Một số loại Bond phổ biến ở Mỹ, giá bao nhiêu - Phần 2
Tài khoản đăng : OH! NGON
Đăng : 25/10/2024 | 04:46:30 PM
Lượt xem : 37
Ở Mỹ, cho dù bạn đang điều hành một tiệm làm tóc, một nhà hàng hay công ty xây dựng v.v… hầu hết các cơ sở kinh doanh lớn nhỏ này đều có ít nhất hai điểm chung: Họ có bảo hiểm và có trái phiếu Bond để đảm bảo thành công lâu dài. Riêng về Bond, có nhiều loại khác nhau tùy theo mục đích xử dụng và Bond cũng không phải là loại bảo lãnh duy nhất bạn cần để hoạt động, bạn có thể cần một số bảo hiểm khác cho doanh nghiệp của mình và mỗi tiểu bang đều có các yêu cầu về bond và bảo hiểm khác nhau.
Nên nhớ rằng sự khác biệt chính, giữa trái phiếu bảo lãnh (Bond) và hợp đồng bảo hiểm (Insurance) đó là: Bond liên quan đến ba bên (bên chính chủ, bên được bảo lãnh và bên bảo lãnh) có nghĩa Bond bảo vệ khách hàng (bên được bảo lãnh) chứ không phải bảo vệ bên mua (bên chính chủ), trong khi hợp đồng bảo hiểm chỉ liên quan đến hai bên (bên được bảo hiểm và bên bảo hiểm), tức chỉ bảo vệ bên mua (bên được bảo hiểm).
Một số loại Bond phổ biến:
Bond cấp giấy phép: Chính quyền tiểu bang và địa phương yêu cầu các doanh nghiệp phải mua Bond trước khi nộp đơn xin một số loại giấy phép. Ví dụ, các doanh nghiệp nộp đơn xin giấy phép làm đại lý ô tô chẳng hạn, có thể cần mua trái phiếu đại lý ô tô trước khi nộp đơn.
Bond xây dựng: Còn được gọi là Bond hợp đồng, Bond xây dựng được sử dụng trong ngành xây dựng. Ví dụ như Bond thanh toán và Bond đấu thầu, giúp bảo vệ chủ dự án nếu nhà thầu thắng thầu, được trao hợp đồng nhưng không ký hợp đồng.
Bond tòa án: Doanh nghiệp của bạn cũng có thể cần Bond tòa án nếu tham gia vào vụ kiện tụng với tư cách là nguyên đơn hoặc bị đơn. Ví dụ, bạn sẽ cần mua trái phiếu kháng cáo nếu muốn phản đối phán quyết của tòa án đối với doanh nghiệp của mình. Trái phiếu đảm bảo rằng nếu bạn thua trong đơn kháng cáo, nguyên đơn sẽ nhận được số tiền theo phán quyết ban đầu.
Đối với một vài ngành nghề, Bond là quy định bắt buộc để hoạt động:
Đối với một số doanh nghiệp nhỏ, có Bond là điều kiện bắt buộc để hoạt động. Ví dụ, trong ngành dịch vụ nhà hàng, các nhà thầu độc lập như thợ sửa ống nước.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp nhỏ khác có thể cần Bond để hoạt động bao gồm:
Các dịch vụ cá nhân như tiệm làm tóc hoặc tiệm cắt tóc, câu lạc bộ sức khỏe và chăm sóc bệnh nhân
Các dịch vụ chuyên nghiệp như công ty thu nợ, đại lý bất động sản và đại lý ký quỹ
Các trường tư thục
Các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà bán lẻ rượu
Công chứng viên
Các công ty xây dựng
Giá bán Bond tùy thuộc vào những điều kiện sau đây :
Ngành kinh doanh
Loại Bond
Điểm tín dụng
Lịch sử tài chính
Giá trị Bond
Chi phí mua Bond là bao nhiêu ?
Thông thường chi phí mua Bond tính theo tỷ lệ từ 0,5% đến 15% trên tổng số tiền muốn được bảo lãnh.
Thời hạn Bond kéo dài bao lâu?
Bond có thời hạn khác nhau. Một số bond kéo dài trong một số năm nhất định trong khi có những Bond khác sẽ hết hạn khi hợp đồng hợp tác giữa các bên quy định đến thời hạn kết thúc yêu cầu về bond. Một số trái phiếu Bond có giá trị vô thời hạn cho đến khi người được bảo lãnh thông báo với bên bảo lãnh rằng họ không còn cần trái phiếu nữa vì bên chính chủ đã hoàn thành nghĩa vụ của mình.
Có khó để khiếu nại bảo lãnh bồi thường không?
Không khó để nộp đơn khiếu nại đối với Doanh nghiệp có Bond. Nếu bên doanh nghiệp/nhà thầu cung cấp dịch vụ hay công việc cho bạn có sự vi phạm hợp đồng, chẳng hạn như không hoàn thành công việc, bạn có thể liên hệ với bên bảo lãnh là nơi đã phát hành Bond, nộp mẫu đơn đã hoàn thành cùng với các tài liệu chứng minh mình (bên được bảo lãnh) bị vi phạm và yêu cầu Doanh nghiệp phát hành/bán Bond (bên bảo lãnh) bồi thường cho mình. Bên bảo lãnh sẽ điều tra về yêu cầu bồi thường của bạn và nếu kết quả đúng sự thật, họ sẽ thay mặt Doanh nghiệp/nhà thầu kia (bên chính chủ) bồi thường cho bạn.
Đến đây bạn đã thấy sự lợi hại của Bond như thế nào trong quá trình kinh doanh của cả hai bên chưa? Bond như chất xúc tác cực kỳ hiệu quả, nó giúp củng cố mạnh mẽ niềm tin lẫn nhau, làm gia tăng thêm độ trung thực và tính cẩn trọng, vốn đã có sẵn trong môi trường kinh doanh ở Mỹ; trước tiên Bond khiến cả hai bên biết cần phải bảo vệ khách hàng của mình như thế nào, kế đến là biết tự bảo vệ mình khỏi phải trả giá bằng sự thiệt hại lớn bởi những sai lầm của bên kia.
Xếp Y cho biết chuyện về BOND còn nhiều thứ để nói lắm, ở đây tui biết bao nhiêu khai ra bấy nhiêu thôi.
Tui xin bật mí: Chuyện cái Bond này do xếp Y kể ra nhân lúc trà dư tửu hậu bởi trong môi trường làm ăn, xếp cũng đang xài Bond loại ngon chứ ở bên xứ mình tui chưa thấy mà cũng không nghe ai nói về nó. Nói tới đây xin “loạn bàn” chút nhằm kết thúc nội dung chia sẻ theo cách nhìn của xếp: Dường như quan điểm truyền thống về cách hành xử trong môi trường làm ăn ở Mỹ, suốt từ đầu đến cuối ở đâu đó luôn ẩn hiện vai trò một trọng tài độc lập (không phải trọng tài kinh tế nhe), mà không những vậy, để chắc ăn hơn đề phòng khi trọng tài có thể bị “mua”, và cũng để khỏi mất công “làm phiền” quan tòa, người ta giải quyết bằng cách cột chặt trách nhiệm đi đôi với lợi ích của những ai đó rồi lồng vào đó là sự phụ thuộc lẫn nhau trong hầu hết các mối liên hệ làm ăn bao gồm nhiều bên độc lập chứ không chỉ cam kết xuông cho dù bằng văn bản giữa 2 bên, như ở ta.
Bên cạnh đó, để duy trì sự trong sạch trong xã hội nói chung và môi trường kinh doanh Mỹ nói riêng, vẫn như lời xếp Y, tui phải kể thêm vai trò hữu hiệu của “Cái kính chiếu yêu”, đó chính là cái ID của dân Mỹ, về hình thức tương tự cái Căn cước công dân của ta, trong thực tế chức năng của nó tựa như cái Lý lịch tư pháp bên mình nhưng ở Mỹ nó phức tạp chi tiết hơn rất nhiều và đáng nói hơn hết là nó gần như công khai nên không ai che đậy được gì. Đây là chỗ lưu lại mọi vết đen vết đỏ theo quá khứ tốt xấu của một đời người kể tứ lúc được tặng ID cho tới lúc … hết thở, cho nên ở Mỹ hầu như đối với người làm kinh doanh nói chung, không ai muốn dối trá để lãnh hậu quả suốt đời, gắn vết thẹo vào ID của mình rồi thì rất dễ bị chúng chê hoặc được chính phủ nuôi suốt đời.
Nhìn vào các mối liên quan như một búi lằng nhằng như vậy, mà cũng chẳng biết con dấu được cất kỹ ở đâu, nhưng nghĩ lại thấy cung cách làm ăn như vậy rất … yên tâm, có lý.
Tui, Oh! Ngon
Phần 1: Bảo kê làm ăn kiểu Mỹ.