Story: Hành trình vào sa mạc Sahara bằng xe lửa
Tài khoản đăng : ILIXX ADMIN
Đăng : 29/03/2020 | 01:39:45 PM
Lượt xem : 760
Bạn có biết từ năm 1963 đã có những đoàn tàu dài hơn 2km chở đầy quặng sắt cùng những hành khách thừa can đảm vượt qua chặng đường 500 dặm tiến sâu vào sa mạc Sahara không?
Quấn chiếc khăn Touareg quanh mặt để tránh cát và bụi bẩn, tôi trèo lên thành toa chở hàng rồi nhìn quanh. Một hàng dài những toa gòng trải xa tít phía sau đang chuyển động lắc lư kèm tiếng dội ầm ầm vọng lại của mấy ngàn bánh sắt lăn trên đường ray. Nhìn qua hai bên, cát trải rộng mênh mông tận chân trời, nhiều đụn cát thấp thoáng lướt qua trong tia nắng chiều yếu ớt trên sa mạc Sahara. Nhiều người ngồi trên nóc những toa phía trước họ vừa hóng gió vừa la hét với nhau bằng tiếng Ả Rập ồn ào đến điếc tai.
Làm sao người ta có thể tưởng tượng một chuyến du hành tiến vào sa mạc Sahara bằng tàu hỏa sẽ như thế nào? Với tôi, liên tục không dứt những cảm giác khó chịu trên khắp cơ thể, các giác quan bị đánh thức, tinh thần căng thẳng mệt mỏi, cảm xúc bùng nổ trào dâng pha lẫn cảm giác bị nén ép trong bầu không khí đặc quánh ngột ngạt, những cảm giác sợ hãi cứ thay phiên nhau xuất hiện khiến cơ thể run rẩy, những hạt cát cuộn xoáy vào tóc trong làn gió nóng, nhiệt độ tăng lên 40C, ánh mặt trời thiêu đốt mọi vật trên sa mạc lúc giữa trưa như muốn chọc thẳng vào mí mắt bạn.
Hành trình 500 dặm bằng xe lửa băng qua sa mạc từ Nouadhibou đến Zouerat.
Đưa vào hoạt động từ năm 1963, tuyến đường hỏa xa băng qua sa mạc của Mauritania khởi hành mỗi ngày từ hải cảng Nouadhibou trên bờ biển Đại Tây Dương đi đến vùng mỏ quặng sắt ở Zouerat, cách nhau 704km về phía tây bắc. Một hành trình dài mất 20 tiếng, chạy dọc theo biên giới lãnh thổ tranh chấp Tây Sahara. Đoàn tàu dài hơn 2km được kéo bởi ba hoặc bốn đầu máy diesel, có vài toa chở khách và hơn 200 toa gòng chở quặng, lầm lũi tiến về phía tây, mỗi toa có thể chở tới 84 tấn quặng sắt!
Tuyến đường sắt giúp kết nối các cộng đồng dân cư sống rải rác trong sa mạc xa xôi hẻo lánh, giảm được 500km nếu đi theo một đường bộ khá xa về phía nam để đến được Nouakchott, thủ đô của Mauritania. Nhiều người Mauritani chọn tàu hỏa làm phương tiện di chuyển, họ lắc đầu những chuyến xe nêm chặt hành khách hoặc phải ngồi trên mấy chiếc xe tải chở hàng cho đi miễn phí. Đi xe lửa qua Sahara là một hành trình ồn ào, bẩn thỉu và nguy hiểm: té ngã là chuyện cơm bữa, ban ngày nhiệt độ có thể lên tới hơn 40C.
Từng đối mặt với nhiều hoàn cảnh khó khăn, Tôi và Mike đã chịu được những chuyến tàu nóng nực ướt đẫm mồ hôi, ở trong những căn nhà gỗ ọp ẹp ẩm thấp và những lần đi bộ qua đầm lầy đầy muỗi ở Nga. Nhưng đoàn lữ hành bằng thép này là một bài học trải nghiệm mới về sự chịu đựng - các toa gòng như một cái hộp bằng kim loại trống rỗng không có nắp đậy, bẩn thỉu, tiếp xúc với nhiệt độ không đổi, gió, cát và tiếng ồn.
Chuyến tàu là cứu cánh cho nhiều cộng đồng sống trong sa mạc xa xôi tại Mauritania.
“Một trong những chuyến tàu dài nhất thế giới, bạn thử tưởng tượng chuyến du hành hàng trăm dặm đi vào lòng sa mạc Sahara bằng xe lửa, ngồi trên một toa xe chở hàng, sau đó nhận ra mình đang ở giữa sa mạc mênh mông như một đại dương chỉ có cát và cát, rồi bạn cầu nguyện mong chờ từng giờ đoàn tàu bình an đến được điểm dừng, bạn sẽ nếm trải được nỗi cô đơn, cảm giác mong manh tuyệt vọng dưới bầu trời lấp lánh ánh sao trong đêm lạnh nơi sa mạc. Ngay khi ánh bình minh vừa ló dạng nơi chân trời, thấp thoáng bóng một chiếc xe jeep vượt qua đỉnh đồi cát, lúc này bạn sẽ vỡ òa một cảm xúc nhẹ nhõm xen lẫn sung sướng.”
Khi còn nhỏ, tôi đã từng bị cuốn hút bởi chuyện kể về chuyến du hành của cha mẹ tôi cũng trên một chuyến tàu chở đầy quặng sắt, cuộc phiêu lưu của họ dường như không giống với thế giới mà tôi từng biết. Năm 1971, cha mẹ tôi đã làm một chuyền du hành đi bằng tàu thủy từ quần đảo Canary đến một hải cảng ở vùng Tây Sahara, sau đó họ hướng hành trình đi về phía nam dọc theo bờ biển để vào Mauritania. Từ một nơi nào đó trên hành trình, cha mẹ tôi nghe thấy có thể bắt một chuyến tàu chở hàng để đi sâu vào nội địa từ đó lại rẽ nhánh dẫn đến một thị trấn nhỏ, từng là một điểm dừng chân trên con đường tơ lụa băng qua Sahara thời cổ. Họ quyết định lên đường tiến vào sâu 400km đến tận Choum, nơi có một nhánh đường dẫn về phía nam đến thị trấn Atar rồi đến một thành phố có từ thời trung cổ, Chinguetti.
Kỷ niệm còn lưu giữ về chuyến du hành năm xưa của cha mẹ tôi là một slide phim Kodak, ghi lại nhiều hình ảnh bên trong một toa xe chở hàng, qua thành toa thấy một dải cát vô tận. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh đó và tôi thường mơ ước có một ngày tôi sẽ đi trên một chuyến tàu chở quặng giống như cha mẹ tôi đã làm.
Nhiều thập kỷ trôi qua, giờ đây tôi đang ngồi trên một toa gòng bằng thép lao vào sa mạc Sahara. Mike và tôi sẽ cố gắng đi đúng theo hành trình của cha mẹ tôi để tìm đường tới Choum sau đó tiếp tục đến Atar và cuối cùng cả hai sẽ dừng chân tại Chinguetti. Đối với tôi, thật tự hào về những gì cha mẹ tôi đã trải qua trong suốt hành trình một cuộc phiêu lưu đầy những bất ngờ nguy hiểm đang rình rập phía trước, tôi đang tìm cách đi theo đúng cung đường ấy để thực hiện trọn vẹn giấc mơ thời thơ ấu.
Dài hơn 2km, xe lửa đi sa mạc là đoàn tàu dài nhất thế giới.
Ở Nouadhibou, một cuộc gặp gỡ đã may mắn cho hai chúng tôi hiểu thực tế cuộc sống trên đoàn tàu. Aiba là nhân viên tiếp tân khách sạn nơi chúng tôi trú ngụ, ánh mắt anh sáng lên khi chúng tôi nói về dự định nơi muốn tìm đến.
“Ah, vậy các anh phải đi xe lửa! Oh, tôi đã du lịch đến đó rất nhiều lần - anh thốt lên. Cha tôi làm việc trong các mỏ tại Zouerat”.
Aiba cho chúng tôi mấy túi nylon và cuộn băng keo để bọc kín ba lô tránh khỏi bụi bẩn. Sau đó, anh ta chở chúng tôi đến nhà ga và đảm bảo chúng tôi sẽ lên được chiếc xe chờ sẵn ở nhà ga nơi đoàn tàu sẽ đến. Đoàn tàu rất dài, có vẻ bằng chiều dài cả một khu định cư nhỏ, từ toa cuối đến nhà ga bạn phải đi bộ cả cây số.
Có một sự kỳ lạ khi băng qua không gian mênh mông bao la của sa mạc Sahara trong một toa gòng dài 8m ngang 4m. Bất cứ khi nào cảm thấy quá ngột ngạt, chúng tôi sẽ tự leo lên những chiếc thang ở các góc toa, ngồi nghỉ một lúc trên thành toa gòng và ngắm cảnh cồn cát.
Nhiều người Mauritani chọn cách đi xe lửa miễn phí.
Sẩm tối, đoàn tàu bắt đầu giảm tốc độ, nắng sắp tắt, mặt trời đang xuống thấp dần, hầu hết các toa gòng chìm dần vào bóng tối. Cuối cùng, đoàn tàu dừng lại giữa một vùng bằng phẳng trống trải, cả đoàn tàu trải dài trên một đoạn đường cong hiện rõ phía sau hàng trăm toa xe.
Mọi người trèo xuống và bắt đầu tụ tập nói chuyện, có những cái bắt tay những lời chào hỏi. Nhiều người khác trèo trở lại tàu hoặc lặng lẽ ngồi nhìn qua khung cửa sổ trên toa chở khách bám đầy bụi đất, phía ngoài thành toa khắc rõ hàng chữ “Le Train du Desert – Tàu hỏa sa mạc”. Đó là một khung cảnh hấp dẫn đến kỳ lạ, mọi người đang trò chuyện vui vẻ như thể đang trong một nhà hát hơn là tạm dừng chân trên sa mạc bên cạnh một đoàn tàu chở quặng.
Tôi nhận thấy có nhiều người đi buôn ngồi toa xe phía trước chúng tôi; Người châu Phi có, người Ả Rập cũng có, một thanh niên gầy khoác áp da tôi đã nhìn thấy họ ở Nouadhibou, họ kéo những chiếc túi lớn quá khổ lên tàu. Lại có nhiều đàn ông lớn tuổi, có lẽ là dân Bidan Moors có nguồn gốc từ tầng lớp giàu có, họ đứng tách biệt trong trang phục áo choàng màu trắng xanh lam, đầu quấn khăn Touareg.
Thành phần các nhóm sắc tộc phản ánh thực tế sự phức tạp của Mauritani, một quốc gia nằm ở ranh giới giữa thế giới Ả Rập và Nam Sahara nhưng không bị ảnh hưởng bởi phe nào. Cuộc sống ở Mauritani ngày nay, chế độ nô lệ bị đặt ngoài vòng pháp luật vào năm 1981, xã hội Mauritani vẫn tiếp tục bị chi phối bởi một hệ thống phân chia giai cấp nghiêm ngặt, có rất ít mối quan hệ xã hội giữa giới thượng lưu người Bidan với tầng lớp nghèo bình dân Haratin mà phần lớn là người Mauritani gốc Phi.
Tuyến đường sắt đóng vai trò như một liên kết đường bộ giữa Nouadhibou với các cộng đồng dân cư xa xôi nằm sâu trong sa mạc trung tâm Mauritania đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Khi chúng tôi hòa nhập cùng các khách đồng hành trên tàu, tôi làm quen với Abdurahman, một chàng trai trẻ với những đặc điểm rõ rệt là người Bidan Moorish, anh thật thà cho tôi biết đang cùng vài người bạn đến Zouerat tìm việc. Có một người đàn ông lớn tuổi tên Mohammed đang trên đường đến thăm con trai ở Atar.
Ngồi trên những toa hàng, ban ngày nhiệt độ ở Sahara có thể lên tới hơn 40C.
Khi mặt trời lặn, tôi thấy một số người cầu nguyện trong khi có những người khác nằm dài trên bãi cát mềm. Cuối cùng, một tiếng còi phát ra từ đầu máy báo hiệu đã đến lúc tiếp tục hành trình, hành khách vội vã lên tàu trở lại chỗ ngồi.
Bóng tối bao trùm lên mọi vật, không khí trở nên lạnh lẽo, chẳng mấy chốc bầu trời lấp đầy ánh sao đêm. Mike trải một tấm chăn trên một khoảnh trống sạch sẽ trong toa gòng, tôi khoác vội cái áo choàng Berber, ngã lưng cố gắng ru giấc ngủ. Tôi choàng tỉnh trong cơn run rẩy vì lạnh, không chỉ là nơi sạch nhất mà đây còn là nơi ban đêm gió thổi rất mạnh. Chúng tôi nhanh chóng chuyển chỗ ngủ đến một góc khác tránh gió nhưng hơi bẩn.
Nửa đêm, lờ đờ vật vã vì khó ngủ, tôi bật dậy. Con tàu đang đứng im lìm dưới ánh trăng. Một sự tĩnh lặng đến rợn người xâm chiếm khắp cơ thể. Nhìn ra ngoài, vầng sáng yếu ớt hắt qua cửa sổ vài toa chở khách, mọi thứ chìm vào đêm tối sa mạc. Tôi liên tưởng đến cha mẹ rồi phân vân tự hỏi liệu có nên quay lại.
Một tiếng huýt sáo, một tiếng gầm, một số đầu máy khổng lồ đến từ hướng khác, lại những toa xe chở đầy quặng vàng màu đất sét lướt qua. Một lúc sau mấy cái toa gòng biến mất chỉ còn lại đám bụi mù từ từ lắng xuống, chuyến tàu của chúng tôi lại tiếp tục hành trình còn dang dở.
Người dân đi xe lửa tuyến băng qua sa mạc Sahara.
Khoảng 12 tiếng từ khi rời Nouadhibou, hai chúng tôi rùng mình trong đêm tối lạnh lẽo tại Choum. Vài phút thoáng qua mọi thứ đều im lặng rồi có tiếng người và ánh đuốc. Chúng tôi nhìn qua khe hở. Ánh đèn pha đảo qua lại một cách uể oải trong đêm tối, có thứ âm thanh lạnh lẽo phát ra từ những toa bên cạnh. Chúng tôi chỉ có vài phút vội vã khoác mấy chiếc túi lên vai rồi leo xuống tiến đến một chiếc xe Peugeot cũ kỹ đang chờ sẵn.
Một khuôn mặt nhăn nheo nhoài ra khỏi cửa xe: Đi Atar phải không?
Mệt mỏi bước lên xe, bên kia đoàn tàu tiếp tục lăn bánh, mấy chục cái toa xe lướt qua chỗ chúng tôi, bỏ lại lớp bụi mù trước khi cả đoàn tan biến vào màn đêm. Người lái xe tưởng hai chúng tôi là dân địa phương nên ông ta bắt chuyện bằng tiếng Ả Rập, chiếc xe cũ kỹ lắc lư đưa chúng tôi chìm nhanh vào giấc ngủ.
Trong một nhà trọ ở Chinguetti vào tối hôm sau, có những tiếng sột soạt ở tầng trên, trong đầu tôi vẫn còn vang vảng tiếng rít của mấy toa xe gòng. Tôi chợt nhớ lại vẻ lớ ngớ của mình tại trạm kiểm soát tại đồn cảnh sát hồi khuya, nhớ lang thang trên những con đường bụi bặm của Atar lúc sáng sớm, đánh thêm giấc ngủ trên một tấm thảm trong căn phòng trống của một nhà để xe taxi, sau đó băng qua một khu đất hoang trên một chiếc xe ọp ẹp còn Mike thì đang ngủ gần bên cửa sổ.
Thị trấn cổ Chinguetti là một trung tâm thương mại có từ thế kỷ 13, nó chìm trong yên lặng, nó bị cắt ngang bởi một dòng sông khô hiện giờ cạn trơ tới đáy, một khu phố cổ có vài thư viện còn lưu giữ nhiều văn bản bằng tiếng Coran có từ thời trung cổ, một nhà thờ hồi giáo, một di tích pháo đài của lực lượng viễn chinh Pháp, mấy con đường không tên từ từ sạt lở giữa một biển cát vô tận, nhiều cồn cát vàng như từng lớp sóng cuồn cuộn bao lấy chung quanh.
Trong những ngày tiếp theo, hai chúng tôi đã sống mòn mỏi giữa đống đổ nát của Chinguetti, chờ đợi những chuyến tàu đưa chúng tôi trở về, tất cả háo hức ban đầu giờ như tan biến, phải chăng tôi đang trả giá cho một giấc mơ điên cuồng hoặc có thể là một ký ức đầy sự tưởng tượng về những điều không có thật trong hành trình của cha mẹ tôi, suốt những năm trước đây.
Trở lại thực tại, trong gần một tuần ở đây, cát sa mạc cứ chực chui vào hai lỗ tai của tôi.
APP ILIXX Admin