History: Lâu đài Chambord và Leonardo da Vinci
Tài khoản đăng : ILIXX ADMIN
Đăng : 21/03/2020 | 10:04:45 PM
Lượt xem : 1860
Chambord là một công trình kiến trúc độc đáo, một viên ngọc quý trong di sản của loài người. Tên gọi của nó không chỉ là biểu tượng khẳng định quyền lực của hoàng gia nước Pháp mà còn gợi lên một thành phố lý tưởng. Chambord như một tượng đài, trong hội họa Chambord có lẽ tương đương với bức tranh vẽ nàng Mona Lisa.
Năm trăm năm đã trôi qua, vẫn còn đó bí ẩn chưa có lời giải đáp ai là người thiết kế kiến trúc cho tòa lâu đài nổi tiếng này, có lẽ nào đó lại chính là Leonardo da Vinci?
Năm 2019, đánh dấu kỷ niệm 500 năm ngày mất của Leonardo da Vinci tại Amboise, một thị trấn nhỏ êm đềm thơ mộng bên bờ nam sông Loire nước Pháp, 1519. Cũng chính năm đó, người ta bắt đầu khởi công xây dựng một tòa lâu đài, vị trí ở cách Amboise 50km về phía đông - lâu đài Chambord - lâu đài lớn nhất ở vùng thung lũng sông Loire này được xem là một trong những di tích ấn tượng bậc nhất về kiến trúc thời Phục hưng trên đất Pháp. Chambord là một lựa chọn thay thế được vua Francis Đệ Nhất quyết định cho xây dựng. Thực tế không có kế hoạch xây lâu đài Chambord trước năm 1519.
Một số nhà sử học nghệ thuật cho rằng manh mối tìm ra sự thật ai là người thiết kế lâu đài có thể nằm ở tính chất độc đáo nhất của Chambord, đó là: cầu thang xoắn kép khác thường của tòa lâu đài như một chuỗi DNA, người đi có thể không chạm mặt nhau, cầu thang dẫn đến các tầng chính của lâu đài rồi lên đến sân thượng. Thiết kế cầu thang kiểu này là chưa từng thấy ở Pháp - dường như ở điểm này cho thấy có mối liên quan mật thiết với một người nổi tiếng uyên bác ở Ý thời đó, Leonardo da Vinci.
Theo một số người, ảnh hưởng của Leonardo trên kiến trúc của Chambord là không thể phủ nhận: Đường nét trang trí mặt tiền lâu đài, nội thất và bố cục đều mang những nét đặc trưng. Thật vậy, lâu đài Chambord thường quảng bá chính nó là một công trình thấm nhuần tinh thần Leonardo nhưng không hề khẳng định Leonardo là kiến trúc sư xây dựng vì thiếu hẳn bằng chứng, tại sao? - 1519 là năm Leonardo mất cũng chính là năm khởi công xây dựng tòa lâu đài - Nhiều học giả và du khách luôn lấy làm lạ hai điều có vẻ khó hiểu này.
Năm 1515 ở Bologna, Leonardo da Vinci đã gặp chàng trai trẻ quyến rũ Francis rồi bị cám dỗ bởi lời đề nghị trợ cấp làm việc hào phóng của vị Vua tương lai. Năm sau 1516 Leonardo rời xưởng vẽ của mình ở thành Rome để tham gia vào triều đình của vua Francis I với tư cách là họa sĩ, kỹ sư và kiến trúc sư đầu tiên của nhà Vua. Bước chân đến Pháp, đầu tiên Leonardo đã đến trú ngụ và làm việc tại lâu đài Clos Lucé ở Amboise. Trong những năm ở Pháp, Leonardo nhận một vài khoản trợ cấp nhưng có lẽ ông để tâm nhiều vào việc theo đuổi một tham vọng lớn hơn: Thiết kế một dinh thự hoàng gia với quy mô như một thành phố nhỏ để thể hiện quyền lực và tôn vinh những thành quả vẻ vang về kỹ thuật và nghệ thuật cho nhà vua Pháp Francis Đệ Nhất.
Lâu đài Clos Lucé ở Amboise là nơi ở đầu tiên và cuối cùng của Leonardo da Vinci khi đến Pháp
Phục dựng phòng làm việc của Leonardo da Vinci tại Clos Lucé.
Vào thời điểm Leonardo đến Pháp, Vua Francis I luôn bận rộn với các kế hoạch thiết lập một nơi ở mới sang trọng cho cả hoàng gia vừa là cung điện, biểu tượng của triều đại Valois.
Qua những bức tranh treo trên tường, những cuốn sách cổ, các bản thảo quý hiếm, tất cả đều cho thấy Vua Francis I đã nhiệt tình đưa văn hóa thời kỳ Phục hưng vào công trình xây dựng nghệ thuật của mình. Năm 1516, nhà vua đã lên kế hoạch xây lâu đài mơ ước của mình tại địa điểm Romorantin (ngày nay gần Blois, cách Amboise khoảng 80km). Đối với Leonardo, trong vai trò là kiến trúc sư cho nhà Vua, đây là một công việc trong mơ, sẽ là đỉnh cao trong một sự nghiệp lừng lẫy, cho phép người nghệ sĩ thể hiện nhiều đam mê của mình: Từ kiến trúc, quy hoạch đô thị, thủy lực đến kỹ thuật cơ khí. Toàn những ý tưởng mà Leonardo đã phát triển từ lâu ở Milan, bây giờ là cơ hội ngàn năm có một, được hiện thực hóa trên đất Pháp.
Leonardo da Vinci, một học giả uyên bác người Ý, bắt đầu từ những năm 1490, Leonardo đã tự học trở thành một họa sĩ, kiến trúc sư và kỹ sư.
Pascal Brioist, một nhà lịch sử khoa học tại Đại học Tours cho biết ông khám phá được mối liên hệ giữa Leonardo và lâu đài Chambord. Có sáu bản vẽ của Leonardo trong đó cho thấy thể hiện dự án một cung điện ở Pháp, được vẽ trước khi Chambord bắt đầu hình thành. Các bản vẽ mà Pascal Briost đang đề cập đến là hình ảnh chiếc cầu thang xoắn ốc, nằm trong tập bản thảo Codex Atlanticus của Leonardo, cả hệ thống ống nước phức tạp, những khu vườn - có nhiều thứ trong bản vẽ của Leonardo đã được nhìn thấy tại Chambord.
Có vẻ như Leonardo đã chú thích kỹ lưỡng các bản thiết kế của mình tương ứng với hạng mục cụ thể nào đó của lâu đài nhưng Leonardo chết bốn tháng trước khi bắt tay xây dựng tòa lâu đài ở Romorantin, kế tiếp Vua Francis I quyết định thay đổi địa điểm xây dựng tại Chambord. Phải chăng những bản phác thảo trong Codex Atlanticus chính là một phần trong các thiết kế cho lâu đài dự định xây ở Romorantin của Vua Francis I, trước khi Leonardo mất ?
Trước khi bắt tay vào công việc xây dựng lâu đài tại Romarantin - một khoảnh đất dài 400m trước đó đã được hoàn thành trên bờ sông Sauldre để chuẩn bị cho một cung điện tương lai - nhưng có lẽ nào vì bệnh và cái chết của Leonardo, hoặc vì thấy Chambord có vị trí tốt hơn mà dự án ở Romarantin ngay sau đó đã bị đình chỉ khi công việc vừa bắt đầu tiến hành. Liệu chăng Leonardo có ý định hướng tương lai về Chambord? Tất cả là một bí ẩn, mọi thứ dường như bị chôn vùi dưới đống đổ nát ở Romarantin.
Leonardo da Vinci được chôn cất tại Nhà nguyện Saint Hubert trong khuôn viên của lâu đài Amboise
Là một công trình kiến trúc để khẳng định quyền lực của hoàng gia và được hoàn thiện trải qua nhiều triều đại. Chambord thực sự độc đáo, đó là một di sản với hơn 400 phòng, bao gồm sảnh tiếp tân, nhà bếp, nhiều phòng nhỏ và khu ở của hoàng gia.
Khởi đầu dưới thời Vua Francis Đệ Nhất, Chambord được hình thành như một khu nhà nghỉ trong mùa săn bắn, nhiều bậc thang bằng đá đưa tầm nhìn bao quát các khu vườn, nhiều chuồng nuôi ngựa và phía xa là một cánh rừng bảo tồn có nhiều nai và lợn rừng, Vua Francis I chỉ nghỉ ở đây vỏn vẹn 50 ngày.
Hơn 100 năm sau khi cung điện Chambord hoàn thành, có một khám phá của André Félibien, nhà sử học triều đình vua Louis XIV (1643-1715), đã làm sáng tỏ thêm mối liên hệ giữa Chambord và Leonardo. Trong khi lục lọi trên một căn gác năm 1681, Félibien đã tình cờ tìm thấy một mô hình lâu đài bằng gỗ.
Có lẽ là mô hình ban đầu của Chambord - theo suy luận của Pascal Brioist. Mặc dù không đủ bằng chứng, Brioist vẫn dứt khoát cho rằng đó là manh mối liên kết Leonardo với dự án của nhà vua tại Chambord, bởi nó mang những nét tương đồng với các mẫu vẽ ban đầu mà Leonardo đã thể hiện trong bản phác thảo Codex Atlanticus của mình. Có thể nói mô hình lâu đài gỗ cho thấy các ý tưởng của Leonardo có khả năng được sử dụng để định hình Chambord trong tương lai.
Biểu tượng mạnh nhất của Chambord là cầu thang xoắn kép.
Tuy nhiên cũng có một giả thuyết khác đã được nêu ra. Mô hình này có thể được làm bởi Domenico da Cortona, một kiến trúc sư nổi tiếng người Ý từng được triệu tập đến Pháp dưới triều đại của Vua Charles VIII (1483-1498). Thật vậy, các hồ sơ tài chính của hoàng gia còn lưu lại trong văn khố có ghi rõ một khoản thanh toán 900 quan vào năm 1532 cho Domenico vì thực hiện mô hình bằng gỗ cho lâu đài, vì thế xét về mặt lý thì Leonardo Leonardo chưa chắc phải là kiến trúc sư của Chambord.
Có thể Leonardo da Vinci, cũng có thể Domenico da Cortona, cả hai cùng đưa ra các ý tưởng khái niệm cho tòa lâu đài, từ lập luận này cho thấy có khả năng Leonardo đã đưa ra các khái niệm kiến trúc cho Chambord, người thiết kế lâu đài rất có thể là Domenico da Cortona.
Để làm sáng tỏ các mối quan hệ, các học giả đã chuyển hướng sang tìm hiểu các văn bản lưu trữ của hoàng gia, phát hiện ra rằng Leonardo da Vinci và Domenico da Cortona đã từng gặp nhau trong một bữa tiệc được tổ chức tại Amboise. Hai người từng hợp tác lập kế hoạch cho một bữa tiệc xa hoa của hoàng gia vào năm 1518 đánh dấu sự ra đời của “Dauphin”- Một định chế của hoàng gia Pháp quy định thừa nhận việc nhà vua truyền lại ngôi báu cho vị hoàng tử được chọn - điều này chắc chắn có thể cho phép Domenico có cơ hội lợi dụng ý tưởng của Leonardo vào kế hoạch xây dựng một lâu đài.
Một năm sau bữa tiệc, sau khi Leonardo chết, một dự án xây lâu đài thay thế vị trí Romorantin: thợ xây đã đặt những viên đá đầu tiên tại lâu đài Chambord. Leonardo da Vinci chết, được chôn cất tại lâu đài Amboise.
Leonardo quan tâm các vòng xoáy, con quay, xoáy nước, sự đối xứng và hình dạng khí học như thể hiện chi tiết trong tập bản thảo Codex Atlanticus của ông.
2019 một triển lãm đánh dấu kỷ niệm 500 năm tòa lâu đài, một lần nữa khơi lại cuộc tranh luận xuyên thế kỷ về xác định danh tính vị kiến trúc sư thực sự của Chambord, tất cả vẫn còn là điều bí ẩn.
Trên nóc lâu đài với tầm nhìn bao quát một vùng rộng lớn.
Các nhà chuyên môn sử dụng phương tiện máy tính để khám phá mọi bất thường trong các tòa tháp của lâu đài: tháp phía nam, phía đông và phía tây đều giống hệt theo bản thiết kế, nhưng tháp phía bắc đã bị xoay 90 độ.
Nhìn tổng thể, lâu đài Chambord như một cấu trúc có bốn tòa tháp chính xoay vòng quanh một trục vô hình là cầu thang xoắn kép cho thấy chịu ảnh hưởng mạnh bởi ý tưởng của Leonardo. Những quan sát này cho thấy rõ rằng Chambord tuân theo đúng bản vẽ thiết kế; nghĩa là mọi vị trí phòng ốc, công trình lớn nhỏ, chuyển động phải tuân theo một quỹ đạo tưởng tượng hình tròn hoặc hình xoắn ốc.
Có lẽ sau này cần không gian rộng hơn, Vua Francis I đã quyết định mở rộng xây thêm hai cánh vào năm 1526.
Leonardo da Vinci
Với Leonardo da Vinci, Chambord là ước mơ trong tầm tay nhưng mãi mãi không bao giờ chạm tay vào được.
APP ILIXX Admin