Thời trang Kimono.
Tài khoản đăng : ILIXX ADMIN
Đăng : 26/08/2020 | 01:25:13 PM
Lượt xem : 700
Khởi điểm chỉ là bộ cánh của các nàng Geisha rồi tiến tới trở thành mốt thời trang trong thế kỷ 21, Kimono là bộ trang phục tinh túy mang tính biểu trưng cao nhất của Nhật Bản.
Đóng một vai trò không thể thiếu trong xã hội Nhật Bản, Kimono được mặc vào những thời khắc quan trọng trong cuộc sống hay vào những dịp truyền thống như trà đạo, khi viếng thăm đền thờ khi cô gái vừa đến tuổi trưởng thành cho đến nghi lễ kết hôn. Nếu được làm thủ công tỉ mỉ bởi các nhà sản xuất giỏi nhất, giá của một Kimono có thể lên tới hàng ngàn dollars, mà cũng có khi chiếc Kimono được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình. Trong mắt người phương Tây, Kimono luôn là biểu tượng độc đáo nhất của Nhật Bản, nói đến kimono người ta thường liên tưởng về các nàng Geisha.
Kimono mang nặng tính biểu trưng khiến người ta dễ quên rằng trong phần lớn chiều dài lịch sử của nó, Kimono cũng chỉ là một thứ hàng hóa, là bộ trang phục được mặc hàng ngày bởi phần lớn phụ nữ. Chỉ sau khi nước Nhật buộc phải mở cửa giao thương vào cuối thế kỷ 19, kimono mới bắt đầu đảm nhận vai trò biểu tượng của nó. Có một sự thay đổi đột ngột đó là ngay sau Chiến tranh Thái Bình Dương kết thúc, Nhật bị Mỹ đánh bại, đất nước tan hoang, kinh tế kiệt quệ, người Nhật từ đó chủ yếu bỏ quên kimono để quay hẳn sang dùng thời trang của phương Tây.
Tuy nhiên, từ những năm 1990 đến nay, Kimono đã nhận được sự quan tâm trở lại ngày càng nhiều, có nhiều tạp chí, blog, facebooker và nhiều thế hệ trẻ người Nhật đã góp phần thúc đẩy sự hồi sinh của nó. Kimono lại một lần nữa xuất hiện nhiều hơn trên đường phố, điều này chứng minh rằng kimono không phải đơn thuần chỉ là một biểu tượng tồn tại trong ý thức mà nó là một thứ trang phục sinh động, đầy tính thời trang, có công dụng hẳn hoi và mang ý nghĩa tốt đẹp theo dòng chảy của lịch sử.
Lần đầu tiên bộ kimono mang được ý nghĩa lớn lao là trong thời Edo (1630 - 1868). Sau nhiều thế kỷ nội chiến giữa các lãnh chúa, xã hội loạn lạc bất ổn, Edo đã mở ra thời kỳ ổn định chính trị chưa từng có, kinh tế tăng trưởng, đô thị được mở mang, văn hóa phát triển. Từ quá khứ, tầng lớp samurai luôn nắm quyền quân đội nên họ có địa vị và sẵn giàu có.
Xã hội Nhật phân chia giai cấp mạnh mẽ bên cạnh các luật lệ phức tạp, các Samurai phu nhân có cuộc sống cực kỳ hạn chế, buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về trang phục tùy theo mùa, tùy theo các sự kiện hay thời gian trong ngày, do đó mỗi người cũng sẽ có một hoặc vài bộ kimono thêu đẹp lộng lẫy nhất.
Các kimono mang màu sắc đặc trưng nghệ thuật in khắc gỗ truyền thống.
Mặc dù là lớp người tiêu dùng phổ biến trang phục kimono nhưng các Samurai phu nhân hiếm khi tỏ ra muốn có sự cách tân đổi mới. Thay vào đó, chỉ có tầng lớp thương nhân giàu có, do không thể nâng cao địa vị xã hội do tính phân biệt giai cấp chặt chẽ, họ đã chọn thể hiện phong cách và sự tự tin của mình thông qua trang phục kimono. Cộng đồng thu hẹp của họ ngày càng có ý thức hơn về thời trang, từ đó xuất hiện những bộ Kimono đầy chất sáng tạo.
Hãy nhớ rằng bộ kimono thời kỳ này không có một giá trị biểu trưng nào, đơn giản nó chỉ có ý nghĩa là dấu hiệu giúp thể hiện trạng thái trong giao tiếp mà thôi.
Theo thời gian, khi tầng lớp các thương gia giàu có nổi bật lên trong xã hội, giới cầm quyền lại muốn hạn chế họ bằng cách ban hành thêm nhiều luật lệ rắc rối khác, trong đó có quy định hẳn một số màu sắc nhất định và không cho sử dụng lụa làm kimono!. Mặc dù quy định hẳn hoi nhưng mọi thứ thường khi bị phớt lờ, sự phát triển của kimono vẫn âm thầm tiếp diễn, tuy kín có đáo hơn nhưng người mặc vẫn thể hiện được sự giàu có nổi bật của mình.
Bộ kimono đóng vai trò không thể thiếu trong xã hội Nhật Bản
Luật lệ về kimono được duy trì một cách cứng ngắc vào cuối thế kỷ 18 sang đầu thế kỷ 19. Có những người phụ nữ tiêu biểu cho phong cách sang trọng, nhưng lại thiếu tinh thần tôn trọng luật lệ kimono này được gọi là các geisha. Do bị nhiều luật lệ chi phối, các Geisha chỉ còn cách tự nâng cao sự thanh lịch sang trọng của bản thân thông qua nghệ thuật trong hoàn cảnh bị gò bó cấm đoán.
Kimono chỉ bắt đầu đảm nhận vai trò là biểu tượng sau khi Nhật Bản buộc phải mở cửa biên giới để giao tiếp với phương Tây. Hoàng đế mới Mutsuhito đã đặt sự cai trị vào tay giới quân sự, chấm dứt quyền hạn của các lãnh chúa và quét sạch hệ thống phong kiến cũ. Một thời đại mới được mở ra gọi là Meiji (1868-1912), nước Nhật tập trung xây dựng một nhà nước hiện đại, công nghiệp hóa mạnh mẽ, chú trọng nhất về mặt quốc phòng.
Trong thời kỳ Edo, kimono là một dấu hiệu chỉ về trạng thái.
Nhật Bản bước vào thời kỳ mở cửa giao thương để canh tân đất nước sau mấy trăm năm bế quan tỏa cảng, mặc dù Hoàng đế Mutsuhito và triều đình của ông, trong đó có cả phụ nữ, ban đầu đã thích nghi ngay với trang phục phương Tây, nhưng vào những năm 1890, lại xuất hiện thời kỳ phục hưng của kimono. Đây là một phần trong sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc bởi sự tự tin ngày càng nhiều về chính trị, kinh tế lẫn quân sự.
Trong khi bằng mọi nỗ lực phấn đấu để thể hiện mình ngang hàng với phương Tây, Nhật Bản cũng muốn nhấn mạnh đến di sản văn hóa độc đáo của mình. Dường như không có cách nào tốt hơn cho điều này bằng hình ảnh những phụ nữ tinh tế trong trang phục kimono.
Việc bãi bỏ các luật lệ lạc hậu cùng với kỹ thuật và vật liệu mới đã tạo ra những bộ kimono đầy sáng tạo, gây thích thú hơn bao giờ hết. Geisha là nhóm đầu tiên thích nghi nhất với trang phục phương Tây, giờ đây lại thấy tương lai của họ chính là khoác lên người bộ trang phục kimono tuyệt vời kia và tự cho mình là hiện thân của nước Nhật mang các giá trị truyền thống xưa cũ.
Kết thúc chiến tranh thế giới thứ II, Nhật đại bại, đất nước bị tàn phá nặng nề cũng đặt dấu chấm hết đối với hàng thế kỷ bộ kimono từng được mặc thường xuyên mỗi ngày. Với một đất nước bị hủy hoại hoàn toàn, người Nhật coi trang phục phương Tây là lựa chọn đơn giản nhất.
Ngày nay có hiện tượng các thế hệ thanh niên lớn lên từ những năm đầu thế kỷ 21, họ không mặc và cũng không biết cách mặc kimono. Các doanh nghiệp về kimono đã tìm cách mở các trường dạy phụ nữ Nhật Bản cách phục sức kimono cho họ. Tuy nhiên bộ trang phục kimono trang trọng nhưng lại cứng ngắc nên nó chỉ được mặc trong những dịp quan trọng của một tầng lớp trung lưu, giàu có mà thôi.
Một thế hệ trẻ ở Nhật Bản góp phần đã làm hồi sinh kimono
Mọi thay đổi bắt đầu nhen nhúm vào cuối những năm 1990, một phần vì mối quan tâm toàn cầu đối với văn hóa Nhật Bản đã khuyến khích người Nhật đánh giá lại di sản của chính họ. Giới trẻ Nhật bắt đầu mặc bộ yukata, là loại kimono thông thường hoặc Natsu Matsuri vào dịp lễ hội mùa hè, thay vì mang guốc gỗ truyền thống, họ lại mang xăng đan thời trang, bỏ qua luôn các quy định cứng nhắc của các trường dạy kimono. Đối với giới trẻ Nhật, yukata là bộ trang phục hấp dẫn và có thể nói rằng đó là một loại thời trang đường phố.
Tổng hợp
APP ILIXX Admin