Người mặc áo dài Lemur này là ai?
Tài khoản đăng : ILIXX ADMIN
Đăng : 20/06/2020 | 08:44:11 PM
Lượt xem : 2876
Áo dài Le Mur Cát Tường
Trong giữa thập niên 1930 ông Cát Tường là một họa sỹ ở phố Hàng Da, Hà Nội, muốn làm một cải cách táo bạo hơn cho áo dài Việt Nam, ông tung ra các kiểu áo dài được ông Âu hóa, cả về mẫu dáng lẫn tên gọi, Le Mur do ông tự dịch tên của mình ra tiếng Pháp. Trong hoàn cảnh xã hội và văn hóa lúc đó, khi răng không nhuộm đen và tóc vấn không chải ngôi giữa vẫn còn bị miệt thị nặng nề; khi mà nguyên tắc che cổ giấu tóc từ xa xưa vẫn còn được xem là khuôn mẫu của đạo đức, thì các ý tưởng cải cách của họa sỹ Cát Tường quả thật đã gây sốc cho đa phần dân chúng.
Trong bài báo đăng trên báo Phong Hóa năm 1938, họa sỹ Cát Tường cổ xúy việc phế bỏ cái cổ của áo dài. Ông viện dẫn rằng dù theo phong tục thì cổ phải che dấu, nhưng cái cổ áo dài nhỏ thế kia thì che được gì, mà lại vướng víu. Và tay áo cũng nên được cắt bỏ vì lý do tương tự. Vì thế mà áo dài Le Mur bị xem là táo bạo, và chỉ có giới nghệ sỹ hay phụ nữ tân thời mới dám mặc. Cũng vì những tranh cãi khen chê mà áo dài Cát Tường có tiếng vang rộng. Nhưng chỉ đến khoảng năm 1945-47 thì loại áo này đã dần đi vào thất sủng.
Hãy đọc một đoạn văn do chính họa sỹ Cát Tường viết trên báo Phong Hóa số ra ngày 23 tháng 2 năm 1934, về ý tưởng của ông:
“Các bạn thử để ý xem, cái áo hiện thời của các bạn có cái gì bất tiện, và thừa không? Muốn để các bạn khỏi tốn thì giờ vô ích, tôi xin thưa: Chính cái cổ là cái thừa, và hai ống tay là bất tiện. Cúc cổ chẳng bao giờ cài thì cái cổ để làm gì? Tôi xin hỏi? Để che cổ ư? Thì nó nhỏ síu thế kia, che thế nào là đủ, vả lại áo các phụ nữ nước lạnh bên Âu, Mỹ còn chẳng cần cổ, nữa là xứ ta khí hậu rất nóng. Còn hai ống tay thì… thì các bạn cứ thử co tay lại vuốt mái tóc mà xem. Có phải nó chật quá không?… nó khó chịu và bất tiện lắm không?”
Do vậy, áo Lemur vẫn giữ nguyên phần áo dài may không nối sống bên dưới. Nhưng cổ áo khoét hình trái tim với mũi nhọn đằng trước ngực hay sau lưng, và một cái nơ đính vào chỗ khoét nhọn đó. Có khi áo được may theo lối cổ lọ hay gắn thêm cổ bẻ. Vai áo may bồng, tay nối ở vai, và cũng có khi áo dài Lemur khoét hở đến giữa lưng và không có tay. Khuy áo may dọc trên vai và sườn bên phải. Quần của áo dài Lemur cắt ống loe rộng với các viền ống khác nhau. Tựu trung là áo dài Cát Tường rất Tây Phương và dĩ nhiên là táo bạo. Có thể tưởng tượng là xã hội lúc này hãy còn cứng nhắc về phong tục phản ứng thế nào về các ý tưởng canh tân này. Chỉ một số người bị coi là ăn chơi, cấp tiến lắm mới dám mặc áo Le Mur.
Họa sỹ Cát Tường và phu nhân (đội mũ trắng) trong một mẫu áo dài Lemur (1940)
Thế chiến thứ hai nổ ra ảnh hưởng không nhỏ tới Việt Nam, khi tình hình bắt đầu trở nên khốc liệt, thì áo dài Lemur dần đi vào quên lãng, nhất là sau khi họa sỹ Cát Tường mất tích, và được cho là qua đời, năm 1949, ở tuổi 35. Nhưng có thể nói rằng các mẫu áo dài cải cách của Lemur Cát Tường không dính dáng gì nhiều đến cái áo dài thông thường của phụ nữ Việt bấy lâu nay. Và các ý tưởng của ông có lẽ hợp thời hơn ở thế kỷ 21 này.
Quả thật hiện nay nhiều nhà thiết kế áo dài đang cố tìm ý tưởng mới bằng cách bỏ tay và cổ áo dài trong tác phẩm của họ. Họ có biết đâu là đã chỉ bắt chước lại những gì họa sỹ Cát Tường nghĩ và thiết kế ra từ hơn nửa thế kỷ trước.
Người mẫu đầu tiên mặc áo dài Lemur này là ai?
Trong tất cả bài viết từ trước đến nay, người xem luôn được minh thị bằng hình ảnh một người mẫu với chiếc áo dài Lemur nhưng không ai biết đích xác cô là ai? Cơ duyên nào khiến cô lại mặc chiếc áo dài ấy.
Hãy bỏ một chút thời gian để quay về quá khứ. Bài dưới đây được ghi lại nguyên văn của tác giả Trịnh Bách, là một người tự xưng có họ hàng rất gần với cô người mẫu kể trên.
"Vào một đêm trăng tròn cuối xuân năm Tân Dậu (1921), mọi tâm ý trong gia trang của cụ Đông Các trí sỹ Vũ Quang Nhạ ở Trung Lao, Nam Định. Lúc này mọi người đang dồn về việc chuẩn bị chào đón người con của quan Tri phủ Vũ Ngọc Thúy (con trai cụ Đông Các) sắp chào đời.
Cụ Đông các trí sỹ Vũ Quang Nhạ
Hình vẽ lại phái đoàn Việt Nam sang Marseille, Pháp năm 1900
Ba vị ngồi trên ghế, từ trái sang: Phó sứ Trần Đình Lượng, Chánh sứ Vũ Quang Nhạ, Bồi sứ Hoàng Trọng Phu (hình do một người chắt của cụ Chánh sứ là cô Vũ Triều Nghi cung cấp)
Đông Các trí sỹ Vũ Quang Nhạ là một trong số rất ít các quan lại Công giáo Bắc Hà đạt đến địa vị tứ trụ triều đình thời cuối triều Nguyễn. Sau khi đã kinh qua nhiều chức, tước, cụ về trí sỹ ở cố quận. Tại đây cụ giúp việc xây dựng ngôi nhà thờ Trung Lao Nam Định, nổi tiếng cho đến ngày nay.
Đứa trẻ ra đời. Một tiểu thư dòng dõi trâm anh thế phiệt, đấy là em họ con cô của mẹ tôi. Hai bà thân nhau hơn chị em ruột và suốt đời chuyện gì cũng có nhau. Thật ra tôi phải gọi cô bằng dì, nhưng các nhà thế gia ngoài Bắc thời ấy có thói quen gọi em gái của mẹ là cô. Mẹ tôi kể rằng cô Vũ Thị Hòa Vân, vị tiểu thư mới chào đời đó, từ khi lọt lòng đã mặt hoa da phấn, mắt phụng mày ngài. Nhiều người tưởng tiểu thư tiền đồ có khi phải đến bậc phi, hậu.
Cô Hòa Vân và chồng là Cậu Vũ Thiện Đản (1940)
Tiểu thư thừa hưởng nhan sắc quý phái từ thân mẫu của mình. Phu nhân quan tri phủ Vũ Ngọc Thúy nguyên là tiểu thư Nguyễn Thị Ngọc Tú, con gái thứ 6 của Binh Bộ Thượng thư Nguyễn Hữu Toản, hiệu Tây Đình. Bà Ngọc Tú cũng một thời nổi tiếng sắc nước hương trời.
Quan tuần phủ Vũ Ngọc Thúy và phu nhân, là song thân cô Hòa Vân
Giòng Nguyễn Hữu (nguyên là Nguyễn Hựu thời Vua Gia Long) là một nhánh cổ của Hoàng gia Nguyễn ở Huế. Đây là hậu duệ các con cháu của Chúa Nguyễn Hoàng ở lại Bắc Hà để làm tin với nhà Lê, Trịnh ngày xưa.
Trong một khoảng thời gian ngắn, sau khi người Pháp đã chiếm thành Hà Nội, phần đất còn lại phía Tây của tỉnh Hà Nội cũ được gọi là tỉnh Hà An. Cụ Thượng thư Tây Đình được triều đình cử làm tổng đốc tỉnh mới. Năm 1896 triều đình Huế đổi tên tỉnh này thành Hà Đông, và cụ là tổng đốc đầu tiên của tỉnh mới. Mãi đến năm 1905 người Pháp mới công nhận hành chính tỉnh Hà Đông.
Vì bị liên lụy đến phong trào Cần Vương của cụ Đề Thám, cụ Thượng Tây Đình từ chức năm 1898 và xây ngôi chùa Hồng Liên ở xã Tây Mỗ, Hà Đông. Rồi cụ sống ở đó đến cuối đời.
Trái: Cụ Thượng thư Tây Đình ngồi giữa (1895) Phải: Mộ cụ thượng Tây Đình và chùa Hồng Liên ở làng Tây Mỗ, Hà Đông
Các tiểu thư khuê các ngày xưa bị trui rèn công, dung, ngôn, hạnh rất khắt khe. Mẹ tôi kể rằng nhiều khi các tiểu thư bị thử thách bằng cách phải mặc 3 lớp áo dài khi ngủ mà sáng dậy áo không được nhăn. Chuyện bếp núc, cỗ bàn thì là lẽ đương nhiên và bắt buộc trong các nhà thế gia ngày xưa. Đấy cũng là một hình thức khoa trương. Vì chỉ có họ mới có đủ điều kiện để học hỏi cách nấu nướng, cũng như sắm sửa các thực phẩm đắt hiếm, cho các món cỗ bàn phú quý. Cô Hòa Vân không ra khỏi lệ đó. Chẳng thế mà cô Tuyết Vân, em gái cô, cũng một thời quốc sắc thiên hương, từ bao thập kỷ nay vẫn là hiệu trưởng của một trường nữ công tư thục nổi tiếng trên đường Bà Triệu, Hà Nội.
Từ khi chập chững biết đi, cô Hòa Vân lúc nào cũng tươi cười như hoa hàm tiếu. Khi cô cười mắt cô cũng cười. Người ta bấy giờ lại cho là cô hay cười tươi thế thì không đủ trang nghiêm để làm bậc mẫu nghi được. Nhưng cô hưởng số ung dung, dù đời người sinh vào tuổi có can Tân thường lắm gian truân.
Người vui tươi khoáng đạt như cô tôi không bao giờ có thể cho phép mình bị ràng buộc bởi các cổ lệ của giới trâm anh đài các. Cô Hòa Vân sống rất mới so với các tiểu thư đương thời. Cô không bao giờ nhuộm răng đen, và cô uốn tóc từ khi rất trẻ. Quần áo, trang sức thì cái gì thời thượng và có thẩm mỹ cao là cô chấp nhận ngay. Chỉ trước khi thành hôn, cô mới cố gắng khoác lên cái nếp cũ một tí, gọi là để chiều nhà chồng. Cô không uốn tóc nữa, nhưng cũng chỉ vấn tóc trần lưỡi trai thôi chứ chưa bao giờ đụng đến cái khăn. Một thời gian sau cô lại thôi.
Khoảng cuối năm 1938, ngay trước Thế chiến, ông họa sỹ có tiếng tên là Nguyễn Cát Tường ở Phố Hàng Da, Hà Nội, có sáng kiến muốn cải tiến cái áo dài năm thân cổ truyền cho hợp với nền văn hóa Tây Phương đang tràn ngập lúc đó. Ông đặt tên cho kiểu áo mới của ông là Lemur, do tên Tường của ông dịch ra tiếng Pháp là Le mur. Áo dài Lemur lúc đầu bị xem là táo bạo vì dám để hở cổ, có khi hở tay và để lộ lưng, cho nên chỉ có các cô tân tiến lắm mới dám mặc. Ông Cát Tường thuyết phục cô Hòa Vân mặc tác phẩm mới của ông, vì ông biết nếu Hòa Tiểu thư khoác cái gì lên người, cái ấy sẽ thành thời trang.
Luôn có ý tưởng cách tân, cô Hòa Vân nhiệt tình chấp nhận, và quả nhiên áo dài Lemur được phổ biến nhanh chóng.
Cô Hòa Vân trong áo dài Lemur (1938)
Dĩ nhiên các vương tôn, công tử trong triều, ngoài quận lượn lờ ngày đêm quanh nhà Hòa Tiểu thư. Nhưng cô phớt lờ tất cả. Mãi đến khi mẹ tôi giới thiệu cậu em con cậu của mình là công tử Vũ Thiện Đản, cô chấp nhận.
Chỉ là một kỹ sư giản dị, nhưng cậu hào hoa, quân tử. Cậu là cháu nội của cụ Vũ Cẩn, Tuần phủ Bắc Ninh. Cụ Vũ Cẩn thường được người đương thời gọi là cụ Tuần Đồng Lạc hay cụ Tuần Hàng Đào.
Cụ Tuần Hàng Đào Vũ Cẩn
Một cụ tổ năm đời của cụ Tuần Hàng Đào là Nữ soái Vũ Thị Liên, thứ thất của Đô đốc Tây Sơn Trần Quang Diệu. Bà đã chỉ huy một đội quân bên chồng và cùng chính thất Bùi Thị Xuân xông pha chiến trận. Sau bà bị Vua Gia Long cho thiêu sống giữa chợ ở Thăng Long để thị chúng. Nhà cũ của cụ Tuần nay là tiệm vàng Bảo Tín ở địa chỉ 54 Hàng Đào, Hà Nội.
Thật ra cậu Vũ Thiện Đản chinh phục được cô Hoà Vân là nhờ khiếu văn chương thơ phú của mình. Cậu là em con chú của ông là Vũ Ngọc Phan, tác giả quyển Nhà Văn Hiện Đại.
Xuất thân từ một gia đình theo Công giáo gốc, với mấy người em gái vào giòng tu kín bên Vatican, cô Hòa Vân đã vì tình yêu mà tình nguyện quy y lấy pháp danh theo về đạo Phật của nhà chồng.
Rồi thế sự thăng trầm. Thế gia vọng tộc cũ không còn phong lưu nữa từ Cách Mạng tháng Tám. Với đồng lương công chức khiêm tốn của chồng, cô Hòa Vân vẫn ung dung, tự tại nhờ tài vén khéo và nữ công. Và cô vẫn luôn giữ nụ hàm tiếu đó trong mọi hoàn cảnh. Một hôm trong lúc chiến tranh loạn lạc hồi cuối thập niên 1960, cô tươi cười kể với mẹ tôi, “tối ấy đạn và mảnh đại bác vào đầy phòng khách nhà em. Mà có sao đâu…” Cô Hòa Vân là như thế đó.
Ông bà Vũ Thiện Đản – Hòa Vân trong ngày hôn lễ của con gái út.
Gia đình cô Hòa Vân lúc nào cũng ấm êm hạnh phúc. Cậu luôn hòa nhã, bảo bọc. Cô thì vui buồn cũng một nụ cười. Ngay cả khi cậu rời khỏi cô ở tuổi bát tuần, dù ruột cắt bên trong, cô vẫn trấn an, yên ủi con cháu bằng nụ cười hiền dịu ấy. Nhà sử học Mai Khắc Ứng đã than rằng, “thật là đáng tiếc nếu giới trẻ bây giờ không biết được cụ Hòa Vân, và gia phong hiếm có của gia đình cụ, để học phong cách sống.”
Tổng hợp
APP ILIXX Admin
nội dung lạ hay quá.