Tham gia tự bán hàng
ĐĂNG NHẬP





Quên mật khẩu?

THAM GIA TỰ BÁN HÀNG
THAM GIA

ĐĂNG NHẬP


Nhà cung cấp

Tổng sản phẩm

Tổng sản phẩm đã chọn

Tổng sản phẩm đã bán


Thương hiệu

Hàng độc

Đã sử dụng

Đồ cổ

Xả hàng ngày 25


Shop blogs


EVoucher


Tin của ILIXX



Tải App:


 TRANG CHỦ

 SHOP BLOGS

 TOP 99

 eVOUCHER

AI BIẾT?

Hôm nay : 29/09/2024 | 12:18:53AM


 

6 giờ đầu tiên khi vừa đặt chân tới Hoa Kỳ.

Tài khoản đăng : OH! NGON
Đăng : 21/09/2024 | 05:32:03 PM
Lượt xem : 65




Chuyện xảy ra cách đây đã hơn 1 năm, nhớ bữa đó hứng bất tử, tui có hỏi thăm dò xếp: “Có lần lâu rồi, xếp nói với em mình sẽ làm một chuyến Mỹ du, giờ tình hình buôn bán mấy năm nay cứ ế ẩm èo uột vậy hoài thấy nản quá xếp ơi. Hay lúc này rảnh mình tranh thủ đi qua đó tìm cơ hội làm ăn nào khác được không xếp ?“.

- Tao đã tính rồi, du lịch ngắn hạn vài ngày kiểu đó còn thua cỡi ngựa xem hoa, chỉ đủ thời gian cho tao với mày chạy xe từ khách sạn tới đứng trước cửa mấy cái Bar Mỹ dáo dác ngó vô như hai thằng ngố rồi chụp mấy tấm hình tự sướng đem về khè bà con mà thôi, có làm được gì hơn mà đòi đi tìm cơ hội, chỉ tổ phí tiền phí thời gian. Thôi quên đi, đợi qua năm nếu thằng Y em tao nó mua được nhà ngay vùng Little Saigon, mà nghe nó nói vậy thôi, thì tao với mày có cơ hội làm luôn 6 tháng vi vu ở Mỹ cho linh đình, vậy đi”.

……………

Chuyện của tháng 4 năm nay, sáng vừa gặp mặt, xếp mở loa ngay:

- Ê chút trưa rảnh mày gọi bên vé hỏi xem giá khứ hồi Saigon đi “Eo Ây”, hãng bay nào giá ngon cho tao hay sớm cái”.

- Dạ ok xếp. Ah mà …. Eo Ây là đâu vậy xếp ?”

- Eo@*$!~ ^&”#”! Ah mà 2 vé cho tao với mày, ở Cali 3 tháng đó”.

……………..

Và câu chuyện trong tháng 5.

8:45AM một ngày cuối tuần giữa 5, tui và xếp Chinh cùng sánh bước trong hành lang của phi trường LAX.

………..

Sau vài cuôc gọi, chiếc Tesla trờ tới đón xếp Chinh, tui cùng mớ hành lý, nghe lóm thấy Hanson (hắn còn trẻ măng mới nghe xếp giới thiệu hồi nãy, cầm lái) thông báo với xếp là chở thẳng tới điểm hẹn cách đó không xa vì xếp Y cũng đang trên đường chạy về đó. Cái mệt sau 18 tiếng bay biến đi nhanh chóng do thời tiết ở Los Angeles mát lạnh như Đà Lạt, tuy bầu trời hơi u ám nhưng khí hậu trong lành mà phong cảnh sao lạ lẫm khiến tui cảm thấy tỉnh người hẳn luôn.

Ngồi băng sau chẳng thấy được gì rõ bên ngoài, tui cứ dán mắt vào cái màn hình control chiếc Tesla.

Xe giảm tốc, dừng trước cổng vào, tui xớn xác nhìn ra ngoài thấy cái bảng tên mới biết nơi mình đến - Huntington Library, rồi thầm tự hỏi “Ủa sao đến thư viện làm chi vậy ta? Hay chắc xếp Y làm việc ở đây !”. Mặc dù chưa biết sẽ tình hình sắp tới ra sao nhưng đối với tui, món “khai vị” này trên đất Mỹ coi bộ hơi bị lạ, có hứa hẹn thêm nhiều điều thú vị gì nữa chăng?.

Chạy lòng vòng một hồi Han mới tìm được chỗ đậu trong khu parking chen chúc xe lớn xe nhỏ các loại, Han dẫn xếp Chinh và tui lội bộ một lúc mới gặp được xếp Y, ngay lối vào chính.

Sau màn chào hỏi xã giao, mạnh ai nấy đi theo cách “vui đâu chầu đấy”. Ticket do xếp Y mua online từ trước theo quy định với giá $29 cho một người lớn, giờ mới biết mình được cho đi xem triển lãm về sau này tui mới biết thêm là đối với người già trên 65 tuồi, quân nhân, sinh viên, trẻ em từ 4-11 tuổi giá vé rẻ hơn, miễn phí bé dưới 4 tuổi. Xếp Y đưa cho mỗi người một iphone sau này để ý mới thấy dường như dân Mỹ không ai xài máy hệ Android và trước đó mỗi người cũng được Ban quản lý phát cho một flyer bản đồ hướng dẫn thăm quan trên một khu vực rộng tới 130 Acres tức tương đương … 65 mẫu ta! … Xếp Y dặn dò nếu có đi lạc thì cũng không sao.

Chỉ hơn 90 phút từ khi đặt chân lên xứ Cờ hoa, tui được cho tiếp cận trực tiếp với thói quen của cư dân địa phương vùng San Marino nói riêng cũng như văn hóa Mỹ bản địa nói chung, thông qua buổi viếng thăm THOÁNG QUA TRONG 6 TIẾNG (nếu xem tường tận có lẽ phải mất khoảng 3 ngày) tại Huntington Library Art Museum Botanical Gardens là di sản nghệ thuật kiến trúc văn hóa, vườn bách thảo nguy nga nhất Los Angeles.

Cổng vào cây cỏ mọc um tùm, là một cái hàng rào sắt cũ sơn đen khiêm tốn chứ không bóng loáng vênh váo hay lòe loẹt nhưng nhìn là có ngay cảm nghĩ nó phải là cái “Dinh” chứ không thể là cái gì khác, chỉ có điều ngay lúc này tui không biết nó rộng lớn cỡ nào thôi mà tôi nghĩ chắc lớn cỡ Dinh Độc Lập ở Saigon là cùng.

 

Cái bảng tên đơn giản nhưng đủ ý nghĩa.

 

Quầy tiếp nhận thông tin khách vào thăm quan. Lúc này khoảng gần 11h trưa, du khách đến vẫn còn đông, tui chụp là đã né bớt chỗ tập trung nhiều người, văn hóa phương tây phần đông vẫn không thích bị chĩa máy quay soi vào mình, dù biết rằng là điểm du lịch.

 

Mới trên đường vào, du khách được chào đón bởi tác phẩm có tên là Homage to Nature được chế tác từ gỗ, là tác phẩm điêu khắc tại chỗ của nghệ sĩ người Mỹ gốc Nhật là Mineo Mizuno.

 

Bảng chỉ dẫn.

 

Hướng vào Chinese Garden và Japanese Garden. Hai khu này rất đông người vào xem nhưng tui toàn canh chụp khi không có ai phía trước.

 

Quang cảnh khu Chenese gardens, được xây dựng thiết kế như một Gia trang ở Trung Hoa vào thế kỷ 19.

 

Muốn đặt một bảng tên kỷ niệm như cái bảng nhỏ này, bạn sẽ phải tốn món tiền ủng hộ khá lớn đó. Có rất nhiều bảng kỷ niệm lớn nhỏ đủ kiểu đặt khắp nơi trong khu vườn này.

 

Bảng phong thần tên các nhà hảo tâm tài trợ đóng góp tiền vào Di sản, trên bảng ghi rất rất nhiều tên người Mỹ gốc Hoa vì thành phố San Marino này toàn cư dân giàu có, một số lớn là gốc gác quý tộc giới thượng lưu từ thời nhà Thanh (Trung Hoa thế kỷ 19) đã sang định cư tại đây từ mấy đời đến nay. Sự đóng góp lớn bằng hiện kim này cũng là cách để họ thể hiện lòng biết ơn đối với Henry Edwards Huntington, ông là một trong Tứ đại gia ngành hỏa xa Hoa Kỳ, cũng là người đã bỏ tiền ra mua những vùng đất rộng lớn ở đây từ năm 1903 rồi sáng lập thành phố San Marino vào năm 1913.

 

Muốn được vinh danh như một nhà sáng lập, phải mở hầu bao trên 1 triệu đô nhe. China Ocean Shipping Company được xếp ở Carnelian Level (đóng góp $500,000 - $1,000,000), còn Air China được xếp ở Jade Level (đóng góp $100.000 - $499.000), Có khi chỉ cần góp 100.001 dollars thôi chắc cũng được xếp hạng vào level này !.

 

Khu nhà vườn mang kiến trúc tiêu biểu Nhật Bản.

 

Một góc nhìn xanh mướt được xây dựng dựa vào địa thế đất.

 

Khu triển lãm hiện vật.

 

Vòi nước uống tại chỗ cho người lớn và trẻ em. Tui mới uống xong rồi chụp cái hình này, nước mát như lấy từ trong tủ lạnh ra, cảm nhận là ngọt, trong lành.

Sau này tui mới phát hiện là vòi nước này có ở rất nhiều nơi công cộng, đặc biệt ở chỗ có đông người qua lại, nó thường được bố trí ở khu vực sát restroom (Khu vực restroom ở Mỹ rất vệ sinh sạch sẽ, không bao giờ có mùi hôi đặc trưng nhe), có thể uống ngay tại chỗ hoặc tự đóng chai đem đi. Trong công viên đôi khi có cả vòi nước gắn ở dưới thấp dành cho thú cưng nữa.

 

Sơ đồ toàn khu có các chỉ dẫn được phát miễn phí.

 

Mỏi chân thì kiếm băng ghế ngồi chờ, cứ 30 phút lại có 1 chuyến xe điện chạy qua.

 

Bức họa chân dung bà Arabella Huntington (1851–1924). Nữ chủ nhân cuối cùng của tòa dinh thự, bà là vợ kế của Henry Edwards Huntington (1850–1927).

 

 

 

Phòng trung bày hiện vật.

 

Sảnh phía bên hông dinh thự, bao quát một màu xanh rì, bước xuống là ra thăm khu vườn hồng cùng rất nhiều loại cây cỏ.

 

Một góc nhỏ vườn hồng, nơi đây có một nhà hàng tên là Rose garden Tea room, không tiếp khách vãng lai, yêu cầu ghi danh trước mà nghe xếp Y nói khách phải chờ cả tháng mới đến phiên được phục vụ.

 

Một lối đi nhỏ trong vườn hồng.

 

Có nhiều các loại hoa hồng.

 

Quá nhiều loại kỳ hoa dị thảo mà tui không đủ thời gian xem hết.

 

Gần 5h chiều, Ban quản lý đưa hàng chục nhân viên của mình túa ra khắp hang cùng ngõ hẻm với thái độ nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, ăn nói nhỏ nhẹ lắm nhe, họ thông báo miệng cho từng du khách biết đã đến giờ phải rời khỏi đây (không có chơi kiểu ồn ào là phát loa kêu gọi thí dụ “Đã hết giờ tham quan đề nghị quý khách …. bla bla bla) . Trong lúc đi ra, ngang qua một sân khấu thấy người ta đang chuẩn bị một chương trình biểu diễn nhạc sống cho các thành viên CLB Huntington vào lúc 6h chiều sắp tới, dĩ nhiên có nhạc sống là có nhún nhẩy và tui đọc thông báo thấy có luôn chuyện phục vụ rượu mạnh chắc để bảo đảm nhẩy nhót cho sung hơn. Sau này mới biết ở Mỹ việc tổ chức sân khấu ca nhạc sống ngoài trời có âm thanh nhạc cụ điện tử để phục vụ cộng đồng kiểu như thế này rất là phổ biến nhất là trong mùa hè.

 

Trong khi tui ra cổng thì thấy các thành viên CLB đang lục tục xếp hàng ghi danh vào xem chương trình ca nhạc sống lúc 6PM. Đa phần thấy ai cũng vác theo theo một ghế xếp cá nhân, nếu không có thì phải ngồi xuống bãi cỏ.

 

Huntington Library không quên tổ chức một Shop bán hàng lưu niệm để moi thêm tiền du khách. Mà kỳ là ở chỗ tui quan sát thấy ai cũng háo hức mua sắm mà giá bán có rẻ đâu, thế mới thấy ngon ăn làm sao.

 

Một cái dĩa nhỏ xíu bằng nhựa mỏng melamin của Italy giá $34.

 

Một cái nón có giá bán tới $78 không biết có phải made in China hay không nhưng phải công nhận là cái nón rất đẹp, form rất … Mỹ. Riêng điều này cũng cho biết du khách mò đến đây đều thuộc thành phần có mức sống khá giả trở lên, may quá trong số đó có tui !

Xếp Chinh xem sơ đồ hướng dẫn cho biết từ khi vào lúc gần 11h trưa đến bây giờ là đã gần 5h chiều tức 6 tiếng đã trôi qua mà tụi tui mới xem lướt qua (chứ không đủ thời gian xem kỹ nhe) chỉ cỡ 1/6 của toàn bộ khu trưng bày rộng tới 65 mẫu ta! Rộng thiệt.

 

Trên đường về nhà sau khi được cho ăn nhẹ, xe chạy ngang khu San Marino, nghe xếp Y nói nhà ở vùng này hiện giờ ít nhất cũng có giá từ $3,000,000 tức 75 tỷ vnđ trở lên chưa kể tiền đóng thuế nhà hằng năm. Nghe xếp Y nói vùng này còn có những dinh thự giá trị tới cả trăm triệu dollars. Biết thêm một điều gì dù nhỏ nhặt cũng tốt, hy vọng có dịp nổ cùng mấy thằng bạn.

Lượt về nhà, Han nói sẽ không chạy trên freeway mà chạy xuyên qua các thành phố để xếp Chinh và tui thấy được cảnh sinh hoạt, đường phố. Tui xem định vị trên google map, thấy xe băng xuống vùng Rosemead, xếp Y cho biết đây là khu tập trung nhiều người Hoa thuộc tầng lớp trung lưu và bình dân gồm người gốc Đài loan xen kẽ một vài nhóm nhỏ người hoa từ Lục địa mới sang định cư. Xe đang chạy, tui nhìn ra phố thấy nguyên cái bảng quảng cáo hát tuồng Hồ Quảng (một thể loại như Cải lương của VN) tiếc là không kịp chụp được tấm hình.

 

Sau gần 2 tiếng thì về đến Little Saigon, khoảng 7PM xe ghé đường Garden Grove để ăn tối, xếp Y chỉ ngay bên cạnh là một chung cư nghe nói đang được thành phố Westminster thuê lại của tư nhân để cho người già neo đơn và người vô gia cư (homeless) ở miễn phí, đơn giản là cứ mỗi người chui vô một phòng, đối với homeless là nghiêm cấm rượu bia, thuốc lá, chất gây nghiện v.v…

Cả bàn kêu bún mắm, nếu nấu như mấy quán ở khu Nguyễn thiện Thuật, tui sẽ cho 10 điểm, còn tô bún mắm ở Little Saigon Cali này (nói nhỏ thôi) tui chỉ chấm 7 điểm là rộng rãi, vậy mà xếp Y nói quán nổi tiếng, khen ngon nức nở, dầu sao cũng hết sức cám ơn xếp Y đã cho tui một kỷ niệm đẹp lúc chân ướt chân ráo vừa mới tới Cali.

 

Giá cả sinh hoạt ăn uống ngoài tiệm như vậy đó, ah quên nữa, tui mới khám phá ra là hàng quán món ăn Việt Nam nói chung ở Little Saigon Nam Cali này nấu có ngon hay không, vị có giống Saigon hay không lại là chuyện khác ah nhe. Còn bạn, bạn có đang nghĩ gì không ?

Với tui, 3 tháng rong chơi ở Mỹ là thời gian để tích tụ cảm hứng mới, tạo mối liên hệ quen biết với vài khách hàng và lột xác theo nghĩa bóng. Mục kích sở thị nhiều thứ, học cũng được vài điều mới mẻ, tìm được lời giải cho nhiều vấn đề đang còn thắc mắc, tui biết nhìn thẳng vào bản chất thật sự của vấn đề để tìm ra hướng giải quyết giản đơn chứ không ôm đồm rồi buộc phải đeo loằng ngoằng thêm mọi thứ chỉ nhằm thỏa mãn tính tham việc; Tui thử bắt chước kiểu Mỹ suy nghĩ độc lập trên nguyên tắc giải quyết gọn gàng đơn giản, không màu mè hoa lá cành; “Ah, chỉ cần vậy thôi là đủ”. Sinh hoạt xứ Mỹ cho tôi biết: đừng nên làm mất thời gian công sức lẫn tiền bạc của nhau (cả thằng chế tạo lẫn thằng xài) hòng chỉ để chau chuốt cho lớp vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài.

Từng nghe nói người Mỹ vốn thực tế? Đúng vậy, nhưng phải đến tận nơi, thấy rồi mới tin, nói tới đây tui phải bàn thêm: “Thực tế” nghe thì đơn giản nhưng ở Mỹ đó phải là sự tổng hợp bởi các yếu tố đẹp, đa dụng, nhanh chóng, hiệu quả, tiện lợi, an toàn, tiết kiệm, bền chắc và phẩm chất rất tốt nữa, có như vậy thì mới hội đủ tiêu chuẩn Mỹ.

Tính thực dụng kiểu Mỹ thể hiện rất rõ trong mọi ngóc nghách của đời sống, từ chuyện nhỏ nhặt như chế tạo cái cuốc mini làm vườn, cái lò xo nhỏ gắn dưới chân tường để tranh va đập cánh cửa, cái bóng đèn nhỏ xíu gắn 24/24 trong toilet tới sản phẩm cấp cao là cái màn hình control trong xe Tesla, từ cái xe bus công cộng nặng nề cục mịch cho đến cái toa tàu hỏa Amtrack to đùng như khoang máy bay, từ cách giám sát an ninh trật tự của Police cho đến kẻ vạch làn đường lẫn tín hiệu giao thông công cộng, từ cách tiêu tiền cho đến cách “lượm tiền”… tất tần tật, nhiều lắm có lẽ kể không hết, mà tui cho rằng đó là kết quả từ suy nghĩ độc lập, tự mình mở đầu óc ra cho thoáng chứ không bị gò ép vào một khuôn mẫu đúc sẵn nào.

Hãy thử xem, cái kìm nhỏ xíu chỉ bằng nửa bàn tay, gia công tại Việt Nam mình nhưng có gía bán tới $20 trong Home Depot, đem ra cắt cọng kẽm to đường kính 2mm, bấm nhẹ hều như cắt cọng bún. Với tui, chỉ mỗi chuyện cái restroom công cộng ở Mỹ thôi cũng đã là một thí dụ rất rõ ràng sinh động về cái chất Mỹ đích thực.

Nghĩ lại quả đúng như những gì xếp Chinh đã nói với tui hồi năm ngoái, đó là tui cần có thời gian tối thiểu đủ dài để sống hòa mình vào xã hội Mỹ, nhìn, thấy, biết; Luôn suy nghĩ độc lập, đặt câu hỏi rồi tự tìm câu trả lời, tự tạo cơ hội để sinh hoạt như Mỹ, mạnh dạn giao tiếp hành xử như Mỹ mọi lúc mọi nơi, có hiểu Mỹ càng nhiều thì mới có khả năng tìm thêm được cơ hội phát triển kinh doanh vững vàng cho mình trong môi trường Việt - Mỹ”.

 

Cám ơn quý bạn đã bỏ thời gian đọc và xem tui kể lại câu chuyện thật của mình qua loạt ảnh trong một chuyến Mỹ du dài ngày mới đây, chắc chắn là quý bạn không thể có được chút xúc cảm nào đâu, không chứng có khi lại còn ngờ vực, nhưng nếu có gì mới lạ hoặc hay hơn xin hãy comment chia sẻ cho tui biết phía dưới nghe. Xin cám ơn trước rất nhiều.

 

Tui.

Oh! Ngon

 

BÁO THÔNG TIN XẤU









CHIA SẺ





LIKE VÀ THEO DÕI ILIXX TRÊN FACEBOOK
Ý KIẾN


QUANG PHẠM | 25/09/2024 09:26:03

65 hecta rộng quá.

THÊM Ý KIẾN




BÀI VIẾT KHÁC


CÁC ĐỐI TÁC THƯƠNG HIỆU UY TÍN



CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

© Bản quyền 2018 của ILIXX.COM