History: 1.000 năm nhà tắm công cộng ở Nhật.
Tài khoản đăng : ILIXX ADMIN
Đăng : 19/03/2020 | 08:16:49 PM
Lượt xem : 2149
“Thả mình chìm xuống bồn dưới làn nước nóng, mọi đau nhức như biến mất khỏi cơ thể đang mệt mỏi căng thẳng, tôi gật đầu lịch sự chào mấy người phụ nữ phía đối diện, nhiều người trong số họ là những người quen trong khu phố, tôi nhắm mắt lại nhấn mình chìm xuống sâu hơn một chút để tận hưởng”.
Ở Nhật Bản, nơi văn hóa bị phân cấp mạnh mẽ thì nhà tắm công cộng lại là nơi để mọi người cùng chia sẻ nhiều vấn đề một cách cởi mở, dễ dàng biểu lộ trung thực cảm xúc của mình.
Phòng tắm công cộng ở Nhật Bản - Sento - nơi người ta thường tìm đến để rũ bỏ những căng thẳng của cuộc sống thường ngày, là thói quen hình thành trong hơn 1.000 năm qua trên đất Phù Tang. Ở Nhật hầu hết các khu phố đều có Sento, theo cách truyền thống, sento yêu cầu phải tắm hoàn toàn khỏa thân, nhà tắm công cộng này cũng đưa ra một bộ quy tắc nghiêm ngặt hướng dẫn cách thức tắm gội sạch sẽ trước khi bước vào ngâm mình trong một hồ nước sạch. Sento mang đến không gian thư giãn và cơ hội kết thân lý tưởng cho bạn bè, gia đình, thậm chí cả đồng nghiệp thế nhưng ngày nay có thể nói hầu như mọi gia đình ở Nhật Bản đều có bồn tắm riêng nên hình thức tắm công cộng đang vơi dần, không còn đúng như bạn nghĩ.
Ngoài Sento còn có Onsen là hình thức tắm nước nóng giàu khoáng chất, nước được làm nóng bằng hoạt động núi lửa tự nhiên, đây là lựa chọn sang trọng của giới thượng lưu ở Nhật Bản. Tại Onsen, có nhiều dịch vụ từ mát sa toàn thân cho đến liệu pháp giảm viêm khớp nên onsen được quảng bá như một phương pháp trị liệu hiệu quả đã có từ ngàn xưa.
Onsen thường được thiết kế với tầm nhìn mở ra không gian ngoài trời trong lành thoáng mát, cảnh trí đẹp, bồn tắm kiểu truyền thống làm từ gỗ tuyết tùng, bầu không khí êm dịu, onsen là nơi thu hút cho các cặp vợ chồng và bạn bè muốn nghỉ ngơi thư giãn sau nhiều ngày làm việc căng thẳng. Các thị trấn yên tĩnh như vùng Kinosaki quận Hyōgo và Kusatsu ở Nhật Bản đã được chuyển đổi thành các khu nghỉ dưỡng nhờ nguồn nước khoáng và không gian yên tĩnh trong lành tại đây, mọi thứ tạo nên cảm giác hoài cổ gắn liền một vài hoạt động truyền thống như đi dạo buổi tối trong bộ áo kimono mỏng nhẹ, được gọi là yukata.
Trước sức hấp dẫn của onsen thì sento lại mang đến một lựa chọn phổ biến khác hẳn.
Lịch sử Sento hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 6, đó là thời kỳ Phật giáo bắt đầu du nhập vào Nhật Bản. Có những ngôi chùa lớn của Phật giáo xây dựng công trình nhà tắm ngay trong khuôn viên, lúc đầu nhà tắm chỉ dành riêng cho các nhà sư, một thời gian dài sau đó người dân địa phương có thể đến tắm miễn phí. Mục tiêu của những nhà tắm này là giải quyết vấn đề vệ sinh đồng thời có thêm nhiệm vụ truyền bá tư tưởng Phật giáo.
Một tài liệu tham khảo trong tập truyện cổ nhất Nhật Bản Konjaku monogatari được viết hồi cuối thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ 12 cho biết đã có Sento ở Kyoto - kinh đô cũ của nước Nhật - trong thời Heian 794 - 1185.
Sự xuất hiện của từ “yusen”, có nghĩa là phí phải trả khi sử dụng bồn tắm, có trong các tài liệu từ thời Kamakura 1185 - 1333 cũng cho thấy nhà tắm công cộng đã được thiết lập vào thời kỳ này. Như vậy từ thế kỷ 12, các nhà tắm của tư nhân đã bắt đầu được mở ra, hình thức tắm công cộng bắt đầu trở nên phổ biến với người dân, đây là sự khởi đầu của sento.
Theo một tài liệu thời bấy giờ, nhà tắm công cộng đầu tiên xuất hiện ở Edo - tên cũ của Tokyo ngày nay - được xây dựng vào năm 1591 bởi một người tên là Ise Yoichi. Thành công của Sento này đã dẫn đến việc xuất hiện thêm các cơ sở tương tự, một thập kỷ sau sento có ở khắp nơi trong thành phố. Sento đã có một thời kỳ hoàng kim, trở nên phổ biến trong suốt thời kỳ Edo (1603-1868) vì lúc này nhà tắm riêng bị cấm xây dựng, đây được cho là một biện pháp ngăn ngừa hỏa hoạn trong thành phố Edo lúc bấy giờ. Căn cứ vào các ghi nhận có trên nhiều tài liệu cũ cho thấy vào năm 1810, thành phố Edo đã có 523 sento, chứng tỏ chúng phổ biến như thế nào.
Sento vẫn tiếp tục phát triển sau kỷ nguyên Edo bởi người dân tiếp tục sử dụng sento, kéo dài đến khoảng năm thứ 40 của thời đại Showa tức khoảng 1965 đến 1974.
Nhà tắm công cộng thời Edo được phân chia thành 2 khu vực nam nữ rõ rệt mặc dù vẫn cho phép tắm chung. Vùng Kansai ở miền tây Nhật Bản lại tự hào có rất nhiều sento tắm chung. Vùng Edo ít hơn nhưng các sento tắ, chung vẫn phổ biến. Đối với chủ nhà tắm, sento tắm chung giúp tiết kiệm nhiều chi phí xây dựng hơn. Có một sự đổi mới là nữ được giới thiệu sử dụng loại nhà tắm yuya để tránh bớt tiếp xúc nam giới.
Từ thời Edo, không chấp nhận nguy cơ đạo đức bị băng hoại do nguyên nhân từ các nhà tắm công cộng nên ban hành lệnh cấm nam nữ tắm chung và giới hạn số lượng yuna, tuy nhiên luật này ít được ai quan tâm.
Lúc đầu, có hai loại sentō chính. Furoya là phòng tắm hơi, trong khi yuya là tắm chung trong một bồn lớn, bồn tắm chung được đặt trong các phòng tối, gần như không có cửa sổ với lối đi vào ở phía dưới thấp để ngăn hơi nước thoát ra.
Sự khởi đầu của kỷ nguyên Meiji (1868 - 1912), Nhật mở cửa canh tân đất nước, gia tăng giao thương với phương Tây đã làm thay đổi tất cả.
Nhiều chỉ trích từ phương Tây đã khiến chính phủ Meiji cấm tắm chung và ra lệnh sento phải có một kiến trúc sáng sủa hơn. Vào năm 1877, một nhà tắm kiểu mới gọi là kulkō-buro, đã khai trương tại Kanda, Tokyo, thiết kế không gian thoáng đãng, trần nhà cao, phòng tắm kết hợp với khu vực thay đồ, vì vậy những người đến tắm không còn phải khom lưng chui qua lỗ thấp sau khi thay quần áo.
Cấu trúc xây dựng cơ bản này vẫn còn giữ cho đến ngày nay mặc dù các vật dụng như gạch, vòi nước có sự thay đổi. Năm 1908 có 1.217 sento ở Tokyo. Theo các tài liệu được công bố bởi hiệp hội nhà tắm, sento phát triển đạt đến đỉnh điểm vào năm 1968, khắp nước Nhật có đến 18.325 sento.
Tai Tokyo, nhiều người nước ngoài tưởng sento giống như những đền thờ được xây dựng theo phong cách Miyazukuri. Trường phái xây dựng này về cơ bản chỉ giới hạn trong khu vực Tokyo. Khi Tokyo được tái thiết sau trận động đất kinh hoàng năm 1923, những thợ mộc có kinh nghiệm trong việc xây dựng các công trình tôn giáo đã áp dụng xây dựng luôn vào các kiểu nhà tắm truyền thống, đơn giản hơn, hấp dẫn hơn để lấy lại tinh thần người dân sau thảm họa khiến gần 200 ngàn người chết và mất tích.
Ngoài hình dáng bên ngoài, nhà tắm công cộng ở Tokyo còn có một số đặc điểm chung như có phòng thay đồ với trần nhà cao, một khoảng sân vườn nhỏ, vài bức tranh tường khổ lớn thường miêu tả cảnh núi Phú Sĩ được vẽ trong phòng tắm.
Ngày nay số lượng sentō ở Nhật Bản đã giảm xuống còn khoảng 4.000 vì đa số các gia đình đều tự trang bị cho mình phòng tắm riêng trong đó có luôn bồn tắm. Lúc này lại xuất hiện loại nhà tắm mới, ngày càng được phổ biến có tên gọi là siêu sento. Super sento cho phép đặt phòng riêng và cung cấp nhiều dịch vụ hơn như có không gian ăn uống, vui chơi, có khu vực đỗ xe. Các gia đình có thể dành nhiều thời gian sinh hoạt, thư giãn, giải trí tự do trong các siêu sento này.
Không chịu thua các siêu sento, các sento thông thường lại quyết định thay đổi bằng cách nâng cao tiêu chuẩn của họ bằng loại nhà tắm thường được gọi là Designer sento. Để thu hút giới trẻ, Designer sento thay đổi phong cách trang trí truyền thống cho phần ngoại thất được hiện đại hơn, bố trí mở rộng hành lang phía trước cho rộng rãi, cách này giúp thuện tiện quan sát khắp khu vực nhà tắm khiến thu hút nhiều khách nữ hơn. Nhiều chủ Designer sento còn xây thêm phòng tắm ngoài trời gọi là rotenburo và phòng tắm hơi. Ở một số nơi, còn được phục vụ nước hoặc bia lạnh sau khi ngâm mình thư giãn.
Rất nhiều người Nhật tự hào về loại hình nhà tắm công cộng. Nhật bản là đất nước có rất nhiều nguồn suối nước nóng nhưng đây không phải lý do khiến các nhà tắm công cộng tồn tại mà theo những người thích đến sento, cơ hội để họ làm sạch thể xác và loại bỏ phiền não, đó mới là lý do chính.
Handaazumayu là một kiểu nhà tắm theo phong cách đơn giản được xây dựng vào khoảng năm 1910. Hiện tại nó có thể thấy tại bảo tàng Meijimura ở Inuyama, tỉnh Aichi.
Một nhà tắm kiểu Miyazukuri được xây dựng vào đầu những năm 1960.
Daikokuyu ở Adachi, Tokyo, được mệnh danh là vua của sento.
Alexia Brue, một người say mê văn hóa tắm công cộng trên khắp thế giới, đã đề cập khá chi tiết về lịch sử của sento trong cuốn Cathedrals of the Fummy của mình, bà so sánh sự rung cảm xã hội trong quá khứ của người Nhật tựa như quán cà phê ở Châu Âu. Tầm quan trọng đối với mọi người là không gian tụ tập cộng đồng được mô tả đầy màu sắc sống động trong ukiyo-e bản khắc gỗ mô tả những cảnh bình dân vui tươi trong cuộc sống hàng ngày vào thời Edo và Meiji.
Sento trong tập truyện cổ Konjaku monogatari được viết hồi cuối thế kỷ thứ 11 đến thế kỷ 12.
Tranh tả cảnh nhà tắm vào thế kỷ 19 của họa sĩ Nhật Bản Toyohara Kunichika.
Tuy nhiên, ngày nay các phương tiện hiện đại đã làm thay đổi hẳn thói quen tắm công cộng, số lượng sento đang giảm nhanh chóng: chỉ còn 530 sento đang hoạt động ở Tokyo so với hơn 2.700 vào 50 năm trước, theo thống kê của Hiệp hội Sento Tokyo. Sự tồn tại của Sento cũng do tính độc đáo nhờ bầu không khí xã hội mà nó mang lại; một thứ gì đó không thể thay thế bằng các quán cà phê hoặc quán bar.
Đến một sento bình dân ở khu Gotokuji, Tokyo, một lần ngâm mình có giá chỉ 460 yên - là một mức giá phải chăng theo quy định của chính phủ.
“Trước khi bước vào nhà tắm, tôi chạm mặt với mấy người hàng xóm, tôi bắt đầu tháo giày vớ đặt vào một tủ khóa nhỏ ở ngay lối vào, trò chuyện với ông chủ rồi bước qua dãy phòng thay đồ, tôi đã bắt đầu từ từ rũ bỏ mối liên hệ với thế giới bên ngoài, tôi được chào đón bởi một thế giới thu nhỏ của vài người dân Tokyo, từ bà ngoại đến cháu gái của họ. Trẻ em được đưa đến sento ngay từ khi chúng chập chững biết đi để được làm quen với thế giới văn hóa hiếm hoi còn sót lại này, nơi đây ai cũng khỏa thân, nếu ai đó có khoe ra bức ảnh chụp khoả thân của mình thì cũng chẳng ai quan tâm. Trên người không một mảnh vải che thân nhưng cũng không lấy gì làm xấu hổ, mọi hình dạng cơ thể, mọi khuyết tật đều được phơi ra trần trụi, đơn giản chỉ bởi tất cả chúng đều được chấp nhận” – Chia sẻ của Stephanie Crohin, một người Pháp đã trở thành cư dân Tokyo và hiện là đại sứ của Hiệp hội Tokyo Sento.
Khoả thân thực sự, nhà tắm công cộng là nơi duy nhất để giao tiếp quen biết mọi người trong đó có trẻ em qua dáng vẻ tự nhiên của mình trong một thế giới ở đó cơ thể con người không bị che dấu, đối với nhiều người phương Tây đây là một sự khiêu khích nhưng có gì đó quen thuộc. Ở Nhật, các cô gái trẻ được giáo dục từ rất sớm rằng không có một phụ nữ nào đẹp.
Onsen, nguồn nước suối giàu khoáng chất được làm nóng bằng hoạt động núi lửa tự nhiên, thường được thiết kế với cảnh quan ngoài trời tuyệt đẹp.
Khi tắm, cử chỉ cởi bỏ y phục trần truồng ví như nhất thời vứt bỏ địa vị xã hội của mình để hòa đồng vào không gian chung, trong đó có thể có người bình dân hoặc người khá giả giàu có, các nhà tắm công cộng là một sự bổ sung kỳ lạ, có vẻ như nó đi ngược lại tinh thần của một xã hội phân cấp sâu sắc, có thứ bậc rõ ràng ở Nhật Bản.
Nếu là một người nào khác, hẳn sẽ ít nhiều mắc cở khi tự cởi bỏ y phục của mình nơi công cộng thì ở Nhật Bản, hành động này ăn sâu vào ý thức tự nhiên của từng người Nhật. Từ ngữ had hadaka no tsukiai, có thể tạm dịch là cộng đồng trần truồng, nó phản ánh một sự cởi bỏ hoàn toàn trong ý thức thánh thiện nhưng chỉ có thể đạt được trong một môi trường thân thiết như sento mà thôi. Tắm chung giữa các đồng nghiệp, tắm chung cả gia đình cho phép mọi người bộc lộ chân thành mọi ý nghĩ cùng cảm xúc của mình. Duy nhất là sự tôn trọng dành cho người cao tuổi, ngoài ra không ai phân biệt giàu nghèo, không là ông chủ, không là nhân viên, tất cả mọi người lúc này đều có chung một giá trị như nhau.
APP ILIXX Admin