứng với vị trí hai cọc luôn khác nhau, ví dụ: một chiếc máy bay cánh quạt nhỏ dĩ nhiên phải cất cánh nhanh hơn một chiếc Airbus A380 to lớn kềnh càng.
Khi hạ cánh, quá trình làm ngược lại: mọi máy bay hạ cánh đúng với kiểu của nó, máy bay chạy chậm dần trên phi đạo sau đó dừng lại tại một vị trí được chỉ định, các cọc rút khỏi máy bay, chìm xuống dưới bề mặt đường băng. Ngay lúc này, máy bay dùng hệ thống Faller Car System để tự taxi về vị trí đỗ được chỉ định cho nó.
Việc phát triển sân bay mô hình bắt đầu vào tháng 6 năm 2005. Miniatur Wunderland tuyển chọn 150 nghệ nhân thủ công xuất sắc nhất, mất sáu năm để xây dựng kết hợp công nghệ phần, cứng phần mềm, cơ học, thủ công mỹ nghệ … tiêu tốn 4 triệu Euro. Khánh thành bán vé cho công chúng vào xem ngày 4 tháng 5 năm 2011.
Tuy nhiên, theo anh em nhà Brauns, tiền không phải là lý do xây dựng Wunderland. Như họ tuyên bố trên trang web: “Đối với chúng tôi, con người quan trọng hơn tiền bạc. Nhân sự không phải là yếu tố trong bảng cân đối kế toán của chúng tôi, trước hết đó là những cá nhân với những phẩm chất và tính cách khác nhau chỉ có ở Wunderland”.
Wunderland có tổng diện tích từ 1600 m², sẽ tăng lên 7000 m² theo tính toán đến 2028. Cùng với nó bây giờ là cả ba trăm con người bao gồm các nghệ nhân sản xuất mô hình thủ công, thiết kế phần cứng, lập trình phần mềm, vận hành bảo trì hệ thống, phục vụ v.v… Giá vé vào cửa trung bình là 15 Euro, tổng số khách tham quan đến nay là khoảng 1.500.000 lượt từ khắp nơi trên thế giới, chưa tính các khoản thu khác, trong khi nợ ngân hàng lên đến 14 triệu đô la, như Stephan cho biết.
Wunderland vẫn đang tiếp tục được đổ tiền triệu vào để phát triển những ý tưởng táo bạo nhất như mô hình đường đua xe thể thức 1, của bộ ba mê đồ chơi Frederik Braun, Gerrit Braun và Stephan Hertz.
Tổng hợp
ILIXX Admin